TĐKT - Ngày 22/2, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp mặt đại diện lực lượng y tế và lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tiêu biểu, nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2022). Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến kết nối tới các điểm cầu quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn của thành phố.
Tại Hội nghị, 56 tập thể và 27 cá nhân thuộc thành phố Hà Nội đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 32 tập thể, 37 cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và trong công tác phối hợp xét nghiệm, điều trị người nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố đã được tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, hội nghị là dịp để thành phố tiếp tục bày tỏ sự tôn trọng, tôn vinh, tri ân đối với các y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu trên mặt trận phòng, chống dịch và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tri ân đội ngũ lực lượng tuyến đầu chống dịch
Thời gian qua, thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dưới sự chỉ đạo sát sao của trung ương và thành phố; với tinh thần chủ động dự báo, vào cuộc từ sớm, quyết liệt, thành phố đã triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch của cả nước và được đánh giá cao. Thành phố đã chủ động chuẩn bị các khu cách ly tập trung, trang thiết bị vật tư y tế, nguồn nhân lực, cơ sở thu dung, điều trị, xét nghiệm, tiêm chủng; lương thực, thực phẩm thiết yếu, phân luồng giao thông… đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ các trường hợp F0, F1; kiểm soát an ninh trật tự… không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Đặc biệt, thành phố đã triển khai mở rộng xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm ca bệnh; tiêm tại nhà cho các đối tượng không thể đến nơi tiêm chủng; mở chiến dịch tiêm chủng xuyên Tết; theo dõi, quản lý thu dung, điều trị cho người nhiễm Covid-19 đảm bảo mọi F0 đều được điều trị tại nhà, cơ sở thu dung, tại các bệnh viện giảm tối đa ca chuyển nặng và tử vong…cùng cả nước thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm "thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể có thành tích xuất sắc
Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Đóng góp vào thành quả chung đó có sự hy sinh của các y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Họ đã để lại hình ảnh tốt đẹp trong lòng nhân dân và được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Sự hy sinh, cống hiến ấy đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch của thành phố và cả nước, tạo nên sức lan tỏa, tiếp thêm niềm tin cho người dân Thủ đô về dịch bệnh chắc chắn sẽ bị đẩy lùi.
“Thành phố đã quyết định dành nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực y tế cùng những chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 cao hơn mức quy định của trung ương.” – Đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết.
Dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp và khó lường, có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: Thực tế đó đã đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi ngành Y tế Thủ đô nói riêng và toàn bộ hệ thống chính trị thành phố nói chung cần tập trung nỗ lực thực hiện 4 nhiệm vụ chính:
Thứ nhất, mỗi cán bộ y tế, quân đội, công an… tham gia lực lượng tuyến đầu hãy luôn là những tấm gương sáng về sự nỗ lực, hy sinh, không ngừng hoàn thiện về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để không chỉ giúp người dân gìn giữ, nâng cao sức khoẻ, vượt qua bệnh tật mà còn để lại trong lòng nhân dân Thủ đô những tình cảm ấm áp nhất.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể có thành tích xuất sắc
Thứ hai, ngành Y tế Thủ đô cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; tập trung đổi mới và củng cố hoàn thiện hệ thống y tế từ thành phố đến cơ sở; ưu tiên đầu tư để tạo bước chuyển biến toàn diện về tổ chức, nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ chế hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở; phối hợp nâng cao hiệu quả y tế dự phòng để nâng cao sức khoẻ ban đầu, chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Ngoài ra, chú trọng đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng cung cấp dịch vụ y tế.
Thứ ba, đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ y tế, đặc biệt là những Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú của Thủ đô không ngừng nỗ lực, không ngừng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, thành tựu khoa học trong công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Thứ tư, trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, bên cạnh việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, ngành Y tế Thủ đô cần tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nâng cao năng lực dự báo, tính chuyên nghiệp trong công tác phòng, chống dịch, chủ động các phương án ứng phó hiệu quả trong mọi tình huống.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị thành phố, các cấp, ngành; các quận huyện, thị xã tiếp tục quan tâm, đầu tư cho ngành Y tế các cấp, nhất là y tế cơ sở. "Phải xác định đầu tư cho y tế là đầu tư cho sức khoẻ, cho nhân dân vì một dân tộc Việt Nam khỏe mạnh về thể chất, minh mẫn về trí tuệ để xây dựng và bảo vệ Thủ đô và đất nước", đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Thục Anh