Giữ yên giấc ngủ cho liệt sĩ
06/07/2021 - 09:48

TĐKT - Bước sang tuổi 74 tuổi nhưng ông Hồ Văn Thương, quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Hưng - Tân Hưng (Rạch Bùi, thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) đã thực hiện việc chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ tròn 25 năm. Với ông Thương, mỗi một ngày còn sức lực chăm sóc mộ liệt sĩ đều là một ngày mà ông cảm thấy lòng mình mãn nguyện và thanh thản.

 

Ông Thương đã coi liệt sĩ nơi đây như người thân trong gia đình

Sinh ra và lớn lên ở Bến Tre. Do cuộc sống nơi quê nhà nhiều khó khăn, năm 1989 vợ chồng ông Thương đến Vĩnh Hưng lập nghiệp. Năm 1996, ông Thương xin về làm quản trang của Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng đến nay.

Ông Thương cho biết, nghĩa trang này có hơn 3.200 ngôi mộ liệt sĩ, trong đó, hơn 2/3 số mộ được quy tập từ chiến trường Campuchia. Ngày nào cũng vậy, ông Thương tỉ mỉ cắt tỉa cây cảnh, nhổ cỏ dại, thắp nhang các phần mộ liệt sĩ.

Quản trang là công việc trông có vẻ đơn thuần nhưng sự thật không phải vậy. Mỗi ngày chỉ riêng việc quét tước, nhang khói cho mộ liệt sĩ ông đã mất gần 3 tiếng. Những ngày lễ tất bật đã đành, ngày thường dù mưa hay nắng, ông vẫn có mặt thường xuyên tại nghĩa trang để cắt cỏ, vệ sinh, kiểm tra, chăm sóc các phần mộ…

25 năm làm quản trang, ông thuộc từng vị trí ngôi mộ, tên các liệt sĩ, quê quán, địa điểm các anh được quy tập. Ông còn quen mặt từng người thân đến thăm, từng đơn vị thường xuyên đến cúng viếng vào những dịp rằm, lễ, tết. Ông Thương chia sẻ: “Hàng ngày chăm sóc phần mộ các anh hùng liệt sĩ, tôi đọc tên, quê quán nhiều lần rồi nhớ vị trí. Khi người thân của các liệt sĩ đến hỏi là tôi có thể dẫn ngay đến vị trí các anh an nghỉ”.

Với những ngôi mộ chưa rõ họ tên, ông xem các anh như người thân của gia đình, chăm sóc một cách chu đáo để các anh được ấm lòng khi người thân chưa tìm thấy.

Là người canh giữ nghĩa trang, ông thường xuyên đón tiếp các đoàn khách, thân nhân, đồng đội cũ của liệt sĩ đến thăm, viếng mộ. Từ những cuộc gặp gỡ, trao đổi ấy, ông được nghe những câu chuyện vui, buồn thời kháng chiến. Dần dần, ông thấy mình với những người đến đây như người thân một nhà.

Chia sẻ về kỷ niệm khi làm việc tại đây, ông Thương cho biết: “Trong số 1.000 mộ liệt sĩ có danh tính, quê quán, có đến ba phần tư các anh quê ở các tỉnh miền Bắc. Lâu lâu lại có thân nhân liệt sĩ từ xa đến thăm và cương quyết đòi đưa hài cốt về quê nhà, nếu không cho thì họ sẽ tổ chức trộm mộ mang hài cốt về. Những lúc như vậy, tôi phải đưa họ ra nhà khách của huyện nghỉ ngơi, sau đó thuyết phục họ để thân nhân yên nghỉ.”

