* Ông Cấn Mạnh Tiến hỏi: Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp hiện nay được Nhà nước quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:
Theo quy định tại Mục 4, Điều 1 của Nghị định 60/2019/NĐ-CP ngày 5 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP về giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ nêu rõ về việc Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 17 như sau:
“2. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp:
a) Hội đồng đánh giá công bằng, dân chủ, khách quan, biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín và quyết định theo tỷ lệ quy định cho từng cấp xét thưởng;
b) Hội đồng xét tặng giải thưởng chỉ xem xét những hồ sơ đáp ứng đầy đủ các văn bản, tài liệu theo quy định;
c) Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước chỉ xem xét những công trình được Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước đề nghị; Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước chỉ xem xét những công trình được Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp bộ, ngành, địa phương đề nghị; Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp bộ, ngành, địa phương chỉ xem xét những công trình được Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở đề nghị;
d) Việc xét tặng giải thưởng cho các công trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước được áp dụng quy trình, thủ tục chung nhưng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.
đ) Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở, bộ, ngành, địa phương và chuyên ngành cấp Nhà nước:
Số lượng các phiên họp Hội đồng phụ thuộc vào số lượng, quy mô công trình đề nghị xét tặng giải thưởng, do cơ quan Thường trực tổ chức xét giải thưởng quyết định trên cơ sở đề xuất của Chủ tịch Hội đồng;
Cuộc họp Hội đồng phải có ít nhất 3/4 số thành viên Hội đồng tham dự, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch (được Chủ tịch ủy quyền bằng văn bản) chủ trì và có 02 ủy viên phản biện. Chủ tịch Hội đồng quy định trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng trên cơ sở thống nhất ý kiến của các thành viên Hội đồng.
Thành viên Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp có trách nhiệm nghiên cứu, nhận xét và đánh giá hồ sơ công trình đề nghị xét tặng giải thưởng bằng văn bản; thành viên Hội đồng vắng mặt phải gửi văn bản nhận xét, đánh giá công trình đề nghị xét tặng giải thưởng; nội dung cuộc họp phải được ghi thành biên bản, có chữ ký của người chủ trì, thư ký khoa học do Hội đồng bầu chọn.”
e) Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Nhà nước:
Hội đồng tổ chức phiên họp phải có ít nhất 90% thành viên Hội đồng có mặt, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng (được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền bằng văn bản), số lượng phiên họp, trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.”
* Bà Lê Thanh Thủy hỏi: Nguyên tắc khen thưởng, hình thức khen thưởng và những nội dung tổ chức phong trào thi đua hiện nay được Nhà nước quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời bà như sau:
Theo quy định tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 cảu Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/10/2107) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng nêu rõ:
* Về nguyên tắc khen thưởng:
1. Hình thức khen thưởng phải phù hợp với đối tượng, chức năng, nhiệm vụ được giao của tập thể, cá nhân và thành tích đạt được.
2. Khen thưởng phải căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn và thành tích đạt được, không nhất thiết phải có hình thức khen thưởng mức thấp mới được khen thưởng mức cao hơn. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ và cá nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác hoặc chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
Không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được. Hình thức khen thưởng theo đợt, chuyên đề không tính làm điều kiện, tiêu chuẩn đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước.
Khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân nữ hoặc tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được giảm 1/3 thời gian so với quy định chung; trường hợp quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn thì thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được thực hiện theo quy định chung.
* Về hình thức tổ chức thi đua:
1. Thi đua thường xuyên là hình thức thi đua căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao của cá nhân, tập thể để tổ chức phát động, nhằm thực hiện tốt công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đối tượng thi đua thường xuyên là các cá nhân trong một tập thể, các tập thể trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc tương đồng nhau.
Việc tổ chức phong trào thi đua thường xuyên phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, mục tiêu, các chỉ tiêu cụ thể và được triển khai thực hiện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc theo cụm, khối thi đua để phát động phong trào thi đua, ký kết giao ước thi đua. Kết thúc năm công tác, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, trưởng các cụm, khối thi đua tiến hành tổng kết và bình xét các danh hiệu thi đua.
