TĐKT - Đội K52, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Gia Lai thành lập ngày 5/1/2001 với nhiệm vụ chuyên trách là tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp trên, sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương là nguồn động viên tinh thần, khích lệ cán bộ, chiến sĩ đơn vị phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đội K52 đưa hài cốt liệt sĩ trở về Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đội K52 gặp không ít khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, có thể phải hy sinh xương máu. Địa bàn Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là đồi núi hiểm trở, phức tạp, nhiều nơi bị thay đổi do thời tiết, dòng chảy và tác động của con người nên rất khó xác định vị trí mộ liệt sĩ theo thông tin được cung cấp. Đường đi lại rất khó khăn, chủ yếu là hành quân bộ, có nơi chỉ hành quân được bằng đường sông. Thời tiết khắc nghiệt, nhiều nơi còn bom mìn và chất độc hóa học sót lại sau chiến tranh. Phần lớn khu vực xác định có chôn cất hài cốt liệt sĩ ở Campuchia là căn cứ lõm của địch và khu chiếm đóng của "Khơ me đỏ” năm xưa; ở trong nước, người biết thông tin phần nhiều là người của chế độ cũ, do vậy một bộ phận người dân địa phương còn thiếu thân thiện, có tâm lý e ngại khi cung cấp thông tin liệt sĩ cho Đội. Mặt khác, số người biết và nhớ nơi chôn cất liệt sĩ không còn nhiều, có người cung cấp thông tin thiếu chính xác...
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”, cán bộ, chiến sĩ Đội K52 luôn tự nhủ, dù chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn rất nhiều người đang hằng ngày, hằng giờ mong mỏi, hy vọng tìm ra thông tin quý giá phần mộ của người thân mình. Nỗi day dứt đó là động lực thôi thúc các cán bộ, chiến sĩ Đội K52 luôn trăn trở phải làm gì, làm cách nào để khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, hài cốt liệt sĩ trên đất Campuchia và trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Từ những suy nghĩ và trăn trở đó, Ban chỉ huy Đội đã chủ động triển khai nhiều biện pháp và cách làm sáng tạo như: Làm tốt công tác chuẩn bị về con người; chủ động kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng tất cả các phương tiện, trang bị trên cấp bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dài ngày, đội ngũ lái xe được bổ túc tay lái, nắm chắc luật giao thông nước Bạn, có khả năng sửa chữa hư hỏng thường gặp và xử lý các sự cố nảy sinh để rút ngắn thời gian thu thập, xử lý thông tin, tăng thời gian và mở rộng địa bàn tìm kiếm.
Cẩn trọng, thực hiện đúng các quy định trong quá trình đưa hài cốt liệt sĩ về nơi tập trung.
Ngay từ khi còn ở trong nước, Đội đã đề xuất với Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Hội Cựu chiến binh các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, liên hệ với các đơn vị, các cựu chiến binh đã chiến đấu trên đất Bạn để thu thập hồ sơ, tư liệu trận đánh, sơ đồ chôn cất, mai táng liệt sĩ. Giữ mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền và nhân dân nước Bạn để tranh thủ sự giúp đỡ tìm kiếm thông tin…
Từ nguồn thông tin có được, Đội tổ chức phân tích, so sánh, đối chiếu với hồ sơ quy tập các năm trước để sàng lọc, khoanh vùng, chốt địa bàn, đưa vào kế hoạch chi tiết, làm cơ sở quy tập đến đâu, kết luận địa bàn đến đó. Do vậy, đã vận động nhiều đồng chí cựu chiến binh chiến đấu ở chiến trường Campuchia dẫn đường tìm mộ liệt sĩ, như trường hợp cự chiến binh Phan Văn Huân 74 tuổi, ở huyện Krông Pa tỉnh Gia Lai, đã sang Ôchalong/Stungtreng 2 lần với tổng thời gian 42 ngày tìm kiếm Bệnh viện K70 miền đông Nam bộ, chỉ cho Đội tìm được khu nghĩa trang của bệnh viện và đã quy tập được 99 hài cốt liệt sĩ.
Cùng với đó, chỉ huy Đội đã chỉ đạo và tổ chức huấn luyện bổ sung chuyên môn cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ theo yêu cầu thực tiễn đặt ra như: Thông tin, công binh dò gỡ mìn, quân y xử lý kỹ thuật 5 biện pháp băng bó cấp cứu, chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc; trinh sát địa hình, sử dụng bản đồ, địa bàn...; động viên cán bộ, chiến sĩ tự giác, tích cực học tiếng Campuchia và tìm hiểu phong tục tập quán của nhân dân nước Bạn theo phương châm người trước bồi dưỡng cho người sau, nghiên cứu, trao đổi những kinh nghiệm, sáng kiến hay như đào hào theo hình chữ chi, dùng thuốn thăm dò... để phát hiện ra những nơi có hài cốt liệt sĩ. Do đó, khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ đều nắm vững và thành thạo chuyên môn nghiệp vụ, biết cách xử trí mọi tình huống nảy sinh khi ở độc lập, cũng như khi ở tập trung.
