TĐKT - Xông xách, nhiệt tình, trách nhiệm, quên mình vì sự bình an của nhân dân, Thượng úy Lê Thừa Văn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, từng bước khẳng định mình qua những sáng kiến hữu ích trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và rất nhiều việc làm ý nghĩa hướng tới cộng đồng. “Chính những nụ cười hạnh phúc, lời cảm ơn của bà con, là liều thuốc tinh thần to lớn, là động lực để tôi và đồng đội vượt qua khó khăn, nguy hiểm khi ứng cứu dân.” - Anh chia sẻ.
Thượng úy Lê Thừa Văn được trao tặng Giải thưởng Gương mặt trẻ triển vọng toàn quốc năm 2020
Văn sinh ra và lớn lên tại xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, phía Nam cầu Hiền Lương, bắc qua sông Bến Hải. Ngay từ nhỏ, anh đã được ông bà kể cho nghe về một thời máu lửa, đất nước bị chia cắt ở chính địa phận quê hương mình, hình ảnh chú công an nhân dân vũ trang kiên cường bám trụ, canh phòng và bảo vệ giới tuyến đã ngấm dần trong anh, trở thành tình yêu và quyết tâm phấn đấu để trở thành người chiến sĩ mang quân hàm xanh.
Khi đạt được ước mơ, tốt nghiệp Thủ khoa khóa 26, Học viện Biên phòng, Văn được phân công về Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Lao Bảo, BĐBP tỉnh Quảng Trị. Thời gian đầu, cũng như các sĩ quan trẻ mới ra trường, Văn gặp rất nhiều khó khăn, từ việc chưa có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, chưa am hiểu địa bàn, phong tục, tập quán của đồng bào, chưa nói được tiếng dân tộc trên địa bàn, chưa va chạm với các loại tội phạm, chưa gặp cảnh bão chồng bão, lũ chồng lũ và rất nhiều khó khăn khác.
Trao hàng cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi mưa lũ
Trên cương vị Đội trưởng Đội vận động quần chúng, thấm nhuần phương châm phải thực sự vì dân, gần dân, sát dân, nghe được dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, Văn đã dành rất nhiều thời gian tự học tiếng dân tộc Pa Cô và Vân Kiều trên địa bàn. Từ chỗ không nghe được tiếng nói của đồng bào, anh đã có thể nghe hiểu và giao tiếp thông thường bằng ngôn ngữ của họ. Kiên trì thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, anh đã hiểu nhiều hơn về phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt, điều kiện kinh tế, tâm tư tình cảm của từng hộ dân trên địa bàn.
“Cảm thông với hoàn cảnh của các hộ nghèo, tôi luôn đau đáu phải tham mưu triển khai việc gì đó giúp các hộ dân thoát được đói, giảm được nghèo.” - Văn chia sẻ.
Nhận thấy khí hậu, thời tiết quanh năm nắng ấm, đất phù sa ven sông Sê Pôn rất thích hợp cho việc trồng cỏ voi, anh đã đề xuất với cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn phối hợp với các đoàn thể địa phương thực hiện hai mô hình “Bò giống cho người nghèo” và “Nuôi dê chuồng”. Đề xuất của anh được ủng hộ, từ năm 2019 đến nay, Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo đã phối hợp với các lực lượng hỗ trợ cho bà con được hơn 60 con bò và 150 con dê, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, bà con đã có thêm thu nhập, kinh tế gia đình dần ổn định, nhiều hộ đã mua được ti vi, lợp lại mái nhà che mưa, che nắng, không còn quá phụ thuộc vào chính sách trợ cấp của Nhà nước.
Thượng úy Lê Thừa Văn cùng đồng đội hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả do mưa lũ
Trong quá trình hoạt động, gắn bó mật thiết với bà con khu vực biên giới, anh càng thấm thía phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Đợt lũ lịch sử năm 2020, anh cùng đồng đội đã dầm mình trong mưa lũ nhiều ngày liên tục để giúp di dời hàng trăm người dân tới nơi an toàn. Anh kể: “Có lúc, trời mưa lạnh cùng với cái đói khiến tôi và đồng đội thấm mệt. Lúc đó, trong tôi chỉ có suy nghĩ phải cố gắng hơn nữa, trong lúc khó khăn này nếu ai cũng nản chí thì nhân dân không biết trông cậy vào ai.”
Anh nhớ mãi ánh mắt của già làng Hồ Thanh Bình, bản Ca Tăng trong cơn bão Noul năm 2020, khi các anh đội mưa tới nơi, nhà của già làng bị tốc mái hoàn toàn, trong khi trời vẫn mưa, tường nhà nguy cơ bị sập rất cao. Anh đã nhanh chóng báo cáo đơn vị và huy động chiến sĩ; tận dụng vật chất tại chỗ và đơn vị hỗ trợ, anh cùng đồng đội dầm mưa, chắn gió, chèn tường, lợp mái, dựng cột, chằng chống nhà cửa liên tục từ 12h30 phút trưa đến 20h30 tối thì hoàn thành.
“Đêm đó, trời lại mưa bão rất to, gió rất lớn, thức đêm cùng đồng đội, chúng tôi cảm thấy thực sự ấm lòng” – Văn bồi hồi nhớ lại. “Bão qua đi, tôi được già làng nhận làm con trong gia đình. Sau này khi các nhà báo đến phỏng vấn, các lãnh đạo, các đoàn thiện nguyện đến thăm hỏi, già làng luôn nhắc đến tôi và đồng đội là những người đến cứu giúp đầu tiên, già làng còn nói với mọi người: Quý con Văn hơn cả con dê, hơn cả tiền bạc.”
Anh không quản ngại xuống tận các thôn bản tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Năm 2020 với hàng trăm lần xuống bản tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19, kiên trì bám trụ cùng đồng đội tại các tổ, chốt, anh đã 2 lần hoãn đám cưới để toàn tâm toàn ý cùng đồng đội chống dịch. Với Văn, hạnh phúc và tình cảm của nhân dân chính là mục tiêu, là động lực để anh phấn đấu không mệt mỏi.
Năm 2020, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Anh vinh dự được nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia; 3 Bằng khen của Trung ương Đoàn; Bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP; Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Trị cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen khác. Anh vinh dự được bình chọn là Gương mặt trẻ tiêu biểu BĐBP năm 2020, Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân và Gương mặt trẻ triển vọng toàn quốc năm 2020.
Phương Thanh