TĐKT- Sau 5 năm triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn Trà Vinh có nhiều thay đổi. Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Cơ cấu lao động có bước chuyển dịch mạnh mẽ, các công trình được đầu tư xây dựng đã và đang phát huy hiệu quả. Tính đến cuối năm 2015, Trà Vinh đã có 20 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; 57 xã đạt 10 - 14 tiêu chí và còn 1 xã đạt dưới 10 tiêu chí.
Việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội được coi là khâu đột phá, được nhân dân đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã huy động trên 3.450 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Trong 5 năm tỉnh đã đầu tư trên 445 công trình giao thông các loại. Nhiều địa phương đã huy động được sự tham gia tích cực của người dân, công ty, doanh nghiệp, tiêu biểu như hỗ trợ xi măng cho các huyện, xã để xây dựng đường bê tông. Nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất làm đường với diện tích lớn như xã Phú Cần, Nhị Long Phú… Nhờ vậy, hệ thống giao thông đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Trên địa bàn 85 xã, các tuyến đường liên xã được nhựa hóa đúng theo quy định đạt 92%; đường liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 55,6%; các tuyến đường ngõ, xóm được bêtông hóa đạt 44,7% và đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt 29,5%.
Song song với đó, tỉnh cũng đầu tư xây dựng 30 công trình thủy lợi với 4.217 km tuyến kênh, kiên cố được 64,6 % cống bọng trên địa bàn 85 xã. Các công trình thủy lợi đã cơ bản đáp ứng cơ bản nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tỉnh cũng có 100% số xã đã có điện lưới quốc gia, trong đó có 263.000 hộ sử dụng điện an toàn đạt 98,4%. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục được tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện. Trong 5 năm, Trà Vinh đã đầu tư trên 160 công trình trường học các loại. Về cơ sở vật chất văn hóa, tỉnh đã đầu tư trên 300 công trình cơ sở vật chất các loại, trong đó có 40/85 nhà văn hóa xã cơ bản đạt chuẩn, chiếm 47%; 243/680 nhà văn hóa ấp đạt chuẩn, chiếm 35,7%; 25 sân vận động ở các xã phục vụ nhu cầu hoạt động thể dục, thể thao của địa phương.
Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, Trà Vinh đã tập trung phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Đây được coi là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng NTM. Đến nay hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều có đề án phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa dựa vào lợi thế. Việc tổ chức thực hiện được tiến hành bằng cách xây dựng mô hình và hỗ trợ nhân ra diện rộng. Trong 5 năm tỉnh đã đầu tư trên 160 mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả và được nhân rộng. Điển hình như: Mô hình đưa cây màu xuống chân ruộng lúa ở xã Hưng Mỹ - huyện Châu Thành; mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ đất kém hiệu quả sang làm vườn ở xã An Phú Tân - huyện Cầu Kè; mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn ở xã Phú cần - huyện Tiểu Cần...
Cùng với đó, việc hỗ trợ sản xuất được quan tâm thực hiện với việc hỗ trợ hơn 100 mô hình khác nhau, trong đó có một số mô hình rất hiệu quả như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các mô hình lúa chất lượng cao; mô hình nuôi gà, vịt theo hướng an toàn sinh học; mô hình nuôi heo thịt sử dụng đệm lót sinh học; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã hỗ trợ vốn tăng gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình; dự án Heifer hỗ trợ mô hình chăn nuôi heo, bò; trường Đại học Trà Vinh hỗ trợ thực hiện mô hình trồng màu dưới chân ruộng, mô hình trồng đậu phông trên đất giồng cát…
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ người dân mua máy cày, máy gặt, máy sấy đã được nhiều huyện triển khai mạnh mẽ, đưa tỷ lệ cơ giới hóa các khâư này tăng từ 50% - 90% như: Càng Long, cầu Kè, Trà Cú, Tiểu Cần... Nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo kiện toàn tổ chức sản xuất, cùng với việc tăng cường hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đến nay, toàn tỉnh có 91 hợp tác xã, 2.089 tổ hợp tác và nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã bước đầu phát huy hiệu quả. Sau 5 năm, tỉnh đã tổ chức đào tạo được 844 lớp nghề trình độ trung cấp, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho hơn 19.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động được đào tạo n ghề đến nay đạt 39,03%. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp đã phối hợp cùng với các đơn vị có liên quan đã tổ chức trên 6.000 lớp tập huấn ngắn hạn cho trên 214.987 lượt người dự, với nội dung về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản.
Nhờ chính sách hỗ trợ tích cực trong xây dựng NTM đến nay thu nhập chung của tỉnh đạt 24,06 triệu đồng/người/năm (tăng 4,59 triệu đồng so với năm 2010), tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chiếm 84,69%, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 7,66%...
Có thể khẳng định, sau 5 năm thực hiện phong trào xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở Trà Vinh từng bước đổi thay. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Mục tiêu của tỉnh từ nay đến năm 2020 có ít nhất 50% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn NTM, có 1 huyện đạt chuẩn NTM. Riêng năm 2016, tỉnh phấn đấu có thêm 8 xã đạt chuẩn NTM. Tin rằng với những bước đi đúng đắn, Trà Vinh sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Bảo Linh