TĐKT - Năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố Hà Nội đã chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong việc tham mưu cho Thành phố tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, góp phần đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Nhân dịp Xuân mới, phóng viên Tạp chí Thi đua Khen thưởng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Công Bằng, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố Hà Nội về kết quả đạt được năm 2021 và phương hướng triển khai năm 2022.
Phóng viên: Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội nói chung; trong đó ngành Thi đua - Khen thưởng chắc chắn cũng không tránh khỏi những khó khăn chung. Ban Thi đua – Khen thưởng đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố những giải pháp hiệu quả nào, nhằm đưa công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành công cụ hữu hiệu, góp phần đưa Thủ đô an toàn, ổn định và phát triển, thưa ông?
Đ/c Nguyễn Công Bằng trả lời:
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, cùng 10 chương trình công tác của Thành ủy, Ban Thi đua – Khen thưởng đã tham mưu Hội đồng Thi đua – Khen thưởng thành phố ban hành 5 chương trình công tác nhiệm kỳ. Đó là điều quan trọng tạo hành lang cho các đơn vị triển khai thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Công Bằng, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố Hà Nội
Cùng đó, trong tình hình dịch bệnh, Ban Thi đua – Khen thưởng đã phát động các phong trào thi đua ngắn hạn, dài hạn gắn với phong trào thi đua phòng, chống Covid-19. Chính vì vậy, việc khen thưởng cho người lao động, người dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội cũng như phòng, chống dịch tăng nhiều so với những năm trước đây.
Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh, công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến cũng được Ban Thi đua – Khen thưởng tham mưu thành phố có nhiều hình thức mới bằng trực quan, trực tuyến và qua hệ thống các cơ quan báo chí của trung ương và Hà Nội. Qua đó, tăng thêm sức mạnh, động lực để người dân nhiệt tình tham gia công tác phòng, chống dịch.
Phóng viên: Ông có thể nêu một số kết quả nổi bật từ các phong trào thi đua yêu nước của Thủ đô trong năm 2021?
Đ/c Nguyễn Công Bằng trả lời:
Thành phố Hà Nội đã phát động phong trào thi đua đặc biệt “Toàn dân đoàn kết, chung sức thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các đơn vị đã vận dụng hết sức linh hoạt, sáng tạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua để quyết tâm về đích. Qua đó, thu ngân sách nhà nước của thành phố vượt dự toán.
Về công tác phòng, chống dịch, thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị có nhiều cách làm sáng tạo, nhiều phong trào thu hút đông đảo người dân tham gia. Điển hình như Mặt trận Tổ quốc đã có nhiều hoạt động thu hút các nguồn lực hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cũng như an sinh xã hội. Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ có những đội tình nguyện, sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Hà Nội đã có những mô hình tiêu biểu, sáng tạo, hiệu quả như “Vùng xanh an toàn” (quận Hoàng Mai), “phát phiếu đi chợ” (quận Tây Hồ), mô hình chống dịch “3 lớp” (huyện Đông Anh)… Những cách làm đó đã góp phần khống chế, kiểm soát dịch bệnh, được trung ương và thành phố đánh giá cao.
Phóng viên: Mới đây, Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Vậy ông có thể chia sẻ thêm về những nỗ lực của đơn vị mình để đạt được danh hiệu cao quý này?
Đ/c Nguyễn Công Bằng trả lời:
Năm 2021, Ban Thi đua – Khen thưởng Hà Nội kỷ niệm 15 năm thành lập. Nhìn lại chặng đường đã qua có thể thấy rằng: Với đội ngũ cán bộ không đông (20 người), được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác TĐKT toàn thành phố; với trách nhiệm “xét tuyển” giúp Thành phố những tấm gương người tốt, việc tốt (NTVT), điển hình tiên tiến (ĐHTT) trên mọi lĩnh vực; mỗi cán bộ, công chức, người lao động của Ban TĐKT luôn có ý thức gương mẫu và học tập theo Bác, học tập theo các tấm gương ĐHTT, NTVT để trau dồi kiến thức, nâng cao đạo đức công vụ, kỷ cương hành chính. Vì vậy, khó khăn nào cả tập thể cũng cố gắng đoàn kết, vượt qua, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội
Ngay từ đầu năm 2021, tất cả cán bộ, công chức của Ban Thi đua – Khen thưởng xác định trách nhiệm công việc của mình, đăng ký danh hiệu thi đua, đăng ký sáng kiến kinh nghiệm, đề xuất giải pháp mới để đổi mới quy trình làm việc, chất lượng tham mưu, đăng ký học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hằng tháng, lãnh đạo ban và các phòng đều đánh giá cán bộ, công chức một cách bài bản, chặt chẽ, thực chất. Việc đánh giá quan trọng nhất không phải để xếp loại thi đua mà là để tìm ra ưu điểm để tiếp tục động viên cán bộ, công chức phát huy, đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế để khắc phục trong tháng tiếp theo. Qua đó, chất lượng cán bộ, công chức nói riêng và chất lượng công việc của Ban nói chung được nâng lên theo từng tháng.
Trong năm 2021, Ban Thi đua – Khen thưởng đã được thành phố tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, là chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc biệt là vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Phóng viên: Năm 2022, tiếp tục là một năm được dự báo có nhiều khó khăn, thử thách đối với thành phố nói chung và ngành Thi đua, Khen thưởng nói riêng. Vậy công tác thi đua, khen thưởng của thành phố sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào thưa ông?
Đ/c Nguyễn Công Bằng trả lời:
- Dự báo năm nay tiếp tục có những khó khăn do hệ lụy của dịch bệnh những năm trước, để chủ động thích ứng với tình hình mới, Ban Thi đua – Khen thưởng đã lên kế hoạch tham mưu thành phố triển khai các phong trào thi đua. Trong đó, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch với chùm hoạt động hướng tới kỷ niệm 30 năm phong trào “Người tốt, việc tốt” của Hà Nội. Dự kiến, sẽ huy động toàn bộ các cấp, các ngành và nhân dân thực hiện kế hoạch này. Tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh, từng cấp, ngành sẽ điều tiết hình thức tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh người tốt, việc tốt. Ở cấp thành phố dự kiến sẽ có 2 hoạt động lớn, đó là một hội thảo vào dịp 11/6 và hoạt động cao điểm diễn ra vào dịp 10/10.
Bên cạnh đó, trên cơ sở các kế hoạch của thành phố, Ban Thi đua – Khen thưởng sẽ hướng dẫn các đơn vị linh hoạt trong tổ chức phong trào thi đua. Trước mắt, dự kiến cuối tháng 2 sẽ tổ chức sơ kết phong trào thi đua phòng, chống dịch, nhằm tôn vinh những gương điển hình tiên tiến, những gương người tốt, việc tốt ở tuyến đầu phòng, chống dịch. Qua việc sơ kết đó, Ban sẽ tham mưu thành phố có văn bản chỉ đạo các ngành đẩy mạnh phong trào thi đua trong thời gian tiếp theo.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mai Thảo (thực hiện)