TĐKT - Dự án “Đường vào vương quốc các vua Hùng trên không gian thực tế ảo” vừa được Công ty cổ phần Câu lạc bộ Laicity chính thức khởi động tại trụ sở Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam đúng vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm 2022.
Dự án được khởi động đúng vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm 2022
Cứ đến những ngày tháng 3 âm lịch, mỗi người dân Việt Nam dù sinh sống ở đâu đều hướng về cội nguồn dân tộc với nghi lễ thờ cúng Vua Hùng: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.
Không chỉ là tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng từ thời xa xưa, mà ngày 10/3 Âm lịch hàng năm đã chính thức trở thành quốc lễ của dân tộc Việt Nam. Vinh dự hơn khi “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nhân kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng là Di sản văn hóa phi vật thể (2012 - 2022), vào đúng Ngày Giỗ tổ năm nay, ngày 10/3 âm lịch, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Nền tảng không gian số vì sức khỏe cộng đồng (CCH), Công ty cổ phần Câu lạc bộ Laicity đã tổ chức họp báo công bố hợp tác chiến lược kế thừa, phát huy cội nguồn văn hóa Việt và y học cổ truyền; khởi động dự án “Đường vào vương quốc các vua Hùng” trên không gian thực tế ảo.
Chia sẻ tại buổi lễ, đại diện Laicity, bà Nguyễn Thị Kim Đức – Phó Chủ tịch Công ty cổ phần Câu lạc bộ Laicity chia sẻ: “Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, là một người dân Việt Nam tôi luôn tự hào về nguồn cội. Nhớ lời Bác Hồ đã từng dạy “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Là một doanh nhân, tôi luôn mong muốn được đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của đất nước. Laicity là một công ty chuyên về công nghệ, lấn sân sang Metaverse (tạm dịch là vũ trụ ảo), hòa vào xu thế ứng dụng công nghệ cao sau Internet. Chúng tôi đang từng bước khẳng định mình trong kỷ nguyên công nghệ số với nhiều cơ hội và thách thức. Ngay từ đầu thành lập, Laicity hướng mục tiêu là các dự án liên quan đến bảo tồn và phát huy các giá trị của thiên nhiên và đề cao tính văn hóa. Thông qua nền tảng kỹ thuật số, Laicity sẽ xây dựng các dự án, từ đó, lan tỏa tính ảnh hưởng của văn hóa và con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Dự án “Đường vào vương quốc các vua Hùng” là dự án đầu tiên để Laicity hiện thực hóa điều đó. Chúng tôi mong muốn thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất để làm nên Ngày Giỗ tổ toàn cầu để mọi người có thể dễ dàng tham gia và trải nghiệm. Tôi thực sự xúc động khi nghe Giáo sư sử học Lê Văn Lan động viên sáng kiến ứng dụng công nghệ của Laicity là một mốc quan trọng “Khai sinh một phương thức kỷ niệm Hùng Vương hoàn toàn mới”.
Ông Lương Thế Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Check in Việt Nam và bà Nguyễn Thị Kim Đức – Phó Chủ tịch Công ty cổ phần Câu lạc bộ Laicity tại sự kiện
Bà Phạm Thị Thanh Hường – Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội chia sẻ: “Sau 10 năm UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng là Di sản văn hóa phi vật thể (2012 - 2022), hôm nay tôi được chứng kiến chương trình khởi động dự án “Đường vào vương quốc các vua Hùng” sẽ được tạo ra trên không gian ảo với công nghệ tiên tiến nhất. Cho tới giờ, hiếm có di sản nào trên thế giới nào có sự kết hợp đột phá như thế. Các di sản muốn bảo tồn cần có sự chung sức của cộng đồng. Với sự phát triển của công nghệ, sự đầu tư của doanh nghiệp, sự vào cuộc của các đơn vị uy tín, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam… tôi tin rằng dự án “Đường vào vương quốc các vua Hùng” của Laicity sẽ giúp không chỉ người dân Việt Nam mà du khách quốc tế muốn tìm hiểu về di sản thờ cúng vua Hùng có thể tiếp cận các giá trị truyền thống, thông qua không gian ảo, cảm nhận bằng các giác quan”.
Theo Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, thông thường, các di sản truyền thống chủ yếu đưa thông tin trên Internet để người xem tìm hiểm theo cách lướt qua hoặc không cảm nhận hết giá trị của di sản bằng các giác quan. “Do đó, có thể nói đây là dự án đầu tiên của Việt Nam tại thời điểm hiện tại, có sáng kiến đưa công nghệ tiên tiến nhất trong kỷ nguyên chuyển đổi số vào trải nghiệm di sản UNESCO. Với tư cách là đại diện Văn phòng UNESCO, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ sáng kiến, hỗ trợ truyền thông trên các nền tảng thông tin của UNESCO” – bà Hường cho biết.
Tại buổi họp báo, Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh vai trò của công nghệ số trong các hoạt động của Phật giáo đã phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của không chỉ Phật tử mà của tất cả mọi người khắp năm châu. Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thông qua mạng xã hội Butta, các kênh truyền thông chính thức của Giáo hội Phật giáo đã phát huy hiệu quả động viên mọi người chung tay chống dịch, bù đắp tinh thần để mọi người vượt qua đại dịch. Việc tham gia ký kết dự án “Đường vào vương quốc các vua Hùng” giữa Giáo hội Phật giáo và Công ty cổ phần câu lạc bộ Laicity nhằm tiếp tục giữ gìn truyền thống cội nguồn của dân tộc, giữ gìn nền văn hóa không chỉ là thờ cúng mà là văn hóa, đem đến hạnh phúc cho con người.
Theo nội dung ký kết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ triển khai nhiều hoạt động hoằng dương chính pháp trên nền tảng không gian mạng của Laicity và hỗ trợ truyền thông cho các hoạt động đem lại lợi ích cho cộng đồng trên các nền tảng truyền thông như: Truyền hình An Viên, mạng xã hội Phật giáo Butta và các trang thông tin của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cùng với đó, các bên thống nhất triển khai tổ chức nhiều hoạt động trở về cội nguồn lịch sử dân tộc thông qua dự án, thúc đẩy Lễ Giỗ tổ Hùng Vương toàn cầu và có kế hoạch lan tỏa dự án “Đường vào vương quốc các vua Hùng trên không gian thực tế ảo” nhằm giới thiệu tới đông đảo cộng đồng người Việt Nam và bạn bè quốc tế trên thế giới.
PT