TĐKT - Bộ Tài chính có công văn số 9691/BTC-CST gửi các bộ, ngành xin ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu.
Đề xuất giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu
Dự thảo Nghị quyết này nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra cho năm 2022 và kiểm soát lạm phát các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Bộ Tài chính thấy rằng cần thiết phải trình Quốc hội có Quyết nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định việc giảm thuế cụ thể; do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Quốc hội giao thẩm quyền cho UBTVQH điều chỉnh giảm mức thuế TTĐB đối với xăng và thuế GTGT đối với xăng dầu với mức giảm 2 sắc thuế trên lên tới 50% so với hiện hành.
Dự thảo này được thực hiện theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại Thông báo số 1265/TB-TTKQH ngày 07/07/2022 của Tổng Thư ký Quốc hội và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 13/9/2022, để đảm bảo tính kịp thời trong việc ổn định giá xăng dầu trong nước trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tăng cao trở lại tác động lớn tới chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.
Từ đầu năm 2022, giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới có xu hướng tăng cao. Thời điểm chạm mốc cao nhất đối với dầu WTI là 130,5 USD/thùng, dầu Brent là 139,13 USD/thùng vào ngày 07/3/2022.
Trong thời gian qua, để ổn định giá xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ, trình Quốc hội nhiều giải pháp về chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu như 2 lần giảm thuế bảo vệ môi trường. Hiện nay, mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đã giảm xuống mức sàn trong khung thuế quy định tại Luật thuế BVMT. Dự kiến giảm ngân sách nhà nước (NSNN) do giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn khoảng 33.456 tỷ đồng.
Tiếp đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022 để sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi từ mức thuế suất 20% xuống mức thuế suất 10%.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, giá xăng dầu trên thị trường thế giới dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, khó dự báo; trong khi đó các sắc thuế được điều chỉnh bởi UBTV Quốc hội và Chính phủ đều đã xuống mức sàn, nếu giá xăng tăng cao thì công cụ giảm giá chỉ còn trông vào việc giảm mức thuế TTĐB đối với xăng và thuế GTGT đối với xăng dầu. Vì đây là các sắc thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Quốc hội giao thẩm quyền cho UBTVQH được điều chỉnh giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.
Hồng Thiết