TĐKT - Ngày 24/12, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn thanh niên nông thôn toàn quốc với chủ đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong kết nối cung - cầu” với sự tham gia của các chuyên gia, 57 nhà nông trẻ xuất sắc nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2021 và được trực tuyến tới các tỉnh, thành đoàn.
Diễn đàn là hoạt động ý nghĩa, nằm trong khuôn khổ liên hoan thanh niên nông thôn và lễ trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2021, là dịp để các nhà nông trẻ học hỏi, trau dồi kiến thức, từng bước tiếp cận và làm chủ kinh doanh trong thời đại số.
Theo Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương, những năm qua, Đoàn thanh niên các cấp đã phát huy vai trò đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, tạo động lực mạnh mẽ cho thanh niên nông thôn phát triển kinh tế. Việc chuyển đổi số nông nghiệp được tổ chức Đoàn và thanh niên quan tâm, đã từng bước giúp thanh niên nâng cao năng suất, chất lượng, lợi nhuận, tối ưu hóa hoạt động sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại nhiều cơ hội cho thanh niên.
Diễn đàn “Ứng dụng chuyển đổi số trong kết nối cung - cầu” có sự tham gia của các chuyên gia, 57 nhà nông trẻ xuất sắc nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2021 và được trực tuyến tới các tỉnh, thành đoàn.
Tuy nhiên, hiện nay việc chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam nói chung và với thanh niên nói riêng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản. Mô hình sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp chưa tương xứng. Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn là thanh niên không được đào tạo chuyên môn bài bản, mà hầu hết là kinh nghiệm được truyền từ đời trước sang đời sau. Sự liên kết "4 nhà" còn hạn chế, nhiều sản phẩm chưa có chiến lược phát triển rõ ràng ở tầm quốc gia.
Cùng với đó, việc thanh niên biết và ứng dụng nền tảng số trong kết nối cung – cầu còn hạn chế; số lượng mô hình thanh niên ứng dụng chuyển đổi số chưa nhiều; sàn thương mại điện tử chưa phát huy hết giá trị; việc phải “giải cứu nông sản” diễn ra ở nhiều nơi; câu chuyện nền nông nghiệp Việt Nam chứng kiến cảnh nông dân được mùa mất giá, được giá mất mùa diễn ra thường xuyên…
Từ những thực trạng trên, với mong muốn góp phần giải quyết được những khó khăn, bất cập, góp phần tích cực vào chuyển đổi số nông nghiệp, Trung ương Đoàn tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong kết nối cung - cầu” với 3 chuyên đề chính: Công nghệ là công cụ để đảm bảo chuyển đổi số nông nghiệp thành công; gắn mục tiêu chuyển đổi số với yêu cầu của thị trường trong kết nối cung - cầu; vai trò của chính sách đối với chuyển đổi số và kết nối cung - cầu.
Các đại biểu tham gia chia sẻ tại Diễn đàn
Với sự tham gia của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ban Khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp số, VIDA... cùng các nội dung được quan tâm như: Các yếu tố đảm bảo thành công quá trình chuyển đổi số nông nghiệp; phương thức liên kết để phát huy hiệu quả trong chuyển đổi số; tác động của thị trường đến mục tiêu chuyển đổi số; cơ hội của đoàn viên, thanh niên sau quá trình chuyển đổi số nông nghiệp; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho thanh niên ứng dụng chuyển đổi số trong thương mại nông nghiệp... Diễn đàn là dịp để các nhà nông trẻ học hỏi, trau dồi kiến thức, từng bước tiếp cận và làm chủ kinh doanh trong thời đại số.
Từ thực tế không kiến thức kinh doanh, không vốn nhưng quyết định bán hàng trực tuyến do tiểu thương ép giá nông sản gia đình và các hộ nông dân, chị Nguyễn Thị Mến (Lâm Đồng), người được biết đến với việc quảng bá, tiêu thụ nông sản Đà Lạt trên các trang web, trang bán hàng trực tuyến cũng là thanh niên đoạt Giải thưởng Lương Định Của năm nay chia sẻ, để chuyển đổi số trong nông nghiệp trước hết phải thay đổi tư duy, vì với nhiều người nông dân, hướng dẫn để họ sử dụng thành thạo điện thoại thông minh đã là điều khó khăn. "Quan trọng là phải học hỏi và nhận thức được vai trò của chuyển đổi số để giúp ích cho bản thân, gia đình và những người nông dân xung quanh", chị Mến nói./.
Thục Anh