TĐKT – Chiến tranh đã lùi xa, những ngày tháng khốc liệt khói lửa, đạn bom đã không còn nhưng nỗi đau về thể xác và tinh thần vẫn nằm lại cho đến ngày hôm nay. Hàng ngàn hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, vẫn còn nằm đâu đó dưới lòng đất. Có những người lính may mắn sống sót trở về sau chiến tranh, trở thành những người kỹ sư xây dựng, cán bộ ngành bưu điện hay chủ doanh nghiệp tư nhân… nhưng vẫn luôn canh cánh nỗi lòng, nguyện ước quy tập đồng đội về nơi yên nghỉ. Vượt qua mọi khó khăn, họ đã bỏ thời gian, công sức và quỹ lương hưu của mình đi tìm thông tin và mẫu sinh phẩm của hàng chục thân nhân liệt sĩ, để xác định danh tính, góp phần ghi danh trên những bia mộ liệt sĩ còn để trống trong các nghĩa trang…
Bốn năm qua, dù tuổi đã cao nhưng “bộ tứ cựu chiến binh” Trung đoàn 20 (e20), Quân khu 9, khu vực Hà Nội, gồm: Ông Nguyễn Viết Trì (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm), ông Vương Xuân Hòa (Thụy Khuê, Tây Hồ), ông Trương Ngọc Quang (Tràng Thi, Hoàn Kiếm) và ông Nguyễn Văn Bình (Bồ Đề, Long Biên) đã bỏ nhiều công sức đi tìm thân nhân cho các liệt sĩ.
“Bộ tứ cựu chiến binh” nhiệt huyết đi tìm thân nhân cho các liệt sĩ
Vốn là một người lính thuộc Trung đoàn 20, Quân khu 9, từng có những ngày tháng chiến đấu gian khổ tại chiến trường miền Tây Nam bộ, CCB Nguyễn Viết Trì chưa bao giờ phai nhạt những ký ức về chiến tranh. Hình ảnh về những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trong chiến tranh vẫn luôn khiến ông trăn trở.
Với vai trò là Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh e20, khu vực Hà Nội, năm 2015, ông Trì đã khởi xướng xây dựng Bia tưởng niệm để tưởng nhớ đồng đội của mình. Hai năm liền, ông đã đi khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc vận động quyên góp hơn 500 triệu đồng để xây dựng bia. Năm 2017, Bia tưởng niệm các liệt sĩ e20, Quân khu 9 có chiều cao 3m, rộng 1m25 được khánh thành đúng kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ tại ấp Hai Lành, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).
Đặc biệt, sau việc làm này, như một nhân duyên, ông được tiếp nhận danh sách 138 liệt sĩ ở đơn vị chiến đấu của mình và những phần mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Kiên Giang.
Trăn trở tìm cách làm sao để trả lại tên cho các liệt sĩ, ông Trì đã kêu gọi, cùng với 3 đồng đội của mình là các cựu chiến binh: Vương Xuân Hòa, Trương Ngọc Quang, Nguyễn Văn Bình tổ chức nhiều chuyến vào làm việc với Ban Liên lạc Cựu chiến binh e20 của các tỉnh để tìm hiểu.
Các CCB e20 khu vực Hà Nội chụp ảnh kỷ niệm tại Bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 20 tại ấp Hai Lành, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).
Đồng hành cùng ông Trì trong việc làm ý nghĩa này, cựu chiến binh Trương Ngọc Quang cho biết: Chúng tôi phân công nhau mỗi người một việc, thu thập tài liệu, viết thư báo tin để từng gia đình biết rõ người thân hy sinh ở đâu. Tuy nhiên, 138 lá thư gửi đi chỉ có khoảng 70 gia đình có hồi âm. Bởi cũng có không ít gia đình không tin vào những việc làm tự nguyện đó của chúng tôi. Thậm chí, đã có gia đình từ chối, xua đuổi chúng tôi ra khỏi nhà…
Nhưng không nản lòng, vì trách nhiệm với đồng đội, dưới sự hướng dẫn của Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 4 người lính ấy phải kiên trì giải thích, kết nối zalo, hướng dẫn cho các gia đình liệt sĩ kê khai hồ sơ để họ không tốn kém và mất công đi lại. Từ đó, họ mới có sự tin tưởng, cung cấp thông tin và mẫu sinh phẩm theo quy định.
