TĐKT - Nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức, văn hóa công sở, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, tỉnh Bình Thuận đã phát động phong trào thi đua cải cách hành chính với thông điệp “05T”, “05K”.
Tỉnh Bình Thuận nằm ở cực Nam vùng duyên hải Nam Trung Bộ, tiếp giáp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện, trong đó có 1 huyện đảo Phú Quý), 124 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 19 phường, 12 thị trấn và 93 xã với 691 thôn, khu phố). Dân số khoảng 1,258 triệu người, với 35 dân tộc, trong đó có 34 dân tộc thiểu số với 24.881 hộ/104.937 khẩu, chiếm khoảng 8% dân số toàn tỉnh.
Trong những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của cấp ủy Đảng và các cấp, các ngành, công tác cải cách hành chính ở Bình Thuận đã có chuyển biến tích cực. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân về công tác cải cách hành chính từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính của Bình Thuận vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, chưa có sự đột phá; môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh có một số mặt chưa được cải thiện; tinh thần hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp, người dân của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, có biểu hiện tiêu cực; điểm số và thứ hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhiều năm liên tục xếp thứ hạng thấp….
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn, yếu kém, tạo bước đột phá trong công tác cải cách hành chính, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp mới, đề ra những việc cần làm ngay để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phấn đấu hàng năm cải thiện điểm số, thứ hạng và đến năm 2025: Chỉ số PAR Index nằm trong tốp 20 tỉnh, thành và các Chỉ số PAPI, SIPAS nằm trong tốp 30 tỉnh, thành theo xếp hạng của trung ương.
Sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận
Thực hiện chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 39-KH/TU ngày 22/9/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó đã chọn việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính (bảo đảm sự hài lòng của người dân) là một trong 3 vấn đề bức xúc để phát động thi đua tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
Tiếp đến, ngày 22/9/2021, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ký ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Chỉ thị nhấn mạnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện phải thường xuyên quán triệt, tuyên truyền, phổ biến làm cho tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về công tác cải cách hành chính, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý; thay thế ngay những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp.
Đổi mới, sáng tạo, mạnh mẽ, quyết tâm cao trong lãnh đạo, điều hành
Trong năm 2021 và đầu năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã hành nhiều Kế hoạch lãnh đạo, điều hành, đề ra nhiều biện pháp đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ với quyết tâm cao. Tại Kế hoạch số 2992/KH-UBND ngày 12/ 8/ 2021, UBND tỉnh xác định rõ các mục tiêu thực hiện hàng năm và giai đoạn 2021 - 2025; chỉ đạo thực hiện thí điểm 3 mô hình mới: Mô hình “Chuyển giao để Bưu điện thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân”; mô hình hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 tại Bộ phận một cửa các cấp; mô hình “Công dân không viết”. Lấy kết quả thực hiện cải cách hành chính là cơ sở để xem xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua khen thưởng hàng năm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu và tập thể, cá nhân có liên quan tại cơ quan, đơn vị, địa phương; xử lý nghiêm công chức, viên chức do chủ quan để xảy ra chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính hoặc hồ sơ tham mưu giải quyết chậm trễ nhưng không có Phiếu xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả; không hướng dẫn thủ tục đầy đủ một lần; gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân.
Việc chỉ đạo kiểm tra, đánh giá xếp loai cải cách chính năm 2021 đúng chất lượng, đúng thực chất, được dư luận cán bộ, nhân dân đồng tình. Cụ thể: đối với sở, ban, ngành thuộc tỉnh chỉ có 9 cơ quan xếp loại tốt, 9 loại khá, 1 trung bình. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố không có loại tốt, 5/5 huyện, thị xã, thành phố xếp loại khá và 5/5 huyện, thị xã, thành phố xếp loại trung bình.
Phát động phong trào thi đua cải cách hành chính, giai đoạn 2022 - 2025 với thông điệp “05 T”, 05 k”, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng
Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy về thi đua yêu nước, càng khó khăn, càng phải thi đua, thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày. Ngày 10/2/2022, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 385/KH-UBND về phát động phong trào thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025, với Thông điệp “05 T”, 05 K”.
05 T là: (1) Tiếp xúc tổ chức, cá nhân lịch sự, vui vẻ, thân thiện, cởi mở; (2) Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ nhanh chóng; (3) Tận tình hướng dẫn chu đáo, dễ hiểu; (4) Tham mưu giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật; (5) Trả hồ sơ trước hẹn.
05 K là: (1) Không gây khó, phiền hà, sách nhiễu; (2) không để tổ chức, người dân đi lại nhiều lần; (3) không nhận quà, tiền bôi trơn; (4) không để trễ hẹn; (5) không làm trái trình tự, quy định pháp luật.
Khẩu hiệu thi đua là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức, văn hóa công sở, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Chỉ bình xét thi đua, khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương có kết quả đánh giá, xếp loại năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, công nghệ thông tin đạt loại tốt. Hàng năm xét chọn 10 tập thể và 10 cá nhân thật sự tiêu chuẩn xuất sắc để đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.
Tin tưởng rằng, với nhận thức, hành động và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương, công tác cải cách hành chính ở Bình Thuận sẽ có những đổi mới, đột quá, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xã hội, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân và các nhà đầu tư với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương.
Ths. Trần Xuân Đông
Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng,
Sở Nội vụ Bình Thuận