TĐKT - Sáng 25/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn "Tương lai Chiến lược Ngân hàng số tại Việt Nam", nhằm tạo ra một diễn đàn đa chiều thảo luận về các cơ hội và thách thức tiến tới ngân hàng số hoạt động hiệu quả.
Hưởng ứng việc thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; triển khai việc thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", hệ thống các tổ chức tài chính và ngân hàng tại Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện đồng bộ và toàn diện các biện pháp "chuyển đổi số" hữu hiệu nhằm tận dụng cơ hội thị trường và mở rộng các giải pháp, dịch vụ thuận tiện đối với khách hàng.
Toàn cảnh Diễn đàn
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam và Chủ tịch EY Consulting Việt Nam, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Fintech, Hiệp hội Ngân hàng cho biết: Khảo sát về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng tại Việt Nam cho thấy phần lớn các tổ chức tín dụng tham gia khảo sát có nhận thức về chuyển đổi số. Trong đó, 42% đang xây dựng Chiến lược chuyển đổi số, 28% đã và đang thực hiện triển khai Chiến lược chuyển đổi số tích hợp với Chiến lược kinh doanh, 11% đã phê duyệt và đang triển khai Chiến lược chuyển đổi số riêng. Phần lớn các tổ chức tín dụng tham gia khảo sát không chỉ triển khai đa dạng dịch vụ cho khách hàng trên kênh số mà còn tập trung số hóa các hoạt động nghiệp vụ, vận hành nội bộ. 70% các tổ chức tín dụng có mức độ sẵn sàng triển khai từ mức trung bình trở lên với các công nghệ: Công nghệ thiết bị di động, kết nối dữ liệu mở theo giao diện chương trình ứng dụng, phân tích dữ liệu, chuẩn hóa tin điện theo chuẩn tin điện tài chính quốc tế ISO 20022, công nghệ hỗ trợ khách hàng. Trong đó, phân tích dữ liệu là công nghệ được ứng dụng rộng rãi nhất trong nghiệp vụ tổ chức tín dụng.
Chuyển đổi số tại Việt Nam có thể được tổng kết thành 2 mô hình. Thứ nhất, số hóa toàn ngân hàng: Số hóa kênh phân phối và sản phẩm; tinh giản và tối ưu hóa các quy trình; xây dựng hệ sinh thái đa dạng. Thứ hai, mô hình ngân hàng số chuyên biệt, được thành lập với nhóm khách hàng mới, sản phẩm số hóa hoàn toàn, thương hiệu mới, hệ thống back-end mới.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thùy Dương cũng phân tích một số vướng mắc các ngân hàng tại Việt Nam gặp phải khi thực hiện chuyển đổi số: Phần lớn các ngân hàng không xác định rõ tầm nhìn về số hóa ngân hàng và mối liên hệ với chiến lược kinh doanh của ngân hàng; chưa có khung pháp lý với các ý tưởng về các sản phẩm số hóa hoàn toàn mới, dẫn đến các ngân hàng dè dặt trong việc ra mắt sản phẩm mới; phương thức làm việc theo lối cũ, chưa có tư duy làm việc theo phương pháp Agile; hầu hết các ngân hàng gặp thách thức với các hệ thống hiện tại và vấn đề này cần được giải quyết ở chiến lược công nghệ thông tin.
Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hùng, Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng nêu lên một số hạn chế khi triển khai ngân hàng số tại Việt Nam: Khoảng trống trong hành lang pháp lý đối với phát triển ngân hàng số còn chậm ban hành, mới tập trung cho các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, như về chứng thực chữ ký số, xác định danh tính khách hàng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong dịch vụ tài chính, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng. Khung pháp lý thường đi sau so với sự phát triển công nghệ. Chiến lược đầu tư hạ tầng công nghệ nền tảng tài chính chậm và chưa đồng bộ; tính chia sẻ dữ liệu giữa các lĩnh vực với nhau còn nhiều bất cập. Hạn chế về nguồn lực công nghệ thông tin trong phát triển ngân hàng số; công tác truyền thông và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng (giữa các vùng miền)...
Tại Diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia đã trao đổi thẳng thắn, đa chiều về chính sách thông tin, các tính năng, lợi ích của ngân hàng số mang lại cho doanh nghiệp, đồng thời, đưa ra các giải pháp hỗ trợ mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, các sản phẩm công nghệ tài chính, đảm bảo lợi ích của các ngân hàng.
Phương Thanh