ABAC III: Tiếp tục hợp tác chặt chẽ để ứng phó với thách thức, duy trì quỹ đạo tăng trưởng
29/07/2022 - 13:50

TĐKT - Kỳ họp thường niên lần thứ III của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) năm 2022và các sự kiện xúc tiến liên quan do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì cùng Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh và 02 thành viên ABAC Việt Nam là Tập đoàn đầu tư Sài Gòn,Tập đoàn Sovico phối hợp tổ chứcđã thành công tốt đẹp.

Kỳ họp ABAC III, với chủ đề “Nắm bắt. Tham gia. Kiến tạo” (Embrace. Engage. Enable) diễn ra từ ngày 26 - 29/07/2022 tại Khách sạn Hoàng Gia Hạ Long (Royal Ha Long Hotel) và Cung Hội nghị Quốc tế Hoàng Gia Hạ Long, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh đã thu hút khoảng 150 đại biểu quốc tế là các thành viên ABAC bao gồm các lãnh đạo các tổ chức xúc tiến và đầu tư có uy tín và ảnh hưởng lớn, các tập đoàn, doanh nghiệp tiêu biểu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tham dự. Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng tới các đại biểu ABAC tại Phiên khai mạc Kỳ họp vào sáng ngày 27/7/2022 thể hiện sự quan tâm, chào đón và ủng hộ của Việt Nam đối với ABAC và các hoạt động của Hội đồng.

Kỳ họp ABAC III

Trong bài phát biểu chào mừng, Chủ tịch nước đánh giá cao việc ABAC đã tổ chức Kỳ họp III năm nay tại Hạ Long để thúc đẩy hợp tác trong khối doanh nghiệp tư nhân APEC, cùng nhau tìm cách phục hồi sản xuất kinh doanh thúc đẩy thương mại, đầu tư và kết nối lại các chuỗi cung ứng và hướng tới phát triển sáng tạo, bền vững và bao trùm trong khu vực. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh lợi thế của Việt Nam như một một nền kinh tế năng động, tiềm năng và đang thành công trong việc duy trì đà tăng trưởng tích cực và ổn định, đồng thời là điểm đến an toàn, hấp dẫn về đầu tư, và đặc sắc về danh lam thắng cảnh và du lịch: “Việt Nam là điểm đến bình yên, an toàn và tràn đầy tiềm năng hợp tác”, rộng mở vòng tay chào đón và khuyến khích các doanh nghiệp APEC”.

Mục tiêu của kỳ họp III là xây dựng Báo cáo khuyến nghị của doanh nghiệp gửi lên các Bộ trưởng APEC, hoàn thiện Báo cáo thường niên của ABAC trình lên lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế APEC và chuẩn bị nội dung cho Đối thoại giữa lãnh đạo APEC với ABAC sẽ diễn ra trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 tại Thái Lan vào tháng 11 tới. Theo đó, ABAC tập trung thảo luận và khẳng định quyết tâm tiếp tục hợp tác chặt chẽ để ứng phó với thách thức trong việc duy trì quỹ đạo tăng trưởng của khu vực trước tình hình biến chuyển ngày càng phức tạp và có độ mở lớn và thay đổi nhanh chóng của kinh tế toàn cầu.

Tác động kéo dài của đại dịch đã gây ra sự gián đoạn cho chuỗi cung ứng trên thị trường toàn cầu, gây ảnh hưởng đến sự phục hồi cũng như tăng trưởng bền vững và bao trùm của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Để tăng cường hội nhập kinh tế, ABAC đã liên tục ủng hộ việc hiện thực hóa Khu vực Thương mại Tự do Thái Bình Dương (FTAAP), đề xuất lên các Bộ trưởng APEC các mục tiêu cần sớm thực hiện thông qua các chương trình hành động và ưu tiên trong 5 lĩnh vực: Chuyển đổi số, phát triển bao trùm, bền vững, thương mại và đầu tư, ứng phó với đại dịch.

Các trọng tâm của ABAC đã và sẽ tiếp tục theo đuổi là các ưu tiên trong việc tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) trong khu vực đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Hỗ trợ các MSME này phát triển một cách bền vững với cách tiếp cận có tầm nhìn dài hạn thông qua áp dụng chuyển đổi số để tăng cường khả năng phục hồi và thúc đẩy sự đổi mới, đáp ứng nhanh với nhu cầu thị trường và môi trường kinh doanh liên tục thay đổi. ABAC cũng ủng hộ chương trình nghị sự toàn cầu về tính bền vững, nền kinh tế Net Zero và thúc đẩy các lộ trình phục hồi xanh, đảm bảo an ninh và an toàn lương thực.

Lễ ký thỏa thuận hợp tác kết nối trục kinh tế phía Đông

Nhân dịp ABAC III tổ chức tại Quảng Ninh, với tư cách là tổ chức đăng cai sự kiện, VCCI đã phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh và các địa phương Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên tổ chức 2 sự kiện xúc tiến đầu tư quan trọng đó là:“Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Quảng Ninh 2022: Hội tụ và Lan tỏa” (ngày 26/7/2022), và “Diễn đàn Kết nối Kinh tế trục cao tốc phía Đông (VEHEC)” (ngày 28/7/2022). Đặc biệt tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI và Chủ tịch UBND bốn địa phương đã ký thỏa thuận hợp tác kết nối trục kinh tế phía Đông, chính thức hình thành liên kết kinh tế tiểu vùng dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng – Móng Cái, với quy mô hơn 7 triệu dân, gần 50 nghìn doanh nghiệp, hệ thống hạ tầng đường bộ, cảng biển, sân bay đồng bộ, hiện đại hàng đầu Việt Nam. Kết nối này mở ra thêm nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác cho các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài; đồng thời đem lại hiệu quả cho quá trình phát triển kinh tế bền vững của cả 4 địa phương.

Phương Thanh