TĐKT - Ngày 15/4, tại Hà Nội, Ban tổ chức Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu nội dung dự thảo Bộ tiêu chí “Văn hóa kinh doanh Việt Nam”.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1846 QĐ/TTg ngày 26/9/2016 về Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và Quyết định số 248/QĐ-TTg ngày 28/2/2018 về việc thành lập Ban tổ chức triển khai Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" (Ban tổ chức 248). Sau gần 5 năm triển khai, Ban tổ chức 248 và Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - Cơ quan thường trực của Ban tổ chức 248 đã rất nỗ lực đưa cuộc vận động vào cuộc sống thông qua các hội nghị triển khai với 63 tỉnh, thành phố và bước đầu đến với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu; tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm, ký kết triển khai cuộc vận động tại các vùng, miền, địa phương, thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của các doanh nghiệp.
Ban tổ chức 248 giới thiệu nội dung dự thảo Bộ tiêu chí "Văn hóa kinh doanh Việt Nam"
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - Trưởng Ban tổ chức 248, phê duyệt và ban hành Bộ tiêu chí “Văn hóa kinh doanh Việt Nam” theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao; hướng dẫn và tổ chức triển khai bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” trong đời sống xã hội.
Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp, Trưởng Ban tổ chức 248 cho biết: Năm 2021, Ban tổ chức sẽ sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động và tôn vinh, trao chứng nhận doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Quốc gia. Để có cơ sở đánh giá chính xác, khách quan, Ban tổ chức đã lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan và các cơ quan chức năng của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các nhà khoa học, chuyên gia để xây dựng Bộ tiêu chí "Văn hóa kinh doanh Việt Nam".
Bộ tiêu chí “Văn hóa kinh doanh Việt Nam” dự thảo gồm 2 phần. Phần đầu gồm 5 tiêu chí đánh giá bắt buộc với việc kinh doanh của doanh nghiệp: Không buôn lậu, không trốn thuế; không làm hàng giả, sản phẩm độc hại; không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại người khác; không vi phạm pháp luật.
Phần 2 gồm các tiêu chí xếp hạng, đánh giá ở 5 nhóm tiêu chí với 19 tiêu chí cụ thể về: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; thượng tôn pháp luật; đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội.
Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam sẽ hoàn thiện và ban hành Bộ tiêu chí “Văn hóa kinh doanh Việt Nam” trong thời gian sớm nhất.
Phương Thanh