2. Thi đua theo theo đợt (chuyên đề) là hình thức thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm hoặc một lĩnh vực cần tập trung được xác định trong khoảng thời gian nhất định để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chỉ phát động thi đua theo đợt khi đã xác định rõ thời gian mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu, nội dung và giải pháp.
* Về nội dung tổ chức phong trào thi đua:
1. Xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng thi đua; trên cơ sở đó đề ra các chỉ tiêu và nội dung thi đua cụ thể. Việc xác định nội dung và chỉ tiêu thi đua phải khoa học, phù hợp với thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và có tính khả thi.
2. Căn cứ đặc điểm, tính chất công tác, lao động, nghề nghiệp, phạm vi và đối tượng tham gia thi đua để đề ra nội dung, hình thức tổ chức phát động thi đua cho phù hợp. Coi trọng việc tuyên truyền về nội dung và ý nghĩa của đợt thi đua, phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của quần chúng.
3. Triển khai các biện pháp tổ chức vận động quần chúng tham gia phong trào thi đua và theo dõi quá trình tổ chức thực hiện. Tổ chức chỉ đạo điểm để đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề ra các biện pháp khắc phục để chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả trong thời gian tiếp theo.
4. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phong trào thi đua và lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để biểu dương, tôn vinh các gương điển hình tiên tiến đã lập thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.
* Bà Trần Linh hỏi: Việc khen thưởng quá trình cống hiến; khen thưởng tổ chức, cá nhân thuộc các tổ chức tôn giáo; khen thưởng doanh nghiệp hiện nay được Nhà nước quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời bà như sau:
Theo Điều 10 của Thông tư số 12/2019/TT-BNV quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng nêu rõ:
1. Khen thưởng quá trình cống hiến.
a) Bộ, ban, ngành, tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước khen thưởng quá trình cống hiến cho cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn khi có thông báo nghỉ hưu.
b) Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương xin ý kiến Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước khen thưởng.
2. Khen thưởng tổ chức, cá nhân thuộc các tổ chức tôn giáo.
a) Việc khen thưởng tổ chức, cá nhân thuộc trung ương các giáo hội do cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo (Bộ Nội vụ) trình Thủ tướng Chính phủ.
b) Tổ chức, cá nhân thuộc giáo hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ.
c) Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương xin ý kiến các cơ quan có liên quan về tôn giáo; xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ xét, khen thưởng hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước khen thưởng.
3. Khen thưởng đối với doanh nghiệp.
a) Việc đề nghị các hình thức khen thưởng đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Kiểm toán độc lập phải có Báo cáo kết quả kiểm toán của cơ quan kiểm toán có thẩm quyền trong thời gian 05 năm trước thời điểm đề nghị khen thưởng. Đối với doanh nghiệp không thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán trong báo cáo thành tích phải nêu căn cứ không thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán.
Đối với doanh nghiệp đề nghị tăng “Cờ thi đua của Chính phủ” thuộc đối tượng kiểm toán phải có báo cáo kết quả kiểm toán (nếu chưa có báo cáo kết quả kiểm toán thì sau khi có kết quả kiểm toán thực hiện trình khen thưởng theo quy định).
b) Tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp hoạt động tại nơi đặt trụ sở giao dịch chính do Người đứng đầu doanh nghiệp khen thưởng hoặc đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở giao dịch chính khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.
Đơn vị thành viên của doanh nghiệp, nhưng hạch toán độc lập và thực hiện nghĩa vụ ở địa phương nơi không đóng trụ sở giao dịch chính do Người đứng đầu khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc cấp giấy phép thành lập và hoạt động khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.
c) Trường hợp tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp có thành tích đóng góp cho địa phương ngoài nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tập thể, cá nhân lập được thành tích khen thưởng theo thẩm quyền.