Để công tác khảo sát, quy tập hài cốt liệt sĩ có hiệu quả thì việc nắm bắt, thu thập và xử lý thông tin từ việc tiến hành công tác dân vận là rất quan trọng. Nhiều năm qua, Đội đã thường xuyên làm tốt công tác dân vận, tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; giúp đỡ đồng bào các dân tộc trên địa bàn vùng sâu, vùng xa của nước ta và nước Bạn phát triển kinh tế, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, bài trừ hủ tục lạc hậu. Đồng thời tham mưu với Bộ CHQS tỉnh và Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Gia Lai tổ chức thăm, tặng quà, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc cho hơn 5.000 lượt người dân; cấp cứu kịp thời 7 ca bỏng nặng, 15 ca tai nạn giao thông, cứu sống 1 trường hợp nhồi máu cơ tim; giúp hơn 230 gia đình có hoàn cảnh khó khăn; giúp làm 15 công trình nước sạch cho các làng tại huyện Ô Za Đao, tỉnh Rattanakiri, huyện Tha La, tỉnh Stung Treng, được chính quyền địa phương ghi nhận, nhân dân yêu mến. Từ tình cảm chân thành đó, người dân nước Bạn đã cung cấp cho Đội nhiều thông tin có giá trị; trong đó có 2 người từng là sĩ quan cấp cao của Pôl Pốt tự nguyện dẫn đường cho Đội quy tập được 45 hài cốt liệt sĩ, 2 người từng phục vụ chế độ Ngụy quyền Sài Gòn sinh sống tại thị xã An Khê/Gia Lai cung cấp thông tin cho Đội tìm kiếm được 1 mộ chung, 62 mộ riêng lẻ...
An táng hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Campuchia về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.
Hành trình 20 năm trên đất Bạn, dấu chân của cán bộ, chiến sĩ đã in trên khắp mọi nẻo đường, hành quân hơn 1 triệu km vượt qua bao con sông, con suối trên những con đường mòn cheo leo trên vách núi, tìm kiếm tại 1.270 buôn làng, phum, sóc của 139 xã/23 huyện/03 tỉnh Rattanakiri, Stung Treng, Preah Vihear của Campuchia; đào bới hơn 95.000m3 đất đá, đào hơn 160km đường hào, trong đó có mộ phải đào gần 200m3 đất, đá ở địa hình đồi dốc với độ sâu hơn 2m, đào đi đào lại nhiều lần mới tìm thấy hài cốt liệt sĩ. Trong quá trình làm nhiệm vụ, đã có 1 đồng chí hy sinh, 7 đồng chí bị thương và nhiều cán bộ, chiến sĩ suy giảm sức khỏe bởi sốt rét rừng và các bệnh lý khác do hậu quả của chiến tranh để lại.
Sau nhiều năm thực hiện nhiệm vụ, Đội đã nghiên cứu, đúc rút ra “Quy luật chôn cất, mai táng” hài cốt liệt sĩ năm xưa, “Quy luật tìm mộ thứ hai trở lên khi xác định mộ thứ nhất” và các sáng kiến “Đào hào theo hình chữ chi”, “Dùng thuốn thăm dò”…, qua đó đã giảm được thời gian, công sức của bộ đội nhưng không bỏ sót mộ liệt sĩ.
Ý chí dũng cảm, tinh thần quên mình của cán bộ, chiến sĩ luôn được thể hiện kể cả trong những thời điểm khó khăn nhất. Có lần xuôi dòng Sê Kông về điểm tập kết tại tỉnh Stung Treng, ca nô bị lật, nhưng cán bộ, chiến sĩ đã quên mình quyết giữ an toàn hài cốt liệt sĩ và bơi vào bờ. Trong một lần khác, do địa hình hiểm trở, lũ quét bất ngờ trong đêm đã cuốn phăng cả lán trại, cán bộ, chiến sĩ phải dầm mưa suốt đêm ôm giữ hài cốt liệt sĩ để tránh thất lạc. Về trong nước, những nơi có thông tin mộ liệt sĩ thường nằm sâu trong rừng, địa hình hiểm trở phải đi bộ cả ngày đường mới đến nơi. Có những thông tin phải đào tìm nhiều chỗ vẫn không thấy. Nhưng với tinh thần “chưa tìm thấy các anh thì cán bộ, chiến sĩ Đội K52 chưa ngừng, nghỉ”, Đội quyết tâm tìm cho bằng được.
Từ những cách làm trên, đến năm 2020, Đội đã quy tập được 1.428 hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Campuchia hồi hương về nước. Trong đó, tại tỉnh Ratanakiri là 523 hài cốt liệt sĩ, tỉnh Stung Treng là 402 hài cốt liệt sĩ, tỉnh Preah vihear là 503 hài cốt liệt sĩ. Trong tổng số 1.428 hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy có 1 liệt sĩ có tên và địa chỉ; 42 liệt sĩ có tên, quê quán; 1.385 liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Ở trong nước, từ năm 2018 đến năm 2020, Đội đã quy tập được 154 hài cốt liệt sĩ tại thị xã An Khê, huyện Kbang, huyện Đak Pơ và huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Trong đó có 1 liệt sĩ có tên, quê quán, hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã được bàn giao cho gia đình và địa phương an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Với những thành tích đã đạt trong suốt 20 năm qua, Đội K52 đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội và địa phương ghi nhận thành tích và tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Ba; 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; 1 Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; 5 Bằng khen của Bộ Tư lệnh Quân khu 5; 15 bằng khen của UBND tỉnh Gia Lai; nhiều năm liên tục đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng; cùng hàng trăm lượt cá nhân được các cấp khen thưởng. Đặc biệt, ngày 15/9/2020, Đội K52 đã vinh dự được Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.
Minh Phương