TĐKT - Thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của những công nhân trên công trường, kỹ sư Trần Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội công trình số 9 Công ty Cổ phần Lilama 18, Bộ Xây dựng, đã có nhiều sáng kiến giúp giảm tối đa sức người, tăng năng suất lao động của công nhân, đồng thời mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Kỹ sư Trần Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội công trình số 9 Công ty Cổ phần Lilama 18, Bộ Xây dựng
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất hai vua, Trần Mạnh Hùng ý thức được rằng, mình phải cố gắng thật nhiều để xứng đáng là “con dân cháu làng” của vùng đất có tiếng là “địa linh nhân kiệt đó”. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh vào làm việc tại Tổng công ty Lilama 18 với vị trí kỹ sư chuyên về điện.
Anh chia sẻ, khi ra công trường làm việc, thấy được sự vất vả, khó khăn của những công nhân lao động trực tiếp tại công trường, anh luôn tâm niệm phải làm sao giảm tối đa sức người, tăng tự động hóa để tăng năng suất lao động, giảm sự vất vả, nguy hiểm cho công nhân, từ đó giúp Tổng công ty tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận.
Với suy nghĩ đó, cùng với kiến thức học trong nhà trường, kinh nghiệm sau nhiều năm làm việc cũng như óc sáng tạo của bản thân, anh đã có nhiều sáng kiến với những giá trị cả về mặt kinh tế lẫn nhân văn.
Phấn đấu và không ngừng phấn đấu, Trần Mạnh Hùng có tới 3 sáng kiến có giá trị làm lợi rất lớn: 2.600 triệu đồng, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2016. Năm 2018, anh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh. Năm 2019, anh vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Cũng trong năm 2019 anh vinh dự được tham gia Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
Anh Trần Mạnh Hùng được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba
Được sự tin tưởng của lãnh đạo Công ty, trên cương vị Đội trưởng Đội công trình số 9, anh được giao nhiệm vụ cùng các đồng nghiệp thực hiện gói thầu lắp đặt toàn bộ hệ thống điện, điều khiển và đo lường Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình - dự án cấp quốc gia. Với yêu cầu của nhà thầu chính Nhật Bản Marubeni Corporation về an toàn, chất lượng cũng như tiến độ, trên cương vị là Đội trưởng, Hùng đã cùng anh em trong tổ nỗ lực hết mình để hoàn thành công việc sớm nhất có thể, đồng thời đảm bảo chất lượng.
Hùng chia sẻ: “Lắp đặt hệ thống điện, điều khiển đo lường là công việc hết sức phức tạp, đòi hỏi cần một đội ngũ lao động có trình độ tay nghề cao và được tổ chức hoạt động thật khoa học. Để thực hiện, tôi đã chủ động sáng tạo nghiên cứu, đưa ra nhiều giải pháp đột phá nhằm mang lại hiệu quả cao, trong đó có giải sáng pháp gia công chế tạo bộ nâng thiết bị di động. Nhờ có thiết bị này mà đội của tôi đã rút ngắn tiến độ và giảm đáng kể nhân công lao động, góp phần vào hoàn thành chung Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, với tổng giá trị hợp đồng 83 tỷ 300 triệu đồng. Có thể nói, đây là một thành công đáng nhớ trong đời làm thợ của tôi”.
Không chỉ thành công ở Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, đội của Hùng còn được giao đảm nhận nhiều công trình quan trọng khác như Dự án Nhà máy bột mì Interflour Việt Nam với giá trị hợp đồng 26 tỷ đồng. Đây là một dự án trong lĩnh vực thực phẩm với chủ đầu tư và nhà thầu chính là châu Âu, nhà thầu có yêu cầu về chất lượng và tiến độ rất cao. Với việc sử dụng thiết bị di động trong lắp đặt một số hạng mục, đội của anh đã rút ngắn tiến độ lắp đặt 21 Roller Mill, mỗi Roller Mill trọng lượng 5 tấn theo yêu cầu của chủ đầu tư từ 40 ngày xuống còn 20 ngày, giảm số công lao động từ 400 công xuống còn 140 công, được chủ đầu tư đánh giá rất cao.
Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, Hùng được lãnh đạo công ty tín nhiệm giao đảm trách nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Dự án Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 - gói thầu điều khiển và đo lường, với tổng giá trị hợp đồng 35 tỷ đồng. Ở dự án này, Hùng đã cùng anh em trong đơn vị đưa ra 3 giải pháp đột phá để rút ngắn tiến độ và giảm đáng kể nhân công lao động. Kết quả, đội của Hùng hoàn thành hệ thống xử lý nước (WWT) trước tiến độ 2 tháng, hệ thống lò hơi (Boiler) trước 12 ngày, hoàn thành hệ thống nhận đá vôi và hệ thống nhận than trước tiến độ 30 ngày theo yêu cầu tăng tốc của nhà thầu chính Hyundai. 3 giải pháp đột phá này đã giúp công ty giảm được 80 lao động trong 30 ngày, tiết kiệm được 1.600 triệu đồng. Công ty Cổ phần LiLama 18 được nhà thầu chính Hyundai thưởng tiền vượt tiến độ là 2,7 tỷ đồng.
Những sáng kiến tiêu biểu của Hùng phải kể đến, đó là: “Thiết kế bàn quay xả cáp sử dụng ổ trục bạc đạn phục vụ cho việc kéo cáp”. Sáng kiến này được áp dụng giúp công ty tiết kiệm nhân công, đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả làm lợi từ tháng 9/2015 đến nay lên tới 600 triệu đồng. Sáng kiến thứ hai là thiết kế bộ khung xả cáp. Sáng kiến được áp dụng đã giảm được tối đa số ca cẩu phục vụ cho việc nâng cáp lên khung, tránh được tình trạng phụ thuộc vào xe cẩu, giúp công ty tiết kiệm được 400 triệu đồng. Sáng kiến thứ ba: “Thiết kế hệ thống con lăn nhỏ sử dụng ổ trục bi sắt đặt trực tiếp lên máng cáp phục vụ cho việc kéo cáp”. Áp dụng sáng kiến này, đã giúp tiết kiệm 50% nhân công kéo cáp so với cách kéo cáp trước, làm lợi cho Công ty 1,6 tỷ đồng.
Với đặc thù công việc, 12 năm nay, anh thường xuyên phải xa nhà, 1 tháng, có khi 4 tháng mới về nhà một lần. Anh bảo, đối với công việc của anh, thì công trường không khác gì là nhà, còn nhà thì chính là... nơi trọ. Đó cũng là những thiệt thòi của anh trong cuộc sống riêng. Tuy vậy, anh luôn cố gắng vượt qua những khó khăn để cống hiến nhiều hơn cho công việc mà anh yêu thích.
Thanh Tâm