TĐKT - Để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, đồng thời nâng cao giá thành sản phẩm, năng suất, chất lượng trồng trọt, chăn nuôi, năm 2016, Hội Nông dân (HND) tỉnh Ninh Bình đã triển khai Đề án “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn”. Sau gần 6 năm triển khai thực hiện, đề án đã thực sự phát huy hiệu quả, không chỉ thay đổi nhận thức của người nông dân về thực phẩm sạch mà còn giúp hội viên tăng thu nhập, phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Lãnh đạo Trung ương HND Việt Nam, HND tỉnh, HND thành phố Ninh Bình thăm quan Cửa hàng nông sản an toàn Sông Vân
Ông Đinh Hồng Thái, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Để thực hiện hiệu quả Đề án “Nông dân nói không với thực phẩm bẩn”, thời gian qua, các cấp HND đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và những kiến thức cho cán bộ, hội viên nông dân về vệ sinh an toàn thực phẩm, về phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.
Sau gần 6 năm, Hội đã triển khai xây dựng gần 500 mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, trong đó nổi bật là mô hình cửa hàng nông sản an toàn và thành lập Câu lạc bộ nông sản an toàn với 60 thành viên tham gia đều là chủ cửa hàng nông sản an toàn, chủ trang trại, gia trại, chủ cơ sở giết mổ, chế biến an toàn nhằm liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Thái, với sự ra đời cửa hàng nông sản an toàn đầu tiên từ tháng 7/2017, đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã hướng dẫn, tư vấn thành lập 23 cửa hàng nông sản an toàn, góp phần giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm an toàn của nông dân trong và ngoài tỉnh, đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn.
Một trong những điển hình trong mô hình này là Cửa hàng nông sản an toàn Sông Vân do anh Nguyễn Ngọc Tiên làm chủ. Cửa hàng nông sản an toàn của anh Tiên là đơn vị đầu tiên được HND tỉnh hỗ trợ xây dựng. Các sản phẩm bày bán tại cửa hàng đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chức năng kiểm định, chứng nhận an toàn. “Tính đến tháng 6/2021, do nhận thấy nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, chúng tôi đã mở thêm cửa hàng thứ hai. Hiện nay, mỗi ngày chúng tôi cung cấp khoảng 2 tạ rau, củ, quả an toàn đến người tiêu dùng của thành phố Ninh Bình”.- anh Tiên vui mừng chia sẻ.
Song song phát triển mô hình cửa hàng nông sản an toàn, HND cũng đã xây dựng các mô hình điển hình sản xuất an toàn như: Mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh; mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại xã Lạng Phong, huyện Nho Quan; mô hình sản xuất mắm tép an toàn cho 3 hộ gia đình tại thị trấn Me, huyện Gia Viễn…
“Khi triển khai thực hiện các mô hình này, các hộ nông dân tham gia mô hình đều được tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, được HND và cơ quan chức năng tư vấn, hướng dẫn thủ tục để công nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, công bố sản phẩm phù hợp quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ vay vốn… Các mô hình cấp tỉnh còn được HND tỉnh hỗ trợ một phần nguyên liệu, vật tư, máy móc”- ông Thái chia sẻ.
Chị Lê Thị Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ xanh (xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh) cho biết: Thực hiện Đề án “Nông dân nói không với thực phẩm bẩn”, HND tỉnh đã hỗ trợ công ty hệ thống tưới nước tự động, giúp hoàn thiện quy trình sản xuất rau, củ, quả sạch, khép kín. Đồng thời, các cấp HND cũng hỗ trợ chúng tôi trong việc dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản. Nhờ sự đồng hành của HND tỉnh, các sản phẩm nông sản của công ty dần có được vị trí trên thị trường, khẳng định chất lượng nông sản sạch đối với người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Trưởng ở thị trấn Yên Ninh chia sẻ: Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, doanh thu thấp, năm 2017 gia đình tôi được HND tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng để nâng cấp nhà xưởng và mua sắm máy móc làm miến dong. Với nhà xưởng rộng, máy móc hiện đại, trung bình mỗi ngày gia đình tôi sản xuất trên 2 tạ miến. Cơ sở của tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất sạch, từ các khâu chọn nguyên liệu, không dùng hóa chất tẩy rửa nguyên liệu, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm…
Bên cạnh việc xây dựng mô hình, HND các cấp đã chú trọng tập huấn, hướng dẫn nông dân lựa chọn, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi có trong danh mục được phép sử dụng, cách thức bảo quản thực phẩm, phòng, chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm; tổ chức các lớp dạy nghề nông nghiệp về chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản cho nông dân; vận động thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên ngành sản xuất thực phẩm an toàn.
Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Đề án “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn” với những việc làm cụ thể, thiết thực của các cấp HND đã góp phần làm chuyển biến về nhận thức của hội viên, nông dân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Người nông dân đã có ý thức trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trong chế biến thực phẩm.
“Nhiều hộ nhận thấy sự cần thiết phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn mới tồn tại và phát triển bền vững. Vì vậy đã mạnh dạn đăng ký xây dựng mô hình đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra công nhận, đề nghị HND tư vấn hỗ trợ để xây dựng nhãn hiệu sản phẩm.”- ông Thái chia sẻ.
Bảo Linh