TĐKT - Với truyền thống “Thương người như thể thương thân”, hiến máu cứu người là một việc làm rất cụ thể, nhân đạo và đầy tính nhân văn, thể hiện lòng yêu thương con người của dân tộc Việt Nam. Chính vì nghĩa cử cao đẹp đó, mà trong 25 năm qua (từ năm 1996 - 2021), anh Ngô Văn Dư, sinh năm 1974 - số nhà 528/24 Điện Biên Phủ, phường 11, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh là nhân viên bảo vệ tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã hiến 98 lần được 146 đơn vị máu và anh đã vận động mọi người cùng tham gia hiến máu cứu giúp người bệnh, góp một phần nhỏ của mình vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Tại buổi Lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”, anh Dư chia sẻ: “Đây là niềm vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi. Đặc biệt, đây là lần thứ hai tôi được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (lần đầu tiên năm 2014). Đối với tôi, hành trình hiến máu sẽ tiếp tục đến khi bản thân không còn đủ điều kiện thì sẽ dừng lại”.
Anh Ngô Văn Dư được vinh danh trong “Top 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2020” và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về những hoạt động thiện nguyện của mình vào tháng 11 năm 2020 tại Hà Nội.
Cơ duyên để anh Dư gắn bó với công tác hiến máu tình nguyện, đó là vào năm 1995 tình cờ vào thăm người bạn nằm chữa bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, anh chứng kiến một trường hợp có người nhà đang cấp cứu. Họ chạy đôn, chạy đáo tìm người cho máu. Ngay lúc đó, bản thân anh rất muốn tình nguyện cho máu. Nhưng tâm lý rất sợ nhìn thấy máu và nghĩ liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của mình hay không nên anh đã ra về. Những ngày sau đó, hình ảnh bệnh nhân ấy cứ ám ảnh; lương tâm anh thấy cắn rứt vì nghĩ đến người nhà bệnh nhân đó không tìm được người cho máu và nếu không mua máu để bác sĩ cấp cứu kịp thời thì tính mạng họ sẽ ra sao...
“Đến đầu năm 1996 khi tôi tham gia công tác Chi đoàn Dân quân tự vệ và biết đến phong trào vận động tham gia hiến máu nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ Trung ương phát động… tôi đã đăng ký tham gia ngay. Cho đến nay là 25 năm, tôi đã hiến máu được 98 lần”, anh Dư cho biết.
Sống tự lập từ nhỏ, đến khi trưởng thành, được huấn luyện trong môi trường quân đội, anh Dư luôn có lối sống lành mạnh, không rượu bia, thuốc lá và tinh thần lạc quan, tích cực chơi thể thao. Suốt 25 năm qua, mặc dù đã hiến máu 98 lần nhưng sức khỏe vẫn bình thường, anh duy trì thể lực tốt và ít bệnh tật... Khi được biết việc làm của anh, những người thân trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp luôn ủng hộ, động viên và chia sẻ. Dù vợ và con gái đang ở Mỹ nhưng khi biết tin về những hoạt động của ba mình, cô con gái nhỏ đáng yêu Ngô Đặng Phương Vy Cindy (13 tuổi) rất hãnh diện về người ba của mình. “Con gái rất thương và luôn tự hào về tôi, dù còn nhỏ nhưng con đã có ý thức về việc làm của ba nó. Mới đây, Cindy đăng ảnh hai cha con hồi bé lên mạng xã hội. Tôi rất xúc động và mong sớm được gặp vợ con”, anh Dư xúc động nói.
Ngân hàng SCB, nơi anh Dư đang làm công tác bảo vệ, ở đó anh được đồng nghiệp đánh giá là người hiền lành, chăm chỉ, luôn làm việc thiện vì cộng đồng. Anh Dư chính là điển hình trong hoạt động hiến máu nhân đạo và là tấm gương để toàn bộ cán bộ, nhân viên tham gia đóng góp hiến máu.
Năm 2020, chương trình nhân đạo “Trái tim hồng” do Ngân hàng SCB tổ chức đã hiến được 820 đơn vị máu. Chị Trần Thị Mỹ Dung, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB chia sẻ: “Tôi rất trân quý tấm lòng của anh Dư, một người đơn giản những lại không đơn giản, việc làm của anh không phải ai cũng làm được. Thay mặt anh, chị em cán bộ trong Ngân hàng SCB, tôi chúc anh Dư luôn khỏe mạnh để giúp được nhiều người hơn”.
Lần hiến máu thứ 97 của anh Dư trong chương trình hiến máu nhân đạo “Trái tim hồng” do Ngân hàng SCB nơi anh công tác tổ chức năm 2020.
Khi được hỏi dự định của anh khi sắp chạm mốc 100 lần hiến máu, anh có nghĩ đó sẽ là mốc lịch sử, kỷ lục của 1 người hiến máu không, Anh Dư trầm ngâm nói: “Bản thân tôi không ngờ thời gian đã 25 năm và được 98 lần. Tôi không đặt chỉ tiêu hay chạy theo thành tích. Con số 100 cũng là con số đáng nhớ và kỷ niệm trong cuộc đời tôi và tôi mong đó là động lực để các bạn trẻ phấn đấu tham gia hiến máu. Riêng bản thân tôi luôn nghĩ tham gia hiến máu cứu người mang tính nhân văn giữa con người với con người, là một công việc thiện nguyện liên quan đến mạng sống của con người. Nên ngày nào sức khỏe còn cho phép và còn trong tuổi được và đủ điều kiện tham gia hiến máu thì tôi vẫn tham gia cho đến ngày cuối cùng. Tôi có ước nguyện, nếu sau này có mất đi thì xin hiến xác cho Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh để nghiên cứu khoa học hay cứu người”.
Theo anh Dư, bản thân anh hay một vài người hiến thì không thể đủ được. Việc này cần sự chung tay, góp sức của cả động đồng. Chính vì vậy, ngoài việc vận động anh em, bạn bè và các bạn trẻ tình nguyện, anh Dư còn vận động những người thân trong gia đình cùng tham gia, thuyết phục họ bằng chính kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân: “Hiến máu giúp sàng lọc máu cũ, sản sinh máu mới, giúp cơ thể khỏe mạnh và quan trọng, hiến máu là góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe cho mọi người, trong đó có cả những người thân yêu của mình. Đặc biệt, hiến máu là cơ hội để mình kiểm tra sức khỏe, được xét nghiệm xem có mắc các bệnh lây truyền như viêm gan A, B, C, ký sinh trùng sốt rét, HIV hay không…”, anh Dư nói.
Trong mỗi chúng ta, dù ở trong hoàn cảnh thế nào, nếu có tấm lòng từ bi, dù công khai hay thầm lặng, đóng góp nhiều hay ít thì đều có điểm chung là mong muốn xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, bớt người nghèo khổ, khó khăn. Bản thân anh Dư cũng thế, mong muốn chung tay vì cộng đồng, tạo sức lan tỏa để mọi người cùng tham gia hiến máu nhân đạo cứu người. Đã từ lâu và đến bây giờ, nhu cầu cần máu cứu người rất cao và khan hiếm. Anh Dư mong muốn mọi người tham gia bởi vì: “Những giọt máu cho đi sẽ thêm những tính mạng con người cần máu được cứu sống và ở lại, và những người khó khăn do không có điều kiện tiếp máu không bị bỏ lại phía sau”.
Tố Như