Phước Hưng là xã thuần nông, kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiếu quy hoạch đồng bộ, quản lý và thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội còn thiếu. Môi trường một số vùng có nguy cơ bị ô nhiễm cao. Chất lượng lao động còn thấp. Sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ chưa gắn kết với tiêu thụ và chế biến, nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất hạn chế. Trật tự an toàn xã hội còn một số mặt chưa ổn định. Đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Hộ nghèo trên địa bàn xã những năm qua còn cao… Xuất phát điểm thấp như vậy nên bước đầu triển khai xây dựng NTM, xã gặp không ít khó khăn. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, phục vụ đời sống dân sinh, có ý nghĩa thiết yếu trong việc thay đổi diện mạo nông thôn, Đảng ủy xã đã nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý và ban phát triển xây dựng NTM. Xã đã tổ chức cho 7 thôn trên địa bàn ký kết giao ước thi đua. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp với lộ trình phù hợp với tình hình của địa phương, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt chú trọng phát huy nguồn lực của nhân dân trong thực hiện các chỉ tiêu.
Giao thông nông thôn Phước Hưng đổi thay rõ rệt
Xác định việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, xã đã tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp tiếp tục phát triển ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, hiệu quả, gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong trồng trọt và chăn nuôi. Cùng với đó, triển khai mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" với liên kết “bốn nhà”, chủ động liên kết sản xuất giống với Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Bình quân mỗi năm xã Phước Hưng liên kết sản xuất giống với diện tích 500 ha; nông dân xã thu lãi trên 3 tỷ đồng.
Phong trào thi đua trên lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ngày càng được mở rộng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư mới, mở rộng sản xuất. Các cơ sở may công nghiệp, thêu, đan xuất khẩu trên địa bàn xã tiếp tục mở rộng sản xuất, giải quyết trên 1.200 lao động của xã. Các cơ sở gia công, chế biến gỗ và gia công đồ mộc dân dụng tiếp tục duy trì và phát triển, tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong những lúc nông nhàn. Các nghề tiểu thủ công nghiệp của địa phương được khôi phục, đem lại thu nhập cho kinh tế hộ, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn và tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, phong trào ‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” được đẩy mạnh. Tính đến cuối 2015, xã có 91,5% gia đình đạt Gia đình văn hóa, 6/7 thôn được công nhận danh hiệu văn hóa. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đã đáp ứng tốt nhu cầu đời sống tinh thần của người dân. Công tác giáo dục được xã quan tâm, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên (3/4 trường đạt chuẩn Quốc gia). Công tác y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng được quan tâm đúng mức, phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Hiện xã có 80% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Xã cũng thực hiện tốt các chính sách xã hội, chăm lo người có công, các đối tượng chính sách và giải quyết việc làm...
Cùng với Đảng bộ và chính quyền, Mặt trận và các hội, đoàn thể của xã cũng đã triển khai nhiều nội dung thi đua thiết thực hướng vào mục tiêu xây dựng NTM. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, giám sát việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, huy động các nguồn lực để thực hiện đề án xây dựng NTM; tham gia giám sát việc xây dựng kết cấu hạ tầng. Hội Nông dân xã vận động hội viên tích cực tham gia hiến đất làm đường giao thông, làm thủy lợi nội đồng; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, hướng tới sản xuất hàng hóa; thực hiện chương trình giảm nghèo, quản lý tốt tuyến đường hội tự quản. Hội Phụ nữ xã phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên tổ chức các cuộc vận động với quy mô lớn, hỗ trợ vay vốn để xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, gương mẫu đi đầu trong phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM, làm nòng cốt trong phát triển kinh tế gia trại, trang trại, cải tạo vườn tạp, xây dựng các công trình vệ sinh với phương châm ba sạch: “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”, định kỳ hàng tuần tổng vệ sinh đường làng; tích cực tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương; bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Hội Người cao tuổi tích cực hưởng ứng cuộc vận động “ông bà mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”; khuyến khích, động viên cháu con tích cực tham gia xây dựng NTM…
Nhờ hướng đi đúng đắn cùng sự hưởng ứng tích cực của người dân, phong trào xây dựng NTM đã làm bộ mặt xã Phước Hưng đổi thay đáng kể. Kinh tế xã Phước Hưng phát triển khá và bền vững, giá trị sản xuất hàng năm tăng trung bình 12,9%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; đời sống của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân là 28 triệu đồng/người/năm, tăng 2,7 lần so với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức 2%, giảm 1 ,26% so với năm 2011.
Xã đã đạt 19/19 tiêu chí, được công nhận xã đạt chuẩn NTM trong năm 2015, được Thủ tướng chính phủ tặng Cờ thi đua và Bằng khen; UBND tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào xây dựng NTM năm 2015.