TĐKT - Ngày 16/2, tại đền Lưu Phái (xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì) diễn ra Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu với nghi lễ hầu đồng do Nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Nghĩa thực hiện, với sự hỗ trợ của Công ty cổ phần đầu tư Laicity.
Chương trình có sự tham dự của đại diện UNESCO tại Việt Nam. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016 không chỉ nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa của đạo Mẫu, mà giúp nhân dân hiểu sâu sắc hơn về các giá trị văn hóa thờ Mẫu trong đời sống tinh thần của cộng đồng.
Phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc
Trong không khí những ngày đầu năm mới 2022, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt với nghi lễ hầu đồng là hình thức diễn xướng tâm linh thường diễn ra ở các điện, đền, phủ. Trong đó, hầu đồng là nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị thánh vào thân xác thanh đồng để cầu mong những nhu cầu của cuộc sống hiện thực như sức khỏe, tiền tài, hạnh phúc… Qua nghi lễ hầu đồng, chúng ta sẽ hiểu biết được trang phục, cách sinh hoạt của cha ông xưa, được chiêm ngưỡng sự hiện thân của các thần linh đã được “lịch sử hóa” với những chiến công, phong cách rất riêng của từng nhân vật. Đây là một bộ sưu tập lịch sử và văn hóa vô cùng phong phú và sinh động, một “bảo tàng sống” của văn hóa Việt Nam.
Một trong những yếu tố sân khấu dễ thấy trong nghi lễ hầu đồng là sự xuất hiện những nhân vật mang điệu múa khác nhau với những tính cách khác nhau như: múa mồi, múa kiếm, múa chèo đò… Những nhân vật, những tính cách khác nhau ấy, múa và hát văn cũng có những làn điệu thích hợp. Điều đó cho thấy sự phong phú và đa dạng của nghệ thuật múa dân gian, của nghệ thuật hát văn trong văn hóa, tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Nghĩa - thủ nhang đền Lưu Phái - thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu
Là một trong những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hơn 30 năm qua, nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Nghĩa - thủ nhang đền Lưu Phái cho biết, tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Trong văn hóa truyền thống của Việt Nam thường có lễ Tết thượng nguyên đầu năm để cầu mong cho mọi người một năm mới có nhiều sức khỏe, đất nước Việt Nam bình an, thịnh vượng, thế giới được hòa bình.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa của Tổ chức UNESCO tại Việt Nam
Chia sẻ về nét đẹp của di sản văn hóa này, bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa của Tổ chức UNESCO tại Việt Nam cho biết, với những giá trị văn hóa, tín ngưỡng tâm linh đặc sắc, hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” đã đáp ứng 5 tiêu chí để đăng ký vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Vì thế, ngày 1/12/2016, tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại Ethiopia, di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
“Kể từ đó đến nay, di sản này đã khẳng định sức sống bền vững, có sức lan tỏa mạnh thông qua nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của cộng đồng. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được vinh danh trong danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ tồn tại ở nghi thức chính hầu đồng mà đó là cả hệ thống thực hành tín ngưỡng bao gồm rất nhiều yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, vũ đạo (múa thiêng), hát văn, lễ hội dân gian, các nghi thức trong việc thờ mẫu” – bà Hường chia sẻ.
Hạn chế những biến tướng, thương mại hóa
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn thành phố có hơn 2.000 địa điểm, di tích thờ Mẫu, trong đó có 4 phủ, 210 đền, 892 điện, 33 miếu và số còn lại là điện tư nhân. Đáng nói, số lượng thuộc sở hữu tư nhân tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, nhất là khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong quá trình phát triển thời gian qua cho thấy, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt không tránh khỏi những bất cập khi một số thanh đồng, cung văn đang tận dụng tín ngưỡng để thực hiện mục đích tư lợi cá nhân. Điều này đang đặt ra vấn đề nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và những người tham gia thực hành di sản nhằm bảo tồn ý nghĩa, giá trị tốt đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, người muốn trở thành đồng thầy phải trải qua 12 năm tu dưỡng mới được "đẻ đồng", nhưng không ít người mới "thử đồng" được 3 năm, thậm chí 1 năm đã tự phong cho mình là đồng thầy. Cũng từ đó, nhiều đồng thầy coi việc Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt như một nghề, lợi dụng vào lòng tin của mọi người để thu lợi cá nhân.
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Nghĩa cho rằng, thời gian qua Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được thực hành rất hiệu quả khi di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại này nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, các chuyên gia văn hóa… Thế nhưng không thể phủ nhận bên cạnh đó vẫn còn một số hiện tượng biến tướng của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu mà dư luận xã hội đã phản ánh, lên án, cần sớm loại bỏ để chung tay gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Hường cho rằng, được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vinh dự, tự hào, khẳng định giá trị, đóng góp của văn hóa Việt Nam đối với nền văn hóa chung của nhân loại. Cùng với niềm vinh dự đó là trách nhiệm phải bảo tồn, phải phát huy di sản tốt hơn. “Tất cả các bên liên quan cần thực hiện thật tốt chương trình hành động quốc gia, nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản, cần để Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được thực hiện, trao truyền đúng với ý nghĩa bản sắc tốt đẹp vốn có, không bị làm sai lệch, biến tướng, làm tầm thường hóa, thương mại hóa" – bà Hường chia sẻ.
Theo bà Phạm Thị Thanh Hường, điểm đặc biệt trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ là thực hành văn hóa duy nhất đến nay của người Việt mà trong đó có sự kết hợp của thần đạo, Phật giáo và thánh bản địa. “Trong thời gian qua chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng cũng như các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc hạn chế những hành vi tiêu cực, thương mại hóa khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong đó, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cùng với sự tham gia tư vấn của các chuyên gia văn hóa cũng như các địa phương để phát huy các giá trị nhân văn cao đẹp của di sản này, ca ngợi hình tượng Mẫu như biểu tượng của lòng từ bi và khoan dung, tôn trọng và thúc đẩy đa dạng văn hóa và đối thoại văn hóa tộc người, tăng cường sợi dây tinh thần gắn kết cộng đồng, đồng thời vừa góp phần hạn chế những tiêu cực” – bà Hường nhấn mạnh.
Nghệ sĩ hát chầu văn Nguyễn Xuân Chinh
Là một nghệ sĩ hát chầu văn nhiều năm, anh Nguyễn Xuân Chinh chia sẻ: “Sau nhiều năm tham gia hát chầu văn phục vụ nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Nghĩa hầu đồng tôi đã hiểu được rất nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống qua nghi lễ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam. Là một nghệ sĩ trẻ, tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại này, đặc biệt là góp phần chung tay loại bỏ những hành vi phản cảm về văn hóa trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu này”.
Bà Nguyễn Thị Kim Đức và ông Nguyễn Tài Tuệ đại diện Công ty CP Đầu tư Buta Technology đến tham dự chương trình
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản văn hóa đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại. Đồng thời, sự vinh danh này đã làm cho cộng đồng, những người thực hành di sản nhận thức sâu sắc thêm về di sản của mình để họ tự hào và tích cực hơn trong công tác tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Để phát huy giá trị văn hóa của di sản, bên cạnh việc xử lý nghiêm những biểu hiện lệch lạc, chưa hay và chưa đẹp, lợi dụng tín ngưỡng này để trục lợi thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mọi người dân hiểu được giá trị tích cực của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và những hạn chế, để từ đó có ý thức đấu tranh, đẩy lùi hạn chế, phát huy cái tốt... Có như vậy, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu mới trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của người Việt.
Phùng Thị Ngọc Loan