TĐKT - Xen lẫn tiếng máy móc tại Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) đặt tại Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang là những tràng ho dài, khản đặc không ngớt của các bệnh nhân COVID-19. Nơi đây, các y, bác sĩ hiện đang chiến đấu giành giật sự sống cho 90 bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch.
2 lần xung phong vào “điểm nóng”
Chỉ mới vừa hết thời gian cách ly y tế sau chuyến đi chống dịch tại Bắc Giang chưa được bao lâu, BSCKII Đào Trọng Thành - Trưởng đoàn chi viện của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô lại tiếp tục lên đường vào “điểm nóng” Tiền Giang. Đây là lần thứ hai anh xung phong vào tâm dịch. BS Thành chia sẻ, là một chiến sĩ áo trắng, anh không quản ngại khó khăn, xác định đây cũng sẽ là một chuyến đi trường kỳ nhưng khi Bệnh viện có lời kêu gọi, anh lại tiếp tục xung phong lên đường tiếp sức cho miền Nam.
BSCKII Đào Trọng Thành - Trưởng đoàn chi viện của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô tại Tiền Giang
Bước ra khỏi khu vực điều trị với chiếc áo ướt đẫm mồ hồi, tranh thủ chút thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi của mình, bác sĩ cho biết: Bác sĩ vừa tham gia trực tiếp công tác điều trị, vừa đào tạo công tác chuyên môn cho các nhân viên y tế tại trung tâm. Nhân lực tại địa phương mỏng, đặc biệt số lượng bác sĩ hồi sức và điều dưỡng còn ít; bên cạnh đó Trung tâm mới được thành lập, sự đồng bộ phối hợp giữa các khâu chưa được nhuần nhuyễn nên còn nhiều khó khăn.
Đoàn công tác của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô chi viện cho Tiền Giang gồm 9 người, trong đó có 3 bác sĩ và 6 điều dưỡng. Hằng ngày anh và đồng đội phối hợp với các nhân viên y tế tại Trung tâm hồi sức của tỉnh tham gia công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, thăm khám và làm thủ thuật ở tầng cao nhất trong mô hình tháp điều trị.
Đợt dịch lần thứ 4 và cũng là đợt dịch có diễn biến phức tạp nhất tính đến nay với số ca mắc và tử vong cao kỷ lục, mặc dù biết đây là chuyến đi dài và đối mặt với nhiều hiểm nguy nhưng với sự động viên to lớn từ gia đình và bệnh viện, anh như được tiếp thêm sức mạnh trong cuộc chiến này.
Ngày nào vợ và con cũng gọi điện hỏi thăm, dặn dò anh phải giữ gìn sức khỏe. Thông tin trên báo đài cập nhật liên tục về tình hình dịch bệnh, sự nguy hiểm của đợt dịch thứ 4, vợ anh mặc dù lo lắng nhưng luôn động viên chồng cố gắng, bảo vệ bản thân và hoàn thành tốt nhiệm vụ để sớm trở về với gia đình.
Quyết tâm chữa trị cho bệnh nhân
Trung tâm Hồi sức tích cực đầu tiên của Tiền Giang thuộc tầng thứ 3 của tháp điều trị hiện đang thu dung 90 bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch, trong đó hơn 20 bệnh nhân đang thở máy dòng cao HFNC, đến nay đã có 5 bệnh nhân hồi phục và được “hạ tầng” thành công, chuyển xuống các bệnh viện dã chiến.
Dưới cái nắng oi ả của miền Tây Nam bộ, không khí căng thẳng bao trùm bên trong phòng họp tại tầng 2 của Trung tâm hồi sức, nơi các y, bác sĩ cân não đưa ra phương án điều trị cho bệnh nhân nặng nhất tại đây. BS Lê Quang Phương - Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, người cũng đã hai lần xung phong vào tâm dịch chia sẻ: Bệnh nhân 24 tuổi, khi được chuyển vào Trung tâm Hồi sức tích cực đã phải thở mặt nạ oxy túi, “bão cytokine” khiến bệnh nhân suy hô hấp rất nhanh, sau khi thở oxy túi không hiệu quả. Ngay lập tức, các bác sĩ ở đây cho bệnh nhân chuyển qua thở bằng máy HFNC.
