TĐKT - Trong những năm qua bức tranh nông nghiệp, nông thôn và đời sống người nông dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều đổi thay rõ rệt. Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai sâu rộng, góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho hội viên nông dân. Tính đến 30/10/2020, đã có 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 67 xã, chiếm 44,6% tổng số xã toàn tỉnh. Qua đó, vai trò của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh ngày càng được khẳng định, người nông dân phát huy ngày càng rõ nét vai trò chủ thể trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Gặp mặt đầu xuân các lãnh đạo, cán bộ Hội Nông dân tỉnh qua các thời kỳ
Trong năm 2020, dịch bệnh Covid-19 và diễn biến thời tiết khắc nghiệt, cực đoan đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông lâm nghiệp và đời sống của người dân. Song dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các cấp Hội Nông dân với các giải pháp đồng bộ, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo kế hoạch đề ra. Các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm như dịch tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm được khống chế.
Hoạt động nổi bật của Hội Nông dân tỉnh trong năm qua là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Cụ thể, các cấp Hội đã phát động và tổ chức cho hội viên nông dân đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2020. Kết quả đã có 62.269 hộ hội viên đăng ký. Tập trung nguồn lực, vận động cán bộ, hội viên nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông, lâm nghiệp, phòng trừ sâu bệnh; sản xuất hàng hóa theo hướng đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn, cung ứng vật tư phân bón trả chậm, tập huấn khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, “liên kết” theo hình thức kinh tế tập thể hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường, tăng năng suất, chất lượng vật nuôi cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân.
Bước đầu đã hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh, điển hình như: Mô hình trồng lúa nếp 87, tẻ đỏ, nuôi lợn thương phẩm của Hội Nông dân xã Hát Lừu; mô hình nuôi dê ở xã Xà Hồ, xã Bản Công, vùng chuyên canh trồng ngô trên đất nương đồi ở xã Trạm Tấu, Pá Hu, Tà Xi Láng, vùng trồng cây Sơn tra tại các xã Xà Hồ, Bản Công, Bản Mù, Tà Xi Láng, Làng Nhì; các tổ hợp tác chăn nuôi gà địa phương, gà đen... (huyện Trạm Tấu); Mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Nghĩa Lợi; mô hình chăn nuôi thủy sản xã Phù Nham; mô hình nuôi dê sinh sản xã Nghĩa Phúc; mô hình trồng ớt ngọt xã Thanh Lương, xã Phù Nham; mô hình trồng nấm rơm phường Tân An... (thị xã Nghĩa Lộ).
Cùng với đó, đã xuất hiện nhiều mô hình, tấm gương nông dân nghèo vươn lên làm giàu. Điển hình như gia đình ông: Thào A Chú, bản Pú Nhu Háng Sung với mô hình chăn nuôi vịt đẻ trứng; Chang Thị Ca, bản Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông với mô hình chăn nuôi gà đen địa phương, gà đẻ trứng; Sùng Chứ Cớ, bản Pú Cang, xã Nậm Khắt với mô hình chế biến chè Shan tuyết; mô hình nuôi lợn của hội viên Nguyễn Hữu Dũng ở thị trấn Mù Cang Chải...; mô hình nuôi dê của hội viên Mùa A Câu ở xã Mồ Dề, mô hình nuôi ong của hội viên Hảng A Lẩu ở xã Dế Xu Phình; mô hình nuôi trâu bò của hội viên Vừ A Tủa ở xã Hồ Bốn… (huyện Mù Cang Chải); hộ hội viên Dương Thị Lan - xã Tân Lập tiêu biểu, sáng tạo, đột phá trong sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình sản xuất - kinh doanh tổng hợp; mô hình trồng cây cam Vinh của hộ Hoàng Trọng Sắc - xã Mường Lai, nuôi thỏ thương phẩm của hộ Nông Đức Ái tại xã Mường Lai; ông Quốc Việt Hùng ở xã Khánh Thiện; mô hình nuôi gà thương phẩm sạch của hộ Mông Văn Sư, thôn Bến Muỗm, xã Vĩnh Lạc, mô hình nuôi vịt bầu của ông Lý Phương Nhẫn, xã Lâm Thượng… (huyện Lục Yên).
