TĐKT - Là một người khuyết tật không chịu đầu hàng số phận, không khuất phục trước những khó khăn do cuộc sống mang lại, những năm qua, ông Đặng Văn Thanh (sinh năm 1958), Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã làm được nhiều điều ý nghĩa, góp phần thay đổi cuộc sống, tạo dựng tương lai tươi sáng của người khuyết tật Việt nam.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học và truyền thống cách mạng ở Thủ đô, lúc mới ra đời, cậu bé Thanh cũng khôi ngô, khỏe mạnh, lanh lợi như các anh chị em của mình, cho đến khi cậu lên hai tuổi. Sau một lần tắm mưa, cậu bị một trận sốt bại liệt không thể đi lại được nữa, muốn di chuyển phải lê, bò do một chân bị liệt, teo tóp. Dù đã được gia đình quan tâm, chạy chữa, nhưng do chiến tranh xảy ra, những ca phẫu thuật không trọn vẹn đã đưa cậu bé Thanh gắn bó với dáng đi cà nhắc suốt đời.
Nhớ lại, ông Thanh cho biết: "Thời gian đất nước chiến tranh, gia đình phải đi sơ tán là thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời, bởi lúc đó nhận thức về người khuyết tật còn nhiều hạn chế, đi học thì bị bạn bè trêu chọc nên hay tủi thân, mặc cảm. Thế nhưng, bù lại, gia đình thì lại hết mực yêu thương, nên thay vì suy nghĩ mặc cảm, tôi luôn nỗ lực làm sao phải cố gắng học, tích lũy kiến thức để chứng minh cho mọi người thấy khả năng của mình."
Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam thường xuyên phát biểu tại các Hội nghị
Sau khi học xong phổ thông, ông cùng một số anh em đã thành lập hợp tác xã cơ khí sản xuất ốc phanh xe đạp, cồn bát phuốc trục giữa xe đạp, sau đó sản xuất kẹo dân tộc (kẹo vừng, kẹo lạc)... Đến năm 1987, ông vào làm nhân viên Phòng Tổng hợp Xí nghiệp 202 của người tàn tật quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Với khả năng và nỗ lực vượt bậc, ông lần lượt trải qua nhiều vị trí lãnh đạo của xí nghiệp, như: Quản đốc Phân xưởng bao bì năm 1990, phụ trách 120 người khuyết tật và thương binh; Trưởng phòng Kinh doanh năm 1992; Trợ lý Giám đốc năm 1994 và chính thức làm Giám đốc Xí nghiệp từ năm 1997 đến năm 2008.
Trong suốt quá trình công tác, từ khi làm cán bộ phòng đến Giám đốc Xí nghiệp, ông đã tạo công ăn việc làm với mức thu nhập thuộc loại khá vào thời điểm bấy giờ cho hàng trăm công nhân đều là thương binh, người khuyết tật; học sinh khuyết tật học nghề được cấp sổ gạo 17,5kg/tháng; học sinh ngoại tỉnh được nhập hộ khẩu Hà Nội; kết nối, giúp hàng chục cặp đôi người khuyết tật đến với nhau xây dựng bến bờ hạnh phúc; cấp hơn 20 căn nhà cho anh chị em công nhân.... Đặc biệt, với quan niệm “không ai có thể làm cho người khuyết tật tốt hơn là tổ chức của chính những người khuyết tật”, ông đã tạo điều kiện để nhóm Vì tương lai tươi sáng - tiền thân của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội - có trụ sở làm việc.
Với mong muốn có nhiều cơ hội trợ giúp người khuyết tật hơn, trợ giúp được nhiều người khuyết tật hơn, trong đó phải kể đến việc thay đổi tư duy, nhận thức về người khuyết tật của chính bản thân người khuyết tật và gia đình cùng cộng đồng xã hội, các cơ quan chức năng... ông nghĩ, cần phải có một tổ chức hội chuyên về sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật. Nên năm 2003, ông đã cùng một số cộng sự, với sự trợ giúp của ông Nghiêm Xuân Tuệ khi đó là Phó Vụ trưởng Vụ quan hệ quốc tế Bộ LĐTB&XH, thành lập Ban Vận động Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh của người khuyết tật Việt Nam, nay là Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam, ông được bầu là Trưởng ban. Ban đầu, Hiệp hội được thành lập, với 113 tổ chức hội thành viên. Đến nay, sau hơn 20 năm, Hiệp hội đã thực sự trở thành mái nhà chung của các doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật, với trên 700 tổ chức hội thành viên. Những cơ sở này đã dạy nghề cho hàng nghìn người và tạo công ăn việc làm cho trên 20.000 người là thương binh và người khuyết tật không những sản xuất đa dạng các mặt hàng phục vụ xã hội mà hàng năm còn nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng.
Năm 2008, ông từ bỏ vị trí Giám đốc Xí nghiệp 202 với hàng trăm công nhân, có mức thu nhập ổn định để tham gia các hoạt động xã hội phi lợi nhuận, không có lương, không có trợ cấp, tự chủ kinh tế. Ông tâm sự: “Nếu vẫn làm giám đốc, tôi chỉ có thể giúp được một vài trăm thương binh và người khuyết tật, trong khi đó Việt Nam là một quốc gia có nhiều người khuyết tật (theo số liệu chính thức hiện nay là 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm khoảng 7,06% dân số).
