TĐKT - Nhiều năm gắn bó với công tác giáo dục ở huyện vùng núi tỉnh Quảng Ngãi, thầy giáo Đặng Văn Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển, giáo dục hòa nhập tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều việc làm ý nghĩa, luôn tận tụy, hết lòng vì học trò vùng cao. Những việc làm của thầy đã viết nên câu chuyện cổ tích đẹp về tình thầy trò, về tình nhân ái giữa người với người.
Hơn 20 năm trước, thầy giáo trẻ Đặng Văn Cương từ quê Thái Bình vào công tác trong ngành giáo dục huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Dù là thầy giáo, Phó Hiệu trưởng hay Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Ba (nay là Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sơn Ba), dấu chân của thầy giáo trẻ ấy đã in khắp các thôn bản khó khăn ở vùng núi Sơn Hà, để vận động các học sinh đến lớp, đến trường. Đặc biệt, người dân ở Thôn Gò Da, xã Sơn Ba vẫn luôn nhớ ghi hình ảnh đẹp của người thầy giáo đáng kính này.
Gò Da nằm trong hốc núi. Đây là nơi sinh sống từ bao đời của hàng trăm hộ đồng bào Hrê vì lẩn khuất sau nhiều ngọn núi dựng đứng, cho nên Gò Da luôn bị cái nghèo đeo bám. Cuộc sống vốn dĩ chật vật, vì thế đồng bào chẳng màng tới chuyện học hành của con trẻ. Những năm trước, ở chốn rừng núi này, một năm học sinh chỉ có hai mùa là… mùa đót và mùa mật ong rừng. Bởi lẽ, khi đót bắt đầu trổ bông, ong bắt đầu cho mật thì cũng là lúc những đứa trẻ đang “tuổi ăn tuổi ngủ” ở đây bỏ học theo cha, anh lao vào rừng xanh kiếm sống.
Thầy Đặng Văn Cương và cậu học trò tí hon K’Rể
Nhưng, nghèo khó chỉ là một phần nguyên nhân khiến học sinh Gò Da “ngại” ra lớp vì con đường đến trường hằng ngày của các em là một hành trình gian nan với hơn bốn giờ băng rừng, vượt suối. Biết được điểm khó này, hơn 10 năm trước, thầy Cương cùng với một số giáo viên trong trường đề xuất với lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Hà, sau đó thầy trực tiếp vào Gò Da để gom học sinh ra lớp, cho các em ở nội trú tại trường. Để thuyết phục phụ huynh, thầy Cương hứa với họ sẽ… nuôi các em với điều kiện bằng hoặc hơn ở nhà. Ban đầu còn nghi ngại, nhưng nhờ sự nhiệt thành của các thầy giáo, cô giáo, cuối cùng cha mẹ các em cũng đồng ý để các em theo thầy ra lớp. Vận động được học sinh ra lớp đã khó, nhưng đứng trước việc phải lo chỗ ăn, chỗ ở cho gần 40 học sinh đối với một trường tiểu học vùng cao là điều không tưởng.
Trước những thử thách đó, thầy Cương động viên thầy giáo, cô giáo trong trường cùng mình nuôi học trò, bằng mọi giá không để học trò về lại làng. “Nếu lúc đó chúng tôi bỏ cuộc, các em về lại bản thì sẽ không bao giờ phụ huynh tin chúng tôi nữa. Như vậy đồng nghĩa với việc các em sẽ xa trường, xa lớp mãi mãi. Nghĩ tới điều đó, chúng tôi càng quyết tâm hơn” - thầy Cương nhớ lại.
Những ngày đầu, ba phòng nội trú dành cho giáo viên lên vùng cao công tác được nhường cho các em ở. Những thầy giáo, cô giáo thường ngày tay cầm phấn dạy con chữ giờ phải loay hoay với cưa, đục… để tự tay đóng những chiếc bàn, chiếc ghế cho học trò. Trường có 32 giáo viên, trong đó 12 thầy, cô ở miền xuôi lên công tác, không thể đi về trong ngày cho nên phải ở nội trú. Những thầy, cô này cáng đáng luôn phần việc nấu ăn, chăm sóc các học sinh nội trú. Để có tiền mua gạo, mắm muối nuôi học trò những buổi đầu, đích thân thầy Cương đã trích phần lớn tiền lương của mình để đài thọ, sau đó cũng chính thầy ra huyện xin tiền, vận động khắp nơi xin gạo, xin dầu ăn, mắm, muối nuôi các em. Ròng rã nhiều tháng trời vận động, rồi những thùng mỳ tôm, những bao gạo, những thùng quần áo cũ từ miền xuôi lần lượt được chuyển lên Trường Tiểu học Sơn Ba trước sự xúc động của thầy Cương và niềm vui khôn tả của học trò nơi đây.
Để vừa có nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn tại chỗ, vừa tạo nơi để học sinh vừa chơi, vừa học, một “nông trại” nhỏ đã được thầy Cương cùng một số thầy giáo, cô giáo lập nên ngay trong khuôn viên nội trú. Sau giờ học, những học sinh được thầy hiệu trưởng dẫn ra vườn rau để chỉ cách chăm sóc những luống cải, mồng tơi, đậu cô ve xanh mướt. Đến giờ, vườn rau vẫn được thầy và trò Trường Tiểu học Sơn Ba duy trì để cung cấp rau xanh cho bữa ăn hằng ngày.
