TĐKT - Ngày 31/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường về thành tích xuất sắc trong triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường (Ảnh: Bộ TN&MT)
Năm 2021, dù gặp khó khăn, thách thức nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, toàn ngành TN&MT đã đạt được những chỉ tiêu cơ bản đặt ra trong năm 2021, đóng góp trực tiếp, quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Toàn ngành đã tập trung giải quyết ngay các vướng mắc, điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển; tổng kết đánh giá, hoàn thiện thể chế, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 12 Nghị định, 2 Quyết định, 2 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư. UBND tỉnh, thành phố ban hành trên 420 văn bản phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường...
Toàn ngành đã rà soát 440 văn bản liên quan đến đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng và kinh doanh bất động sản xác định 40 văn bản có nội dung chưa thống nhất, đồng bộ, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp, trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định thuộc thẩm quyền và giải quyết các chồng chéo mâu thuẫn trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tập trung triển khai xây dựng các chiến lược, quy hoạch, trình Quốc hội quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy hoạch sử dụng tài nguyên nước quốc gia và các lưu vực sông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phân bổ hợp lý nguồn lực tài nguyên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, của đất nước, phát triển các ngành, lĩnh vực và các địa phương.
Các nguồn tài nguyên được quản lý chặt chẽ, phân bổ và sử dụng hiệu quả cho phát triển đất nước. Tình trạng lãng phí đất được quan tâm chỉ đạo, rà soát, xử lý, đến nay, cả nước đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, rà soát, thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất với diện tích 16 nghìn ha; yêu cầu đưa vào sử dụng gần 53 nghìn ha; chấm dứt chủ trương đầu tư 7,7 nghìn ha. Đến nay, có 41/63 tỉnh phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ. Nguồn thu từ tài nguyên nước ước đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, trong đó, thu từ tiền cấp quyền đạt hơn 1.600 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu Quốc hội giao về tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực đô thị đã hoàn thành, đạt khoảng 94,71% (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao 89%). Các mô hình xử lý rác thải theo hình thức đốt rác phát điện thay cho chôn lấp được triển khai ở nhiều địa phương. 80% cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao được kiểm soát vận hành đóng góp cho tăng trưởng.
Công tác dự báo, tiệm cận với trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, thế giới đã được nâng cao độ chính xác; trong sai số dự báo trung bình bão trong các thời hạn trước 24, 48, 72 giờ lần lượt trong khoảng 80 – 120 km, 120 – 200 km, 200 – 300 km, giảm hơn 54%, thiệt hại về người, 78% thiệt hại về tài sản so với trung bình 10 năm vừa qua.
Ngành đã xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, thiết lập hành lang pháp lý cho quản lý, triển khai các kế hoạch để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã khẳng định thông điệp mạnh mẽ về sự công bằng, trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung lớn nhất của toàn cầu tại COP26. Qua đó, chủ động tận dụng các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thu hút các dòng vốn đầu tư vào hạ tầng về biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình sản xuất, công nghệ và phát triển năng lượng tái tạo.
Báo cáo của Bộ TN&MT cũng cho biết, chỉ số hài lòng của người dân doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 4,14% so với năm trước, tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh sự phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính giảm 7%, phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai giảm 4%; tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm từ 8,85% năm 2019 xuống còn 4,03%; số lượng đơn thư, khiếu kiện giảm 28% trong năm qua.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng các tập thể có thành tích xuất sắc - Ảnh VGP/Đức Tuân
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới ngành TN&MT cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục có hiệu quả, nhất là một số tồn tại hạn chế liên quan đến quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, thủ tục hành chính.
Ngành TN&MT cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo chuẩn bị đảm bảo chất lượng Đề án tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới chính sách pháp luật về đất đai để trình Bộ Chính trị và Trung ương theo đúng tiến độ; xây dựng Đề án sửa đổi Luật Đất đai dự kiến trình Quốc hội trong năm 2022.
Bộ TN&MT cần hướng dẫn, giải thích cho các bộ, ngành, địa phương về tiêu chí, tiêu chuẩn, các quy định sử dụng đất đai bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng quy định pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương. Cần đẩy mạnh công tác điều tra đánh giá trữ lượng khoáng sản, nhất là khoáng sản chiến lược, quan trọng trên biển và đất liền; trước mắt trong năm 2022 phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải khảo sát, đánh giá trữ lượng khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng phục vụ cho xây dựng các tuyến cao tốc. Tập trung triển khai sớm hoàn thành Quy hoạch không gian biển và vùng bờ giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện thật tốt việc kiểm soát xả thải và xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường (bụi, khí thải, nước thải, rác thải ra môi trường); phải có giải pháp phù hợp, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để quan trắc, giám sát, kiểm soát hiệu quả xả thải ra môi trường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Bộ TN&MT cần chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch, chương trình, hiện thực hóa các mục tiêu đã cam kết.
Ngành cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư trang thiết bị, mạng lưới khí tượng - thủy văn, đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm công tác dự báo chính xác, nhất là trong công tác phòng, chống thiên tai; tiếp tục thực hiện đột phá về thể chế chính sách, thực hiện rà soát các quy định pháp luật để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phân cấp phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ TN&MT vì thành tích xuất sắc trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngành TN&MT; Cờ Thi đua của Chính phủ cho 5 tập thể đã dẫn đầu phong trào thi đua năm 2021 của ngành TN&MT.
Bình Nguyên