Hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai lụt, bão, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân cũng như những thành quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được, đồng thời là những tuyến đường giao thông quan trọng kết nối giao thương giữa các vùng miền. Tuy nhiên, do nhiều năm trở lại đây, trên hệ thống sông Hồng chưa có lũ lớn nên đã xuất hiện tư tưởng chủ quan cả từ người dân đến cán bộ lãnh đạo các cấp trong công tác quản lý đê điều. Ở một số địa phương, đặc biệt là những đoạn đê đi qua các khu đô thị, khu dân cư tập trung, những khu vực ven đê, bãi sông có dân cư sinh sống, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn ra liên tục, nhiều vụ vi phạm chưa được quan tâm xử lý dứt điểm, hiện tượng tái vi phạm còn phổ biến.
Trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, cùng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với công tác quản lý, bảo vệ đê điều. Vì vậy, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã phối hợp cùng các địa phương nghiên cứu nhiều mô hình mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ đê điều. Một trong số đó là phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu”.
Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” năm 2016 tại tỉnh Hưng Yên
Phong trào được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phát động năm 2016 nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm, thu hút mọi tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ đê điều, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, đảm bảo an toàn, phát huy hiệu quả của hệ thống đê điều phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu xây dựng nhiều “Hạt quản lý đê điển hình” và nhiều “Tuyến đê kiểu mẫu”.
Điếm canh đê kiểu mẫu thuộc tuyến đê hữu Hồng huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội
Phong trào thi đua đã được tất cả các tỉnh, thành phố có đê tổ chức thực hiện và ký kết giao ước thi đua tại Lễ phát động do Bộ NN&PTNT tổ chức tại tỉnh Hưng Yên vào tháng 3/2016. Qua 5 năm triển khai thực hiện (từ năm 2016 - 2020), phong trào đã đạt được những kết quả tích cực, đã xây dựng 34 hạt quản lý đê, 81 tuyến đê theo tiêu chí “Hạt quản lý đê điển hình”, “Tuyến đê kiểu mẫu”, có tính lan tỏa cao, làm cơ sở triển khai nhân rộng.
Hạt quản lý đê Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
Những “Hạt quản lý điển hình” là những điểm sáng về công tác quản lý, là mô hình thực tế nhất để các địa phương có thể chia sẻ, học hỏi, rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai nhân rộng. Các tiêu chí đã đạt được là: Công tác quản lý được thực hiện nền nếp, bài bản; tất cả các vi phạm được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản, hồ sơ vi phạm đúng quy định; thực hiện tốt việc tuần tra canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ, xử lý kịp thời, hiệu quả các sự cố đê; trụ sở hạt được cải tạo, chỉnh trang gọn gàng, ngăn nắp; trang thiết bị, tài liệu đáp ứng yêu cầu quản lý…
Những tuyến đê kiểu mẫu được xây dựng không chỉ đảm bảo an toàn chống lũ mà còn là những công trình văn hóa xanh, sạch, đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới và tạo thêm sự gần gũi, gắn bó của người dân đối với con đê quê hương ở mỗi địa phương.
Tuyến đê tả Hồng tỉnh Hưng Yên
Để đạt được hiệu quả cao, nhiều địa phương đã vận dụng nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động được nguồn lực, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân tham gia công tác bảo vệ, tu bổ đê điều trong điều kiện nguồn kinh phí thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, có thể kể đến như tại thành phố Hà Nội và tỉnh Nam Định, hai trong số các địa phương có quy mô hệ thống đê điều lớn nhất cả nước.
Theo đó, tuyến đê hữu Hồng đoạn qua địa bàn xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định trước kia không có đường hành lang chân đê, cây cỏ dại mọc um tùm trên mái đê, tình trạng vi phạm hành lang đê diễn ra phổ biến gây ảnh hưởng đến an toàn đê và mất mỹ quan làng, xóm. Đến nay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã tự giác tháo dỡ các công trình, vật dụng vi phạm hành lang bảo vệ đê, nhiều hộ còn hiến đất, đóng góp kinh phí để bê tông hóa đường hành lang chân đê, tổ chức trồng, chăm sóc hoa, cỏ mái đê.
Tuyến đê hữu Hồng huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định
Với thành phố Hà Nội, tuyến đê hữu Hồng đoạn qua phường Trần Phú, quận Hoàng Mai trước kia tình trạng người dân sống ở ven đê đặt chậu cây cảnh, trồng rau màu, đổ rác thải trên mái đê diễn ra phổ biến, gây mất an toàn đê, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị... nay đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới. Ý thức của nhân dân cũng từ đó được nâng cao, các hành vi vi phạm đã không còn tái diễn, đặc biệt các hộ dân ven đê đã tự nguyện tham gia chăm sóc, bảo vệ hoa, cỏ mái đê, duy trì cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Người dân chăm sóc cỏ mái đê hữu Hồng quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội
Trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện phong trào thi đua của các địa phương và qua công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra, đến nay Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã báo cáo Bộ NN&PTNT quyết định khen thưởng đối với 17 tập thể và 25 cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua để kịp thời động viên, khích lệ và biểu dương.
Trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều
Để kế thừa và tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được ở giai đoạn 2016 - 2020, trong giai đoạn 2021 - 2025, phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” sẽ tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ đê điều, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, đồng thời nhân rộng các điển hình tiên tiến, xây dựng thêm nhiều “Hạt quản lý đê điển hình”, “Tuyến đê kiểu mẫu” để tăng cường khả năng chống lũ của hệ thống đê, kết hợp cải tạo cảnh quan môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.