TĐKT - Chiều 19/9, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề giới thiệu Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương chủ trì buổi họp báo.
Quang cảnh họp báo
Cung cấp thông tin tại họp báo, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương cho biết, thời gian vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã từng bước phát triển theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng, góp phần giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Từ năm 2019 đến nay, khối lượng phát hành TPDN tăng nhanh, bình quân khoảng 467 nghìn tỷ đồng/năm. Từ năm 2021, triển khai Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, mặc dù có giảm trong các tháng đầu sau khi triển khai quy định mới nhưng thị trường đã nhanh chóng lấy lại đà phát triển với khối lượng phát hành năm 2021 đạt mức 637 nghìn tỷ đồng. Quy mô thị trường đến cuối năm 2021 tương đương 15% GDP.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực về quy mô huy động vốn nhưng sự phát triển nhanh của thị trường cũng đã phát sinh các rủi ro mới. Một số doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu nhưng phát hành trái phiếu với lãi suất cao, khối lượng lớn.
Quy định hiện chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư tự chịu rủi ro khi quyết định đầu tư nhưng thực tế nhiều nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ không tìm hiểu kỹ quy định và thông tin về trái phiếu, đã vi phạm quy định để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, mua TPDN riêng lẻ hoặc góp vốn thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư theo pháp luật dân sự.
Một số tổ chức cung cấp dịch vụ về tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, kiểm toán, thẩm định giá, đại lý phát hành, đăng ký, lưu ký trái phiếu chưa tuân thủ quy định pháp luật, chưa đảm bảo đạo đức nghề nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư hợp thức hóa hồ sơ chào bán, hồ sơ xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc cố tình chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư đối với TPDN riêng lẻ.
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế là do việc thực thi chính sách, tính tuân thủ của một số doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao. Điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán cần được rà soát, đặc biệt là điều kiện về nhà đầu tư nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng cần cân nhắc sửa đổi để phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, nhận thức của nhà đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân, mặc dù đã được thông tin, tuyên truyền, cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn đầu tư theo tâm lý đám đông và ham lãi suất cao. Ngoài ra, nhà đầu tư tổ chức tại Việt Nam chưa phát triển; công tác thanh tra, kiểm tra gặp khó khăn do số lượng doanh nghiệp phát hành lớn.
Ngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo nguyên tắc tuân thủ điều kiện phát hành trái phiếu quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp. Nghị định bổ sung các quy định theo thẩm quyền của Chính phủ để tiếp tục phát triển thị trường TPDN minh bạch, bền vững, bảo vệ quyền lợi cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, khắc phục bất cập trên thị trường thời gian vừa qua. Đồng thời, Nghị định cũng tăng cường quản lý, giám sát bao gồm cả giám sát liên thông giữa lĩnh vực thị trường tài chính, lĩnh vực tín dụng ngân hàng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung quy định để thiết lập thị trường giao dịch có tổ chức. Doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ phải lưu ký tập trung tại Tổng công ty LKBTCK, sau đó đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán (khoản 11 Điều 1 dự thảo Nghị định. Tại phương án phát hành trái phiếu phải nêu cụ thể đối tượng nhà đầu tư mua trái phiếu, sau khi phát hành trái phiếu chỉ được giao dịch giữa các đối tượng nhà đầu tư đã công bố tại phương án phát hành.
Để hoàn thiện quy định về cơ chế quản lý, giám sát, Nghị định còn bổ sung trách nhiệm giám sát của Sở Giao dịch Chứng khoán, Tổng công ty LKBTCK và trách nhiệm của UBCKNN trong việc quản lý, giám sát và thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Bộ Tài chính có trách nhiệm đánh giá việc thực hiện cơ chế chính sách; quản lý, giám sát tổ chức kiểm toán, doanh nghiệp thẩm định giá khi cung cấp dịch vụ liên quan đến TPDN; NHNN có trách nhiệm giám sát các tổ chức tín dụng khi cấp phép cho các tổ chức này cung cấp dịch vụ đấu thầu, đại lý phát hành trái phiếu.
Hồng Thiết