TĐKT - Mang trong mình căn bệnh bị xã hội kỳ thị - HIV từ người chồng khi mang bầu, gần 20 năm qua, chị Đoàn Thị Khuyên - Trưởng nhóm Sống tích cực Hải Phòng, thành viên Ban điều hành liên minh hỗ trợ tuân thủ điều trị HIV/AIDS (SATA+) không chỉ vượt qua số phận để ổn định cuộc sống mà còn thành lập xưởng may mang lại hy vọng sống cho gần 20 lao động, chủ yếu là những phụ nữ bị nhiễm HIV, có công ăn việc làm ổn định và duy trì cuộc sống bằng chính công việc của mình.
Chị Đoàn Thị Khuyên - người mang hi vọng sống cho những người nhiễm HIV/AIDS
Chị Đoàn Thị Khuyên sinh ra trong một gia đình nghèo khó làm nông nghiệp ở thôn Thúy Nẻo, xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng. Chị kết duyên với anh Phạm Hồng Ngọc và có một cậu con trai kháu khỉnh. Khi con trai được 4 tháng tuổi gia đình phát hiện chồng chị nhiễm HIV. Chị lấy hết can đảm đi xét nghiệm, bác sĩ cho biết chị và con trai cũng bị nhiễm HIV.
Khi con 1 tuổi, chồng qua đời để lại cho chị nỗi cô đơn, cơ cực và đứa con thơ bệnh tật. Chị thầm nhủ phải gắng sống để nuôi con. Ban ngày, chị đưa con vào viện điều trị bệnh. Chiều tối, chị bế con đi bán vé số để kiếm sống qua ngày.
May mắn đã đến khi chị được nhân viên y tế của phường Phù Liễn (Kiến An, Hải Phòng), mời tham gia vào CLB Hoa Hải Đường do Trung tâm Cohed hỗ trợ tại Hải Phòng để tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Cũng chính từ đây, cuộc đời chị tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt thì lại nhìn thấy con đường phía trước tương lai đang rộng mở, đón chào.
Chị Khuyên chia sẻ: “Mình bị nhiễm HIV là do chưa có kiến thức. Vì vậy mình cần là một nhân chứng sống để giúp người khác biết cách phòng tránh căn bệnh này và đặc biệt là biết cảm thông, chia sẻ với những người nhiễm HIV như mẹ con mình”.
Chỉ sau vài tháng tham gia CLB, chị đã được tín nhiệm cử làm trưởng CLB Hoa Hải Đường. Như tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, cộng với sức trẻ, chị rất hăng say với công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho cộng đồng tại Hải Phòng và một số tỉnh lân cận. Sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của chị gần 10 năm qua được các cơ quan, ban, ngành thành phố, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước biết đến và tạo điều kiện giúp đỡ để chị tham gia một cách tích cực, hiệu quả và chuyên sâu hơn.
Chị Khuyên trong một buổi truyền thông nâng cao nhận thức cho giới trẻ về việc phòng, chống HIV/AIDS.
Chị nhớ lại: “Trong những lần đầu tiên tham gia hoạt động truyền thông với Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Hải Phòng dự án do Trung tâm COHED hỗ trợ Hải Phòng, khi đứng trước đám đông, phần nào tôi còn thiếu tự tin, rụt rè. Nhưng với sự động viên, khích lệ của Ban Quản lý dự án COHED và sự đồng cảm của mọi người, đặc biệt là sự động viên, chia sẻ của những người cùng cảnh ngộ trong Câu lạc bộ Hoa Hải Đường, tôi đã thấy mình tự tin hơn và tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống, trong công việc mình đang và sẽ làm”.
Từ những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, chị bắt đầu có được sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Chị được mời đi tuyên truyền về HIV/AIDS trên 40 tỉnh thành trong nước và được tham dự một số hội nghị châu Á - Thái Bình Dương. Trong quá trình làm việc với Dự án chị nghĩ một ngày nào đó những người nhiễm HIV phải tự lực trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Với suy nghĩ đó, chị quyết định thành lập nhóm tự lực mang tên: “Nhóm sống tích cực Hải Phòng”, do chị làm Trưởng nhóm vào năm 2009.
