TĐKT - Chiều 3/9, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết: “Tính đến nay, Hà Nội đã tiêm chủng được khoảng 32% dân số”.
Bà Hà cho biết, thành phố đang tiếp tục triển khai tiêm vắc xin theo phân bổ của Bộ Y tế một cách nhanh nhất, sớm nhất và an toàn nhất cho người dân ở tất cả các địa phương theo hình thức cố định và lưu động. Thời gian tới, thành phố phấn đấu cam kết tiêm chủng đạt 150.000 mũi/ngày. Đồng thời, tiếp tục đề nghị Bộ Y tế phân bổ vắc xin để đạt độ bao phủ tiêm chủng.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà thông tin vào chiều 3/9
Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà: Tính từ 18h ngày 2/9 đến 12h ngày 3/9, Hà Nội ghi nhận 43 ca mắc mới, trong đó có 6 ca cộng đồng, 29 ca tại khu cách ly và 8 ca trong khu vực phong tỏa.
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay) Hà Nội ghi nhận 3.664 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.559 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 1.850 ca, 213 ca trong bệnh viện và 42 ca nhập cảnh. Qua công tác chủ động giám sát các ca ho, sốt ngoài cộng đồng đã phát hiện 162 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện tại, Hà Nội có 6 chùm ca bệnh phức tạp là các chùm ca bệnh tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) có 412 ca mắc; phường Văn Miếu có 113 ca mắc, Văn Chương (Đống Đa) có 89 ca mắc; phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) có 46 ca mắc; xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) có 17 ca mắc; chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) có 16 ca mắc. Trong đó, Thanh Xuân Trung có số ca mắc cao nhất nhưng về cơ bản đã được kiểm soát.
Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố đã thành lập 3 tổ công tác chuyên trách do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố làm chỉ huy phụ trách từng lĩnh vực công tác như: Xét nghiệm, cách ly, tiêm vắc xin, thu dung điều trị, hậu cần, cơ sở vật chất phục vụ các khu cách ly tập trung…
Về việc thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, đã kích hoạt 2.000 giường bệnh cho 8 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, trong đó có 500 giường bệnh cho bệnh nhân nặng, nguy kịch, 1.500 giường điều trị cho các bệnh nhân trung bình. Sở Y tế cũng đã nâng quy mô điều trị, cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân nhẹ không có triệu chứng lên 20.000 giường. Tính đến nay, đã tiếp nhận và điều trị 3.428 bệnh nhân; hiện, còn hơn 1.000 bệnh nhân đang điều trị và 53 bệnh nhân nặng. Sở Y tế cũng đã phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng bài tập thể dục để hướng dẫn cho các bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để nâng cao sức khỏe.
Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, Hà Nội đã triển khai ký hợp đồng với các bệnh viện công lập, ngoài công lập thuộc trung ương và thành phố tham gia công tác xét nghiệm, nâng công suất xét nghiệm lên 200 nghìn mẫu/ngày. Theo đó, trong những ngày qua, thành phố đã tổ chức xét nghiệm tất cả khu vực phong tỏa 2 - 3ngày/lần, khu vực nguy cơ cao 5 - 7 ngày/lần theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, tổ chức xét nghiệm ở những khu vực tiếp giáp với khu vực nguy cơ cao, tiếp giáp khu vực phong tỏa, khu vực đông dân cư, khu tập thể cũ, chật hẹp…; thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ như: Shipper, lái xe công nghệ, người tiếp xúc với nhiều người, người bán hàng ở chợ, siêu thị…
Nhận định Hà Nội vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, song, theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, việc thành phố triển khai thực hiện giãn cách thời gian qua là cơ hội để ngành y tế xét nghiệm sàng lọc diện rộng, bóc tách các ca F0, thực hiện tiêm chủng. Một số ca cộng đồng được ghi nhận ở địa bàn phức tạp như Thanh Xuân Trung, Văn Chương, Văn Miếu, nơi có nhiều khu tập thể cũ, sử dụng nhà vệ sinh chung, nhiều ngõ ngách, liên thông đan xen… thì việc xét nghiệm diện rộng, từ đó khoanh vùng, truy vết, phát hiện sớm ca bệnh là rất quan trọng.
Theo Giám đốc Sở Y tế, nguy cơ dịch bệnh của Hà Nội còn cao và khó lường, thể hiện ở việc lây nhiễm trong cộng đồng. Do Hà Nội là trung tâm giao lưu, dân cư cư trú, sinh hoạt đông, là nơi đặt nhiều trụ sở cơ quan, doanh nghiệp. Song, khi phát hiện F0, thành phố nỗ lực truy vết triệt để. Đồng thời, sắp tới, Hà Nội tiếp tục tổ chức xét nghiệm diện rộng theo dịch tễ, theo nhóm nguy cơ và nguy cơ cao.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, “vùng xanh” vẫn có thể có các điểm nguy cơ, do đó, vẫn cần tổ xét nghiệm. Song song với đó, sẽ tổ chức xét nghiệm ở các “điểm nóng” bệnh viện, khu công nghiệp, siêu thị là nơi dễ phát hiện các ca trong cộng đồng; tổ chức tiêm vắc xin nhanh, kịp thời để Hà Nội sớm khống chế được dịch bệnh trong thời gian tới.
Thục Anh