TĐKT- “Chúng con mong có mẹ đi cùng…” Đó là dòng tin nhắn của các em sinh viên của trường Đại học Y Thái Bình gửi đến người mẹ đặc biệt của mình, PGS.TS Phạm Thị Dung – Giảng viên trường Đại học Y dược Thái Bình.
Người mẹ của hàng trăm con
Người phụ nữ đặc biệt mà hàng trăm sinh viên trường ĐH Y Dược Thái Bình gọi bằng mẹ là PGS.TS Phạm Thị Dung - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm (Đại học Y Dược Thái Bình).
PGS.TS Phạm Thị Dung tại khu thu dung F0 ở trường THPT Phước Kiển, huyện Nhà Bè
Những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, không ít sinh viên của trường ĐH Y dược Thái Bình đã xung phong lên đường vì miền Nam ruột thịt. Những tin nhắn nài nỉ giữa đêm, “con biết mẹ rất nhiều trọng trách nhà trường giao phó, nhưng con xin được ích kỷ một lần mong mẹ cùng chúng con lên đường, cùng tham gia chống dịch”… và “nếu cô là trưởng đoàn lần này, em nhất định sẽ xin bằng được vào trong đó để đi tình nguyện cùng cô”…
Theo tiếng gọi của trái tim, với sự nhiệt huyết của người làm nghề y, PGS.TS Phạm Thị Dung cùng 250 tình nguyện viên đã lên đường sau khoảng thời gian ngắn ngủi trở về từ tâm dịch Bắc Giang.
Tại TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Phạm Thị Dung là Trưởng Đoàn công tác số 2 của trường Đại học Y dược Thái Bình với 250 tình nguyện viên của trường được chia làm 2 nhóm. Nhóm 150 thành viên do PGS.TS Phạm Thị Dung phụ trách, hỗ trợ huyện Nhà Bè lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc F0 tại khu cách ly trường THPT Phước Kiển, với gần 400 F0, trong đó có gần 100 F0 là em nhỏ. Nhóm 2 với 100 tình nguyện viên hỗ trợ quận Bình Tân chống dịch.
PGS.TS Phạm Thị Dung chia sẻ trong niềm xúc động: “Tôi thật sự cảm ơn những tình cảm của các bạn sinh viên dành cho mình. Tại tâm dịch Bắc Giang, cô và trò chúng tôi đã luôn nỗ lực, sát cánh cùng nhau, vì vậy khi đăng ký tình nguyện vào TP Hồ Chí Minh chống dịch, nhiều em đã nhắn tin, gọi điện mong muốn có cô đi cùng, những dòng tin nhắn “Mẹ thì không thể bỏ con, chúng con mong có mẹ đi cùng…” khiến tôi rất xúc động và quyết định cùng các bạn sinh viên lên đường vào TP Hồ Chí Minh”.
Nơi chăm sóc hàng trăm trường hợp F0 đặc biệt
Đến với tâm dịch TP Hồ Chí Minh, đoàn công tác đã nhận nhiệm vụ ngay lập tức cùng với huyện Nhà Bè thành lập các khu cách ly tập trung với chức năng là thu dung, chăm sóc những đối tượng F0 từ cộng đồng.
PGS.TS Phạm Thị Dung cho hay: “Với những khu cách ly thông thường, chúng tôi chỉ nhận nhiệm vụ lựa chọn những F0 không triệu chứng, không bệnh nền và dưới 65 tuổi để thực hiện công tác theo dõi, quản lý, thu dung. Tuy nhiên, trước thực tế của dịch bệnh và gánh nặng điều trị của tầng 2, tầng 3 rất nặng nề, chúng tôi đã hỗ trợ Bệnh viện Nhà Bè nhận nhiệm vụ, thu dung cả những trường hợp đặc biệt”.
Tại đây, các trường hợp đặc biệt này là trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ nhỏ nhất là 45 ngày tuổi, cùng với người trên 65 tuổi, có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, một số bệnh lý tim mạch đã điều trị ổn định. Thậm chí có cả những trường hợp rối loạn tâm thần.
Với kinh nghiệm chống dịch dài ngày tại Bắc Giang trước đó, PGS.TS Phạm Thị Dung khẳng định, đoàn công tác đã và đang tổ chức quản lý khu cách ly điều trị F0 này rất tốt. Đặc biệt là những trường hợp có bệnh lý và trẻ em sẽ có chế độ ăn riêng biệt, được bổ sung trái cây, sữa để tăng cường hệ miễn dịch, phòng trách bệnh tật một cách tối đa.
Ngoài ra, với người lớn tuổi có nhiều bệnh lý nền với tâm lý không muốn xa gia đình để chuyển tuyến và xin được ở lại, đoàn công tác đã có những biện pháp hỗ trợ nguời bệnh bằng cách bố trí số điện thoại hotline của bác sĩ chuyên môn để khi cần, họ có thể được tư vấn bất cứ lúc nào.
Hơn nữa, UBND huyện Nhà Bè dành riêng 1 xe cấp cứu, hỗ trợ chuyển tuyến bệnh nhân bất cứ lúc nào. Ngoài ra, trong tất cả các khu, các phòng bệnh đều được đặt 1 máy tạo oxy cùng với việc thành lập “trưởng phòng” có trách nhiệm bao quát, chăm sóc và theo dõi sức khỏe F0 trong phòng… đây cũng là những liệu pháp tâm lý cho bệnh nhân cảm thấy được yên tâm hơn khi vào đây, có trang thiết bị hỗ trợ điều trị bất kể ngày đêm.
PGS.TS Phạm Thị Dung là bác sĩ dinh dưỡng nên rất quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng người bệnh. Bác sĩ Dung cho biêt: “Riêng trẻ nhỏ cần một chế độ dinh dưỡng đặc thù, chúng tôi bổ sung thêm sữa vào khẩu phần ăn hàng ngày. Riêng với người lớn, chúng tôi vận động và có sự tài trợ, hỗ trợ từ UBND huyện bổ sung 3-4 quả trứng/tuần vào suất ăn bình thường. Ngoài ra có trái cây phổ biến ở miền Nam để bệnh nhân tăng cường vi suất.”
250 sinh viên của Trường Đại học Y Thái Bình cũng được người mẹ đặc biệt này chăm sóc một cách đặc biệt, được mẹ lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ. Trong quá trình làm việc có bạn sinh viên nào ốm đau, đều được mẹ chăm sóc tận tình. “Mẹ để lại trong chúng em sự thân thiện, gần gũi, đầy hơi ấm lan tỏa từ trái tim”- Sinh viên Lại Yến Nhi - lớp Đa khoa, trường Đại học Y dược Thái Bình chia sẻ.
Nhóm truyền thông y tế tại TP Hồ Chí Minh