Mới thành lập nên nhóm còn non trẻ, gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng của chị và các thành viên, nhóm vẫn duy trì các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, tư vấn, truyền thông tại cộng đồng. Năm 2010, nhóm đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Hải Phòng khảo sát và lựa chọn là nhóm triển khai dự án: “Hỗ trợ, chăm sóc, tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV tại Việt Nam” do Hội Chữ thập đỏ Mỹ tài trợ. Nhóm còn kết hợp với Tòa Giám mục Hải Phòng, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS - Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, Bệnh viện Việt - Tiệp, Hội Từ thiện, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố làm công tác bác ái, tuyên truyền hỗ trợ cho người nhiễm và trẻ sống chung với HIV tại Hải Phòng.
Xưởng may do chị Khuyên thành lập mang lại nguồn sống cho nhiều chị em cùng cảnh ngộ
Đặc biệt, sau khi hoạt động, nhóm Sống Tích cực đã suy nghĩ đến việc duy trì phát triển bền vững đó là bên cạnh việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, nhóm phải tự làm ra của cải vật chất để nuôi sống bản thân. Từ một máy may, chị Khuyên vay vốn từ Trung tâm COHED và tự mua được 3 cái máy may. Ban đầu có 5 anh chị em đã cùng nhau đi nhận hàng về gia công, sau có nhiều anh chị em khác cũng muốn làm may tại nhóm. Chị Khuyên đã chủ động viết đề xuất dự án gửi về Hội Chữ thập đỏ và được hỗ trợ thêm 8 máy may và một số vật dụng khác.
Như vậy, đã có 8 anh chị em khác có cơ hội làm việc tại nhóm, niềm vui là được làm việc cùng nhau nhưng đồng thời những khó khăn từ đó cũng ùa về. Các anh chị em làm việc tại xưởng tay nghề không đồng đều, thậm chí có bạn mới biết một chút, làm hàng kỹ thuật cao thì không có khả năng, làm hàng bình thường thì đơn giá quá thấp, lại ảnh hưởng của nền kinh tế suy thoái có những lúc tưởng chừng như đổ vỡ.
Loay hoay, vất vả tìm kiếm nguồn hàng, sau đó nhóm đã nhận được hợp đồng may túi bảo vệ môi trường trên chất liệu PP. Hàng may có rồi mà máy may lại không tương thích vì những máy may trước đây chỉ một số cái dùng được cho loại chất liệu này, biết giữ ai bỏ ai đây. Với sự nỗ lực của các thành viên trong nhóm, xưởng may đã tiếp tục hoạt động mạnh mẽ. Những máy may cũ nhóm đã cho các thành viên khác có tay nghề mượn về nhà để nhận sửa chữa quần áo và nhận hàng số sản phẩm quần áo để gia công. Đến nay, nhóm đã có 20 thành viên, ổn định đời sống từ chính công việc của mình.
Chị Đoàn Thị Khuyên nhận Giải thưởng “Dải Băng Đỏ” do Mạng lưới người sống chung với HIV Việt Nam (VNP+) lần đầu tiên tổ chức với sự bảo trợ của Cục Phòng, Chống HIV/AIDS (VAAC) và được tài trợ chính bởi Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR). Chương trình này được VNP+ khởi xướng với mục tiêu truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người sống với HIV, người đồng tính nhiễm HIV
Thành quả đến ngày hôm nay, nhóm Sống Tích cực duy trì hơn 100 thành viên. Nhóm đã gây quỹ với số vốn trên 100 triệu đồng, hỗ trợ được 35 thành viên. Không dừng lại ở mô hình chăn nuôi, nhóm đang tiếp tục mở rộng mô hình như cơ sở may mặc, buôn bán nhỏ... phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cho từng thành viên. Chị Khuyên hi vọng rằng, trong thời gian tới, sẽ nhận được sự ủng hộ và quan tâm của các nhà hảo tâm để đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho các hoạt động của nhóm cùng với việc tiếp tục duy trì các hoạt động tiếp cận, tư vấn, truyền thông, chăm sóc....
Tố Như