Với vai trò, cương vị mới là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội, được tham gia nhiều hội nghị quốc tế và học hỏi tại nhiều quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Đan Mạch, Hàn Quốc..., cùng với những kinh nghiệm rút ra trong quá trình hoạt động, ông Thanh nhận ra rằng, chỉ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật là chưa đủ, mà người khuyết tật còn nhiều quyền khác như giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông, công trình xây dựng.... cũng cần được đảm bảo.
Ông Thanh khẳng định: Quyền của người khuyết tật chỉ được hiện thực hóa, người khuyết tật chỉ được hòa nhập vào cộng đồng xã hội bình đẳng và đầy đủ khi bản thân người khuyết tật cùng gia đình, cộng đồng xã hội nhận thức đúng đắn hơn về lĩnh vực khuyết tật và các chính sách được thực thi một cách đầy đủ và hiệu quả.
Trải qua quá trình hoạt động, học hỏi từ nhiều quốc gia, ông cùng các cộng sự đã đưa ra ý tưởng thành lập Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (tổ chức của và vì người khuyết tật ở cấp quốc gia, là đại diện tham gia các hoạt động quốc tế cũng như đầu mối điều hòa, phối hợp các tổ chức hội của và vì người khuyết tật từ trung ương đến địa phương). Ban Sáng lập để thành lập Liên hiệp hội được thành lập năm 2009 và đến tháng 4/2010 Bộ Nội vụ chính thức có quyết định thành lập Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam. Năm 2011, Đại hội lần thứ nhất Liên hiệp hội, nhiệm kỳ đầu tiên, ông giữ vai trò là Phó Tổng Thư ký, rồi Quyền Tổng Thư ký và đến nay là Phó Chủ tịch Thường trực của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam nhiệm kỳ II, 2017 - 2022.
Ông Đặng Văn Thanh, chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
Với vai trò và trách nhiệm của mình, trong nhiều năm qua, cùng với Ban lãnh đạo Liên hiệp hội ông Thanh đã tích cực thúc đẩy việc thành lập các tổ chức của và vì người khuyết tật các tỉnh, thành trong cả nước (ban đầu, cả nước có 7 tổ chức hội thành viên ở cấp trung ương; 11 tổ chức hội thành viên là hội người khuyết tật các tỉnh/thành phố. Đến nay, sau hơn 10 năm hoạt động Liên hiệp hội đã phát triển thêm 14 tổ chức hội của người khuyết tật tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, nâng tổng số hội của người khuyết tật lên 25 tổ chức cùng 12 trung tâm, 2 mạng lưới và hàng trăm câu lạc bộ của người khuyết tật); phối hợp cùng nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, các tổ chức của và vì người khuyết tật tổ chức, điều hành các cuộc tập huấn nâng cao năng lực cho người khuyết tật, thực hiện nhiều dự án liên quan đến người khuyết tật như dạy nghề tạo việc làm, phổ biến chính sách...; tổ chức, tham gia nhiều hội thảo thúc đẩy, giám sát thực hiện, phản biện chính sách pháp luật liên quan đến người khuyết tật; khảo sát thực trạng, nhu cầu, mong muốn của người khuyết tật...
Hiện nay ông Đặng Văn Thanh còn là thành viên Tổ Tư vấn của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật (NCD), thường xuyên được NCD, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, các tổ chức quốc tế như Unicef mời tham gia đoàn công tác kiểm tra, giám sát, thúc đẩy việc thực thi luật và các chính sách liên quan đến người khuyết tật... Ông cũng là một trong số những cá nhân có nhiều tâm huyết trong việc đấu tranh, bảo vệ quyền cho phụ nữ và trẻ em khuyết tật. Ông Thanh cũng được mời tham gia là ủy viên, thành viên của nhiều hoạt động, dự án, chương trình nghiên cứu, hoạch định kế hoạch của các cơ quan nhà nước....
Hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực khuyết tật, ông Đặng Văn Thanh là một trong những chuyên gia giàu kinh nghiệm có nhiều đóng góp thiết thực, cụ thể cho người khuyết tật, cho lĩnh vực khuyết tật. Ông luôn được sự tin tưởng của các cơ quan, ban, ngành cũng như các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, các tổ chức của và vì người khuyết tật khi cần những bài tham luận chia sẻ liên quan đến lĩnh vực này.
Có thể nói, dù ở cương vị nào, Giám đốc Xí nghiệp 202, hay lãnh đạo một tổ chức cấp quốc gia về người khuyết tật, ông Thanh cũng làm việc hết mình, bền bỉ, kiên trì để đạt mục tiêu và cũng là ước nguyện của riêng mình: Góp phần thay đổi cuộc sống, tạo dựng tương lai tươi sáng của người khuyết tật Việt nam.
Mai Thảo