Đồng chí Giàng A Câu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình trồng cây lá khôi tại huyện Yên Bình
Tích cực hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động và phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các hộ gia đình chính sách, hộ hội viên gặp thiên tai. Đến nay, các cấp Hội đã vận động quyên góp được 727,87 triệu đồng, 7.094 ngày công, vật tư, con giống hỗ trợ, giúp đỡ 156 hộ nghèo làm nhà và phát triển kinh tế hộ; phối hợp với các ngành, vận động tương trợ, giúp đỡ hộ hội viên nông dân nghèo về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Điển hình như: Hội Nông dân các cơ sở huyện Trấn Yên đã giúp đỡ 112 hộ tổng số tiền 587 triệu đồng, 770 ngày công lao động, hỗ trợ cây con giống trị giá 185 triệu đồng; Hội Nông dân thị xã Nghĩa Lộ đã vận động, giúp đỡ 44 hội viên nông dân thoát nghèo; Hội Nông dân huyện Yên Bình vận động hỗ trợ xóa nhà tạm cho 2 hộ hội viên nông dân...
Với tinh thần cả nước chung tay đẩy lùi bệnh dịch Covid-19, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã trực tiếp và phối hợp quyên góp, ủng hộ trên 900 triệu đồng tiền mặt. Trong đó, cán bộ, công chức tổ chức Hội các cấp ủng hộ tối thiểu 1 ngày lương. Phối hợp vận động quyên góp các nhu yếu phẩm gồm: Trên 135.000 khẩu trang; 2.920 chai nước sát khuẩn; 500 mũ chắn giọt bắn; 500 bánh xà phòng. Vận động quyên góp lương thực, thực phẩm gồm: Trên 6,8 tấn gạo; 3,5 tấn thực phẩm gồm rau củ, thịt, cá…; 235 thùng mỳ tôm; hàng nghìn quả trứng; hàng trăm hộp sữa...
Hội viên nông dân xuống đồng gieo cấy vụ Xuân Hè 2021
Cùng với phát triển kinh tế, các cấp hội đã vận động 96.864 hộ nông dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm cụ thể như tuyên truyền vận động hội viên nông dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nếp sống văn hóa ở nông thôn; tham gia xây dựng gia đình văn hóa, bản làng văn hóa, xã văn hóa, thực hiện và đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Không để truyền đạo trái phép, không để cho con em bỏ học; duy trì hoạt động của các câu lạc bộ. Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức 3 hội nghị tập huấn tuyên truyền xây dựng nông thôn mới năm 2020 cho 180 học viên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chi Hội trưởng Hội Nông dân thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, huyện Trạm Tấu.
Thực hiện Chương trình hành động 190-CTr/TU, ngày 26/11/2019 của Tỉnh ủy Yên Bái về thực hiện Kết luận số 63-KL/TU ngày 18/10/2019 của BCH Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 27 BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2020; Kế hoạch 86-KH/HNDT, ngày 03/01/2020 của Hội Nông dân tỉnh, ngay từ đầu năm, Tỉnh Hội đã ban hành các văn bản, hướng dẫn thực hiện Chương trình hành động 190-CTr/TU; nhất là các chỉ tiêu khó như về thu hút doanh nghiệp/nhà đầu tư, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... Đồng thời chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế cấp huyện tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp/đơn vị hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm chuẩn hóa OCOP; hàng tháng xây dựng báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình hành động 190-CTr/TU theo quy định. Kết quả đã có 10/10 chỉ tiêu được giao theo Chương trình hành động 190 đạt và vượt.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2021, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân các cấp và Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân Việt Nam toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023; vận động nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững...
Thu Phương