Sau khoảng nửa ngày, nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân vẫn tiếp tục giảm, hình ảnh X quang cho thấy hai phổi đã trắng mờ, tổn thương nặng. Nhận thấy tình hình chuyển biến xấu, các bác sĩ đã can thiệp thở máy xâm nhập. Các y, bác sĩ đã nỗ lực điều chỉnh dần trên máy thở cùng với đó tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhân. Sau khi can thiệp thở máy, hiện tại tình hình bệnh nhân đã được cải thiện, SPO2 (nồng độ oxy trong máu) khi nhập viện chỉ từ 40 - 50%, hiện tại đã được 90%. Tuy nhiên, vẫn phải duy trì thở oxy 100% và lọc máu liên tục, trường hợp này mặc dù tuổi còn trẻ nhưng có thể trạng béo phì, thừa cân, hiện tại vẫn chưa thể nói trước được điều gì, đội ngũ y bác sĩ tại đây vẫn đang theo dõi sát sao diễn biến ca bệnh và đưa ra những phương án điều trị phù hợp.
Số lượng bệnh nhân tăng nhanh, nhiều ca bệnh diễn biến nặng gây áp lực lớn lên hệ thống điều trị, nhưng không vì thế mà các y, bác sĩ tại Trung tâm nản lòng. Bác sĩ Phương khẳng định: “Vấn đề điều trị bệnh nhân COVID-19 có thể nói là khó khăn chồng chất khó khăn và không thể nói trước được điều gì, các nhân viên y tế chỉ có thể nỗ lực hết mình để bệnh nhân nhanh khỏi bệnh, bản thân tôi cũng đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc chống dịch, nếu có nhiều bệnh nhân khỏi bệnh, tức là cũng sắp hết dịch và tôi cũng sớm được về đoàn tụ cùng gia đình.”
Đồng hành cùng các bác sĩ trong đoàn chi viện, điều dưỡng Phạm Quốc Huy - Khoa Hồi sức Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô tâm sự: “Ở đây các bệnh nhân đều là những ca bệnh nặng phải thở máy, các công việc hàng ngày như vệ sinh cá nhân, ăn uống, liên lạc với người nhà... đều do nhân viên y tế đảm nhiệm. Đây cũng là một trải nghiệm đáng nhớ đối với tôi, bởi vì được đến những cơ sở điều trị mới, chăm sóc cho nhiều bệnh nhân khác nhau và học hỏi thêm kinh nghiệm. Hơn nữa, về phía địa phương cũng hết sức nỗ lực cùng với đoàn trong công tác chăm sóc, điều trị, khiến mọi việc đều thuận lợi”.
Nhận được sự chi viện kịp thời của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, BSCKII Lê Thanh Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang đồng thời cũng là Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực xúc động: Bệnh viện đã kết hợp chặt chẽ với Trung ương trên tinh thần hết lòng cứu chữa cho người bệnh. Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị đã hướng dẫn các nhân viên y tế, bác sĩ ở đây cách chăm sóc, điều trị bằng máy thở, nhờ thế mà nhiều bệnh nhân đã có tiến triển tốt. Hi vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều người bệnh được chuyển tuyến, hạ tầng điều trị thành công.
Đã có những tiếc nuối, xót xa khi bệnh nhân không qua khỏi, nhưng cùng với đó là niềm vui, sự hạnh phúc khi có nhiều bệnh nhân được cứu sống, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật sự mong manh, nhưng các y bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cùng các nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang luôn nỗ lực từng giây, từng phút quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc chiến này.
Nguyễn Hân