TĐKT - Từ giữa tháng 6/2021, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã chính thức khởi động Chương trình bình chọn danh hiệu “Chìa khóa vàng” 2021. Hiệp hội đã gửi Hồ sơ mời đăng ký tham gia bình chọn tới các doanh nghiệp, tổ chức an toàn thông tin trong cả nước và đăng tải thông tin về Chương trình năm 2021 trên website: www.binhchon.vnisa.org.vn
Biểu trưng “Chìa khóa vàng” 2021
Năm 2021 là lần thứ 6 Chương trình bình chọn được triển khai và là năm thứ 2 chính thức mang tên “Chìa khóa vàng”. Những năm vừa qua, Chương trình luôn thu hút được sự hợp tác, hưởng ứng và tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam và sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thông tin.
Chương trình nhằm phát hiện, tôn vinh các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ và doanh nghiệp an toàn thông tin (ATTT) Việt Nam xuất sắc, tiêu biểu; góp phần hỗ trợ hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tăng cường năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp, hưởng ứng chương trình Chuyển đổi số Quốc gia và chiến lược “Make in Vietnam” của Chính phủ.
Danh hiệu “Chìa khóa vàng” đã được coi là chứng chỉ chuyên ngành tin cậy, khẳng định và tôn vinh chất lượng, tính ưu việt, tính hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin; doanh nghiệp an toàn thông tinViệt Nam xuất sắc.
“Chìa khóa vàng” 2021 sẽ được trao cho nhóm hạng mục sản phẩm, giải pháp, dịch vụ ATTT, bao gồm: Sản phẩm an toàn thông tin chất lượng cao xuất sắc, Sản phẩm an toàn thông tin triển vọng xuất sắc, Giải pháp nền tảng An toàn thông tin tiêu biểu cho chuyển đổi số, Giải pháp Giao dịch điện tử an toàn và Dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu.
Bên cạnh đó, điểm khác biệt năm nay là Chương trình được VNISA mở thêm một nhóm hạng mục bình chọn mới, dành cho các doanh nghiệp ATTT Việt Nam, bao gồm: Top 5 doanh nghiệp Việt Nam về chống mã độc và chống tấn công mạng, Top 5 doanh nghiệp Việt Nam về kiểm tra và đánh giá ATTT mạng, Top 5 doanh nghiệp Việt Nam về giám sát và ứng cứu sự cố ATTT mạng, Top 5 doanh nghiệp Việt Nam về mật mã, xác thực và chữ ký số và Top 5 doanh nghiệp Việt Nam về đào tạo và bồi dưỡng nhân lực ATTT.
Danh hiệu Top 5 (trong từng hạng mục) sẽ trao cho tối đa 5 doanh nghiệp ATTT Việt Nam hàng đầu có nguồn nhân lực, tài chính, năng lực công nghệ và kết quả hoạt động, kinh doanh tốt nhất, trong lĩnh vực bình chọn.
Chủ tịch Hội đồng bình chọn năm 2021 là ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA, Nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Hội đồng có gồm 22 thành viên, là các cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia hàng đầu về an toàn thông tin; đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức, trường đại học lớn trong lĩnh vực an toàn thông tin và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan như Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục Quản lý Mật mã Dân sự & Kiểm định Sản phẩm Mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ), Cục A05 (Bộ Công An), Bộ tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng)….
Nối tiếp thành công của những năm trước, Chương trình bình chọn năm 2021 đã được triển khai trên toàn quốc. Thời gian nhận hồ sơ của các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký bình chọn từ 01/7/2021 đến 31/7/2021.
Lễ công bố và trao danh hiệu “Chìa khóa vàng” 2021 sẽ được VNISA tổ chức trang trọng vào tháng 11/2021 tại Hà Nội.
Quy chế bình chọn, hồ sơ đăng ký tham gia chương trình bình chọn có thể tải trực tiếp từ website: www.binhchon.vnisa.org.vn
Chương trình bình chọn 2021 mong được sự ủng hộ, đồng hành cùng các cơ quan báo chí để góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin nội địa trong các ngành kinh tế, kỹ thuật; thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp ATTT Việt Nam mở rộng thị trường đồng thời cũng nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Tiêu chí bình chọn 2021 tập trung vào các nội dung sau: Sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin được đánh giá dựa trên các tiêu chí về: Tính năng và hiệu quả ứng dụng; khả năng công nghệ và chất lượng sản phẩm; tính sáng tạo và đột phá; so sánh với các sản phẩm đã có; khả năng thay thế sản phẩm nhập ngoại; khả năng thương mại hóa (tiềm năng và thực tế); kết quả ứng dụng thực tiễn, chiến lược phát triển; hồ sơ tài liệu hướng dẫn sử dụng, tính pháp lý và bản quyền sở hữu. Dịch vụ an toàn thông tin được đánh giá dựa trên các tiêu chí về: Nhu cầu và hiệu quả khi sử dụng dịch vụ; công nghệ và nhân lực đảm bảo chất lượng dịch vụ; tính quy trình, tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật liên quan; thị trường và quy mô triển khai dịch vụ; tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường; đầu tư phát triển; so sánh giá với hiệu quả áp dụng; phản hồi của thị trường; hồ sơ tài liệu hướng dẫn sử dụng, tính pháp lý và bản quyền sở hữu. Doanh nghiệp thuộc Top 5 doanh nghiệp An toàn thông tin Việt Nam được đánh giá dựa trên các tiêu chí về: Kết quả kinh doanh - tài chính, tiềm lực; nhân lực; thị trường, khách hàng; quản lý chất lượng; sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực đăng ký; chất lượng, tiêu chuẩn; công nghệ, R&D; chất lượng hồ sơ… |
Phương Thanh