TĐKT - Chiều 7/1, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm triển khai chương trình “Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Chương trình được truyền trực tuyến trên các nền tảng số của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và kênh VTV3 Đài truyền hình Việt Nam, địa chỉ: http://congdoan.vn; youtube Công đoàn Việt Nam, pages Công đoàn Việt Nam; pages VTV3, café sáng với VTV3.
Tọa đàm được tổ chức nhằm đảm bảo thống nhất về nhận thức và phương pháp tổ chức hiệu quả Chương trình “Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” (sau đây gọi tắt là “Một triệu sáng kiến”) trong cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức và người lao động trên cả nước.
Tại buổi tọa đàm, các khách mời là đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo các Ban chuyên môn của Tổng Liên đoàn, lãnh đạo Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố đã cùng nhau trao đổi, tiếp thu ý kiến đóng góp, giải đáp các vướng mắc khi triển khai chương trình tại cơ sở.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải và Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Mạnh Kiên giao lưu với độc giả
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải: Chương trình “Một triệu sáng kiến” là chương trình có ý nghĩa thiết thực do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi xướng, nhằm phát huy tinh thần thi đua vượt khó, sáng tạo trong đông đảo đoàn viên công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các cấp công đoàn, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chiến thắng dịch bệnh Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe nhân dân, phấn đấu vì khát vọng một Việt Nam phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
“Chương trình tổ chức từ nay và hoàn thành vào năm 2023 – trước khi diễn ra Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kỳ vọng con số “Một triệu sáng kiến” của Chương trình này sẽ là một dấu ấn phong trào thi đua của nhiệm kỳ 2018 – 2023 và là công trình chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; đồng thời cũng là thành tích của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.” – ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Để chương trình 1 triệu sáng kiến đạt được mục tiêu đề ra, theo ông Nguyễn Mạnh Kiên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam, công tác tuyên truyền đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo ông Kiên, hai nội dung quan trọng hệ thống báo chí của Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng như các cơ quan truyền thông, báo chí trên cả nước tuyên truyền về Chương trình 1 triệu sáng kiến cần làm nổi bật, đó là: Giá trị làm lợi của các sáng kiến, các mô hình hay, cách làm tốt của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; từ đó, giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhìn thấy rõ những lợi ích sáng kiến của người lao động đem lại và có những chính sách tốt hơn nữa với người lao động. Mặt khác, thông qua các các câu chuyện chân thực, cụ thể được các cơ quan truyền thông, báo chí khai thác sẽ giúp người lao động hiểu được rằng nguồn gốc của những ý tưởng, sáng tạo không phải những gì cao siêu ở đâu mà chính là những công việc hằng ngày họ đang làm, cách mà họ đang cải thiện, khắc phục để công việc của mình được thuận lợi hơn và hiệu quả hơn.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Nhi, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An - một đơn vị dẫn đầu cả nước trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” năm 2021 chia sẻ: Khi triển khai chương trình thi đua phát huy sáng kiến có một số khó khăn trong quá trình cập nhật sáng kiến. Người công nhân có thể nghĩ ra sáng kiến làm lợi, nhưng khi đưa lên cấp trên để công nhận thì đòi hỏi phải có tính khoa học. Vì vậy, công đoàn cơ sở phải là nơi trực tiếp hỗ trợ và hiện thực hóa sáng kiến của người công nhân. Có thể cùng tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu để thể hiện sáng kiến; thậm chí hỗ trợ kinh phí để sáng kiến được hiện thực hóa…
Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội cho rằng: Hà Nội là địa phương đã sớm triển khai rất hiệu quả hoạt động phát huy sáng kiến, sáng tạo Thủ đô hơn 20 năm nay. Vì vậy, theo ông, Chương trình “Một triệu sáng kiến” của Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động triển khai lần này là chủ trương đúng đắn, kịp thời, nhất là trong thời điểm hiện nay. Hà Nội cũng vừa phát động chính thức chương trình này đến toàn thể CNVCLĐ Thủ đô vào ngày 6/1, quyết tâm cùng với cả nước hoàn thành các chỉ tiêu trong chương trình này.
“Qua triển khai chương trình sáng kiến, cải tiến, thực tế nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã công nhận rằng, hầu hết các máy móc sản xuất mà doanh nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài về không còn nguyên bản nữa mà đã được những kỹ sư, công nhân, lao động Việt Nam sáng tạo, cải tiến thành những sản phẩm phù hợp, mang lại năng suất lao động cao hơn. Đó là điều rất đáng tự hào.” – ông Hùng khẳng định.
Tại chương trình, ông Huỳnh Quang Thịnh – Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Điện tử Myaloha, đơn vị đồng hành cùng Tổng LĐLĐ Việt Nam trong xây dựng phần mềm cập nhật trực tuyến các sáng kiến của Chương trình cho biết: Năm 2021, để tiếp tục đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, trước mắt là thí điểm trên lĩnh vực tuyên truyền, giáo dục, Myaloha đã tặng Tổng Liên đoàn phần mềm là Cổng thi trực tuyến Công đoàn Việt Nam tại địa chỉ https:congdoanvietnam.org. Với Cổng thi trực tuyến này, trong năm, Tổng Liên đoàn đã tổ chức thành công chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” và cuộc thi tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Tiếp nối các hoạt động trên, Myaloha đã và đang hoàn thiện các tiện ích của Cổng trực tuyến cũng như phần mềm cập nhật các sáng kiến để phục vụ Chương trình “Một triệu sáng kiến” của Tổng Liên đoàn. Hiện nay, Cổng trực tuyến đã sẵn sàng tiếp nhận các sáng kiến, sáng ngày mai 8/1 chương trình sẽ ra mắt.
“Myaloha đang tư vấn cho Tổng LĐLĐ Việt Nam sử dụng trí tuệ nhân tạo trong xem xét, đánh giá hiệu quả các sáng kiến, giúp sàng lọc tự động các sáng kiến có yếu tố trùng lặp, sao chép một cách tự động…” - Ông Thịnh cho biết.
Để chương trình đảm bảo tính công bằng, tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Toản – Phó Chánh Văn Phòng Tổng Liên đoàn đã giải đáp những thắc mắc cũng như chia sẻ với cộng đồng về các tiêu chí cụ thể để tham gia chương trình; cũng như lộ trình, cách thức tổng kết, đánh giá, khen thưởng Chương trình “1 triệu sáng kiến”.
Trong gần 2 tiếng đồng hồ giao lưu, tọa đàm trực tuyến, triển khai chương trình “Một triệu sáng kiến” thu hút hơn 3000 lượt người theo dõi và hàng trăm lượt người tương tác. Mong rằng, chương trình “Một triệu sáng kiến”, sẽ tiếp nối thành công, có thêm nhiều sáng kiến chất lượng, thiết thực, khả thi, áp dụng được ngay vào lao động sản xuất, mang lại nhiều lợi ích cho các cơ quan, doanh nghiệp và cho đất nước góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một Việt Nam phát triển và là một dấu ấn để chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sẽ diễn ra vào năm 2023.
Mai Thảo