4 năm qua, “bộ tứ” ấy đã đi đến 17 tỉnh, thành có gia đình liệt sĩ của đơn vị để thu thập thông tin. Đáng quý là, dù cao tuổi nhưng họ luôn nhiệt huyết. Toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở, các ông đều tự bỏ tiền cá nhân. “Có tháng mất hàng triệu tiền điện thoại, nhưng 4 anh em thống nhất với nhau, tự bỏ kinh phí ra. Tôi tích lũy từ lương hưu và tiền chính sách thương binh.” – CCB Trì chia sẻ.
Các thành viên trong nhóm cho biết: Quá trình tìm kiếm, vận động gia đình không chỉ vất vả, mất nhiều thời gian mà có liệt sĩ phải lấy mẫu sinh phẩm lần 2, mới giám định ADN cho kết quả chính xác, nhiều trường hợp phải đi lại nhiều lần mới đạt được kết quả, do thời gian đã lâu. Nhưng chúng tôi xác định làm vì tình cảm đồng đội, làm để ấm lòng những người đã nằm xuống và cả những người còn đang sống hôm nay.
Chia sẻ về những kỷ niệm trong hành trình tìm thân nhân liệt sĩ, CCB Trì xúc động: “Tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là tìm được gia đình cho liệt sĩ Nguyễn Văn Dáp sinh năm 1953, quê ở Kim Sơn, Ninh Bình, hy sinh năm 1973. Cha liệt sĩ lúc bấy giờ đã 105 tuổi, chờ đón con trở về rồi sau đó hơn tháng bình thản ra đi, rất mãn nguyện. Có những gia đình liệt sĩ nhận được kết quả giám định ADN đã khoe với khắp họ hàng, làng xóm để lan tỏa niềm vui sau bao năm mong chờ, khắc khoải. Nhưng cũng có những gia đình liệt sĩ còn nghèo lắm, chúng tôi đến thăm mà không khỏi xót xa…”
Là em trai liệt sĩ Nguyễn Văn Dáp, ông Nguyễn Văn Phẩm bày tỏ: “Gần 50 năm gia đình đi tìm kiếm mộ của anh tôi mà không thấy. Nhờ có sự giúp đỡ của anh Trì và các cựu chiến binh e20, gia đình đã biết được nơi liệt sĩ Dáp hy sinh và đón về quê hương. Gia đình mừng lắm, đã vậy chúng tôi không phải mất một đồng kinh phí nào, rất biết ơn các anh. Mong rằng sẽ có thêm nhiều gia đình tìm được liệt sĩ như chúng tôi.”
Được biết, với cách làm khoa học và logic, sau hơn 2 năm (2018 - 2020), “bộ tứ cựu chiến binh” đã giúp xác định đúng danh tính thân nhân của 27 gia đình liệt sĩ. Được Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh Kiên Giang tạo điều kiện, các ông cùng Ban liên lạc e20 đã tổ chức “Lễ trả lại tên cho 27 liệt sĩ Trung đoàn 20” vào ngày 30/8/2020 tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Kiên Giang…
Với những việc làm đầy nghĩa tình ấy, năm 2020, Ban liên lạc Cựu chiến binh e20 khu vực Hà Nội đã được Hội Cựu chiến binh TPHà Nội tặng Bằng khen. Cá nhân ông Nguyễn Viết Trì, được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2021. Đó là phần thưởng xứng đáng dành cho những cựu chiến binh Thủ đô giàu lòng nhiệt huyết và giàu nghĩa tình đồng đội.
Nhưng tâm sự với chúng tôi, những người cựu chiến binh ấy đưa ra những dòng tin nhắn hồi âm của các gia đình liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước, phấn khởi: “Niềm vui vô giá của chúng tôi đó là tìm được gia đình cho liệt sĩ. Chúng tôi chỉ có mong muốn các gia đình liệt sĩ hãy tin tưởng, để chúng tôi có thể hoàn thành trọng trách của mình cho trọn vẹn nghĩa tình”.
Mai Thảo