Quang cảnh lễ cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Đức Nghĩa/TTXVN phát
Đây là một hoạt động thiết thực giàu ý nghĩa đối với nhân dân, du khách và đặc biệt là những người yêu thích nghệ thuật gốm sứ phù điêu đến với thành phố Cảng trong dịp đầu Xuân mới 2022.
Triển lãm “Gốm nghệ thuật” giới thiệu đến người xem 80 tác phẩm gốm khác nhau điêu khắc, nặn đắp hết sức tinh tế, toàn bộ đa dạng màu men khác nhau của gốm sứ hậu Lê, Mạc, sự quyền quý của hoa văn Lý, Trần. Những bộ chân đèn mang phong cách triều Lê, triều Mạc trang trí họa tiết hoa cúc, hoa sen tiêu biểu thời Lý, Trần; bộ “Cửu Long tranh châu”... đến những bức tượng các danh nhân như: Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Vua Lê Đại Hành, Đức vương Ngô Quyền, Vua Lý Thái Tổ và Quốc Tổ Hùng Vương… tất cả đều toát lên nồng đậm giá trị truyền thống của dân tộc.
Nét đặc sắc của những sản phẩm này nằm ở cách chế tác, khắc khuôn âm bản, nặn đắp tinh xảo, công phu, được làm bằng tay theo công thức truyền thống trở thành một phương pháp độc lập, một thương hiệu riêng của nghề gốm cổ truyền được định danh tại Hải Phòng. Mỗi tác phẩm là một kỳ công, một lời tâm tình của đất, của lửa, của nước, của những sẻ chia.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai, trong gần 30 năm nghiên cứu, tìm hiểu về họa tiết phù điêu cổ trong chùa chiền, các di tích công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên đã nhận thấy họa tiết phù điêu trên các chất liệu gỗ, đá, đồng, đất nung và gốm sứ đều không còn nguyên vẹn bởi sự bào mòn của thời gian. Nét tinh nghệ thủ công của cha ông bao đời đã khơi nguồn cảm hứng tạo thành khát vọng cho Nghệ nhân phục chế những họa tiết phù điêu đã bị mai một, mong bảo tồn, gìn giữ tinh hoa văn hóa Việt với nhiều loại hình khác nhau: Kiến trúc, điêu khắc, thư pháp, phục chế di tích, tái hiện không gian xưa, chế tác gốm sứ phù điêu, và đã gửi gắm công sức sáng tạo của mình tại những công trình văn hóa, lịch sử và kiến trúc Phật giáo ở Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố.
Các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Đức Nghĩa/TTXVN phát
Năm 2018, bằng niềm đam mê, kiến thức mỹ học và kỹ năng thủ công tinh nghệ, Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên đã chế tác và ra mắt bộ “Bách bình” hoàn toàn bằng tay, được Tổ chức Kỷ lục Người Việt toàn cầu trao kỷ lục Người Việt Nam phục dựng và sáng tạo dòng gốm phù điêu nhiều loại nhất năm 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chính từ những đóng góp này, với tài trí, niềm đam mê và sử dụng công nghệ làm gốm hiện đại, năm 2020, Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên (Đại đức Thích Chánh Tịnh) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên bằng hành động cụ thể đã cùng cộng đồng góp phần thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đồng thời bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị vô cùng quý báu sản phẩm làng nghề gốm cổ truyền của dân tộc.
Các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Đức Nghĩa/TTXVN phát
Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên-một người thợ, một nghệ sỹ hay nói đúng hơn là một "hiện tượng", đó là sự xuất hiện của người thợ gốm nghiệp dư, nghĩa là không có gốc gác gắn bó với một làng nghề, vùng nghề, không kế thừa một truyền thống, một trường phái nào... nhân vật xuất hiện như một hiện tượng khác thường.
"Triển lãm “Gốm nghệ thuật” không chỉ để giới thiệu những tác phẩm gốm phù điêu của Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên, mà còn ghi nhận sự cố gắng không ngừng, không mệt mỏi của tác giả. Là địa chỉ tin cậy cho các nghệ nhân thành phố, là điểm dừng chân lí thú của du khách khi đến thăm thành phố Hoa phượng đỏ thân yêu", bà Trần Thị Hoàng Mai nói.
Theo TTXVN