Trong những lần lên thôn Gò Da để vận động học sinh đến trường, thầy Cương đã tiếp xúc và biết được hoàn cảnh cậu bé tí hon Đinh Văn K’Rể, người dân tộc Hrê. Khi sinh ra, em chỉ nặng vài lạng và phát triển rất chậm. Cuộc sống khó khăn, bố mẹ hằng ngày lên nương rẫy cho nên việc chăm sóc K’Rể có nhiều hạn chế. Cách đây vài năm, khi rà soát số học sinh theo độ tuổi đến trường thấy thiếu vắng một em, ngay lúc đó, thầy đã nghĩ đến K’Rể và lập tức lên thôn Gò Da tìm gặp bố mẹ em, vận động, thuyết phục để đưa về trường để thầy nuôi dạy. Khi bố mẹ em đồng ý, thầy Cương đã đưa K’Rể về trường ở cùng nội trú để chăm sóc, nuôi ăn uống và cho lên lớp dần hòa đồng cùng các bạn, cộng đồng.
Từ ngày K’Rể ra lớp, mọi sinh hoạt của cậu học trò đặc biệt này từ ăn, uống, tắm, đi vệ sinh... do một tay thầy Cương cáng đáng. Tuy nhiên, chăm sóc một đứa trẻ thông thường đã vất vả, chăm sóc một “cậu bé tí hon” khó khăn hơn nhiều. Cùng với sự hỗ trợ của các thầy giáo, cô giáo, suốt hơn ba năm, K’Rể đã được thầy chăm sóc chu đáo; quần áo, giày dép và đồ dùng của em đều được thầy đặt làm riêng. Mọi sinh hoạt, học tập của K’Rể được thầy dạy dỗ hòa đồng như những học sinh bình thường khác. Hằng ngày, cứ hơn 5 giờ sáng, thầy Cương lại thức dậy, chuẩn bị để K’Rể thay đồ, ăn sáng rồi 7 giờ bắt đầu đi đến lớp học. Kết thúc ngày học vào lúc 16 giờ 30 chiều, em đá bóng, nô đùa cùng các bạn rồi được thầy tắm rửa, ăn cơm tối xong nghỉ giải lao và lên lớp học buổi tối theo quy định bán trú; 21 giờ kém 15 phút tối thì tất cả về phòng ngủ.
Từ chỗ sống cùng bố mẹ ở thôn Gò Da, K’Rể được gọi là “Toọc” - theo tiếng Hrê có nghĩa là khỉ con, em đã tiến bộ có được những kỹ năng cơ bản của trẻ, như tự phục vụ, hòa đồng, tiếp cận với các bạn và thích đi học hơn ở nhà. Em cũng đã viết được chữ O, viết được số 1, nói được một số từ đơn. Nhưng em hiểu hết những gì thầy cô, bạn bè xung quanh nói chuyện.
Thương cho cậu học trò bé nhỏ thiệt thòi, đã hai lần, thầy Cương đưa K’Rể ra Hà Nội để tìm hiểu nguyên nhân bệnh giúp em được khám và điều trị tốt nhất. Sau khi thăm khám, các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán đều cho chỉ số bình thường, tuy nhiên, K’Rể mắc hội chứng Seckel hay còn gọi là “người lùn, đầu chim”. Đây là hội chứng cực kỳ hiếm gặp trên thế giới, sống đến ngần này tuổi là đã quá nghị lực.
Càng thương cậu học trò bé nhỏ mang trong mình căn bệnh hiếm, thầy Cương càng nỗ lực chăm sóc và dạy dỗ cậu không quản vất vả, chỉ mong cho cậu bé những tháng ngày vui vẻ, hạnh phúc nhất.
Đến đầu năm học 2020 - 2021, thầy Cương chuyển về Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập tỉnh Quảng Ngãi, K'Rể cũng đi với người thầy - người cha ấy về TP Quảng Ngãi để sống. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm trong vòng tay của thầy Cương cùng các thầy cô giáo và bạn bè, tháng 11/2020, K’Rể đã ra đi mãi mãi bởi cơn đau của căn bệnh hành hạ.
Cậu học trò tí hon đã ra đi nhưng tình cảm thầy trò Đặng Văn Cương và K’Rể vẫn mãi là một câu chuyện đẹp làm ấm lòng người.
Đến nay đã bước sang đơn vị công tác mới, với vai trò là Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển, giáo dục hòa nhập tỉnh Quảng Ngãi, nhưng với thầy giáo Đặng Văn Cương: Dù ở bất cứ nơi đâu vẫn sẽ luôn nỗ lực viết thêm nhiều câu chuyện đẹp hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.
Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, năm 2013, thầy giáo Đặng Văn Cương đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2016, thầy là một trong hai nhà giáo tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh. Còn ngôi Trường Tiểu học Sơn Ba – nơi thầy công tác liên tục 10 năm qua đạt danh hiệu trường tiên tiến. Năm 2020, thầy vinh dự được tôn vinh là Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Mai Thảo