Tiến tới khuôn khổ pháp lý toàn diện thúc đẩy kinh doanh và phát triển thị trường khí
30/11/2021 - 11:10

TĐKT - Sáng 30/11, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Hiệp hội Gas Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị "Kinh doanh khí: Tiến tới khuôn khổ pháp lý toàn diện thúc đẩy kinh doanh và phát triển thị trường tại Hà Nội".

Hội nghị "Kinh doanh khí: Tiến tới khuôn khổ pháp lý toàn diện thúc đẩy kinh doanh và phát triển thị trường tại Hà Nội".

Hội nghị được tổ chức với mục tiêu thu thập nhiều ý kiến phản biện, góp ý đến từ các nhà quản lý, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu thông qua hoạt động trao đổi, thảo luận, đồng thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ thách thức để hoàn thiện pháp lý thúc đẩy phát triển thị trường khí quốc gia.

Thời gian qua, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng tương đối đầy đủ hệ thống văn bản pháp lý về kinh doanh khí. Tuy nhiên, qua rà soát và thực tiễn thi hành, các cơ quan quản lý Nhà nước nhận thấy một số chính sách cần được xem xét điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tiễn, nhiều quy định cần được thay thế, điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với mục tiêu quản lý.

Vụ Thị trường trong nước cho biết, hoạt động kinh doanh khí hiện nay được điều chỉnh theo các quy định tại Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về kinh doanh khí và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan.

Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã chủ trì hoặc tham gia phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị, diễn đàn về thị trường kinh doanh khí để lắng nghe các ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh khí về những bất cập cần sớm xem xét, đánh giá tổng thể và sửa đổi đối với các quy định về kinh doanh khí. Một số bất cập cụ thể: Tồn tại một số loại hình thương nhân kinh doanh LPG đang hoạt động nhưng chưa được điều chỉnh, một số quy định chưa thống nhất và rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các loại hình thương nhân (thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí, thương nhân sản xuất, chế biến khí và thương nhân kinh doanh, mua bán khí). Chưa quy định đầy đủ, rõ ràng và cụ thể về các loại hình kinh doanh khí thuộc hệ thống phân phối. Tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG bị chiến dụng, cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra lưu thông trên thị trường có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ gas, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng.

Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể để các doanh nghiệp kinh doanh LPG chai, chạm chiết nạp LPG vào chai trong việc trao đổi, hoàn trả chai LPG hoặc hợp đồng thỏa thuận trao đổi chai LPG không được thực hiện nghiêm túc dẫn đến tình trạng chiếm dụng chai LPG, khó kiểm soát hoạt động kinh doanh. Quy định về thuê chai LPG, nhãn hiệu hàng hóa chai LPG đã và đang gây cản trở cho các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống các hành vi gian lận thương mại... Thiếu quy định về quản lý đối với trạm cấp khí. Việc triển khai công tác kê khai giá, kiểm soát giá không được thực hiện nghiêm túc và khó kiểm tra...

Tại Hội thảo, các đại biểu đề xuất trong thời gian tới, nhiệm vụ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý toàn diện về kinh doanh khí cần đạt được các yêu cầu: Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các loại hình tổ chức, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực; hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh; loại bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, không ban hành điều kiện kinh doanh trái quy định pháp luật, không đúng thẩm quyền; các quy định đưa ra phải đảm bảo yêu cầu rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện và có lộ trình tuân thủ phù hợp.

Phương Linh