Cũng có nhiều trường hợp thân nhân liệt sĩ nghe tin người thân đang yên nghỉ ở nghĩa trang này, từ xa lặn lội vào tận nơi tìm kiếm nhưng không gặp được mộ, có thái độ căng thẳng với quản trang. “Những lúc như vậy, tôi lại dẫn họ ra những ngôi mộ liệt sĩ vô danh giải thích rằng hàng ngày tôi đều chăm sóc, nhang khói mà còn không biết người nằm dưới mộ là ai, quê quán ở đâu thì làm sao có thể hướng dẫn họ tìm được mộ người thân.”- ông Thương chia sẻ.

Cũng theo ông Thương, hàng năm, tháng 7 là tháng bận rộn nhất vì đón thêm nhiều hài cốt liệt sĩ được quy tập trên chiến trường Campuchia trở về. Năm nào nhiều, số hài cốt liệt sĩ lên đến vài trăm, năm ít thì vài chục.

Ông nhớ như in tháng 7/2017, trong số 21 hài cốt liệt sĩ được quy tập trên chiến trường Campuchia đưa về nghĩa trang, chỉ có 2 trường hợp xác định được tên tuổi. Đó là liệt sĩ Hoàng Thị Kim, quê Bình Phước. Trước đó một ngày, gia đình của liệt sĩ đã đến nghĩa trang, chờ giây phút đón nhận hài cốt người thân sau bao năm nằm lại nơi xứ người.

“Hôm ấy có ông Nguyễn Văn Ứng - chồng liệt sĩ Kim và người em gái. Giây phút các bộ hài cốt liệt sĩ được phủ quốc kỳ đỏ thắm trên chiếc xe của Đội K73 từ từ tiến vào nghĩa trang khiến mọi người đều xúc động. Sau nhiều năm, những anh hùng liệt sĩ được về yên nghỉ trong lòng đất mẹ thân thương” - ông Thương nhớ lại.

 

Ông Thương thắp hương cho mộ liệt sĩ vô danh

 Ngoài thời gian chăm sóc nghĩa trang, ông Thương cũng tích cực tham gia vào công tác quy tập hài cốt liệt sĩ. Hễ nghe tin các địa phương trong vùng Vĩnh Hưng, Tân Hưng tìm được hài cốt liệt sĩ, ông Thương lại chuẩn bị đồ đạc theo đoàn công tác đến tận nơi cất bốc, đưa liệt sĩ về an nghỉ. Ông cho biết, từ khi làm việc đến nay, ông đã trực tiếp tham gia quy tập, cất bốc gần 100 hài cốt liệt sĩ trên địa bàn huyện và ngoài huyện về nghĩa trang an táng.

Ông Thương cũng cho biết, trong số hơn 2.000 mộ liệt sĩ vô danh, có hai nấm mộ chung, một ngôi gồm 120 liệt sĩ, một ngôi 23 liệt sĩ, đều được cất bốc về từ chiến trường Campuchia.

“Con người ta ai sinh ra mà chẳng có tên tuổi, quê quán, gia đình. Nhưng bây giờ nằm đây mà thân nhân không hay biết để thăm viếng, nhang khói, vong linh họ chắc tủi thân lắm…”- ông Thương bồi hồi. Bởi vậy, mỗi lần gia đình có đám tiệc, ông đều soạn một mâm cơm tươm tất đem qua nghĩa trang thắp nhang mời các anh về dự.

Tuổi đã cao, sức đã giảm nhưng ông Hồ Văn Thương vẫn tận tình, chu đáo với công việc. “Người làm quản trang cần nhất phải có cái tâm chân thành. Các anh nằm đây đã phù hộ cho tôi, tôi thấy sức khỏe tốt ra, tinh thần thoải mái, đời thanh thản hơn. Tôi sẽ làm công việc này khi nào còn sức khoẻ, còn sống trên cõi đời này” – ông Thương chia sẻ.

Việc làm thầm lặng của ông đã được các cấp, các ngành ghi nhận bằng các hình thức khen thưởng: Bằng khen của Quân khu 7; 7 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; nhiều Giấy khen của huyện. Ông là 1 trong 50 gương sáng thầm lặng vì cộng đồng tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2020.

Hà Nguyệt