TĐKT - Để thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Trung ương Đoàn lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Văn phòng Đề án 844 - Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại 9 tỉnh thành, trong đó Quảng Ninh là địa phương được chọn. Chương trình nằm trong khuôn khổ Hành trình Thanh niên Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020 với chủ đề: “Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và tận dụng thời cơ để bứt phá từ đại dịch”.
Sinh viên trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh trình bày ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tại sự kiện Techfest 2019 tổ chức tại Quảng Ninh
Hội nghị lần này kết nối khởi nghiệp, đào tạo cho đoàn viên thanh niên, startup về khởi nghiệp ĐMST, tham quan mô hình khởi nghiệp thành công tại địa phương. Tại Hội nghị kết nối, các chuyên gia, các chủ doanh nghiệp, các bạn startup đã trao đổi, tư vấn, nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của địa phương.
Theo báo cáo của đại diện địa phương trong Hội nghị, giai đoạn 2016 - 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Bức tranh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã thật sự khởi sắc trong mọi lĩnh vực như tài chính, du lịch, nông nghiệp, giáo dục, logistics và hàng loạt các lĩnh vực khác có liên quan đến công nghệ. Trong đó, với lợi thế về đất đai, khí hậu và điều kiện tự nhiên thuận lợi, số lượng các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp nông nghiệp vượt trội hẳn sao với những lĩnh vực khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây những ảnh hưởng đến tình hình kinh tế nói chung và đặc biệt là lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp đã gặp ít nhiều những khó khăn.
Khởi nghiệp là một trong những đột phá quan trọng, thúc đẩy tiềm năng doanh nhân trẻ sáng tạo lập nghiệp và làm giàu cho chính mình, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 2 năm trở lại đây có nhiều khởi sắc. Nhiều hoạt động khởi nghiệp đi vào chiều sâu, làm nền tảng cho những năm tiếp theo. Cùng với ban hành các chính sách hỗ trợ; tổ chức các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, là sự ra đời của các CLB khởi nghiệp ở nhiều địa phương, đơn vị. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ra đời 1 CLB Đầu tư khởi nghiệp Quảng Ninh và 10 CLB khởi nghiệp tại 10/14 địa phương trong tỉnh, với gần 400 thành viên.
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, như Trường Đại học Hạ Long cũng thành lập CLB sinh viên sáng tạo khởi nghiệp; Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở 2) thành lập CLB khởi nghiệp của sinh viên với 15 thành viên ban đầu, nhằm tổ chức một số hoạt động thúc đẩy sinh viên hình thành các ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và làm cầu nối giữa nhà trường với các nhóm sinh viên có dự án khởi nghiệp cần sự hỗ trợ hoặc tư vấn. Việc ra đời các CLB bước đầu đã trở thành địa chỉ, mái nhà chung cho các đoàn viên, thanh niên, doanh nhân trẻ cùng niềm đam mê, khát vọng khởi nghiệp có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và chia sẻ để thực hiện ước mơ.
Ngày hội ĐMST Quảng Ninh đã thu hút được đông đảo các thành phần trong Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tại đây, các chuyên gia, các chủ doanh nghiệp, các nhà khởi nghiệp đã trao đổi, tư vấn, nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của địa phương. Hội nghị đã hỗ trợ các startup mở rộng mạng lưới kết nối của mình và đồng thời cũng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ chuyên gia với các phiên chuyên đề tập trung vào thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp thông minh. Các nhóm vấn đề chính tại hội nghị được thiết kế xoay quanh các chủ đề: Thủy, hải sản, nông - lâm nghiệp và nông nghiệp kết hợp với du lịch, logistic.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo chuyên gia, công nghệ Blockchain là chìa khóa để phát triển nông nghiệp Quảng Ninh đặc biệt là lĩnh vực thủy sản - ngành mà Quảng Ninh có thế mạnh. Ứng dụng dễ thấy nhất của Blockchain chính là tiền điện tử, tuy nhiên đấy chỉ là một trong các ứng dụng của Blockchain. Điều làm cho Blockchain trở nên độc đáo là dữ liệu được lưu trữ trên các mạng Blockchain là minh bạch và không thể phá hủy. Theo định nghĩa nó là công khai và dữ liệu một khi được lưu trữ không thể bị hỏng bằng cách thay đổi bất kỳ thông tin nào trên Blockchain. Chính đặc tính này cùng với đồng tiền điện tử đã mở ra nhiều ứng dụng cho ngành nông nghiệp: Truy xuất nguồn gốc, hợp đồng thông minh, giảm thiểu các khâu trung gian, kích thích sản xuất sạch…
Trước yêu cầu đưa thành tựu công nghệ vào nông nghiệp trong thời đại 4.0, việc áp dụng Blockchain được đặt nhiều kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích và sự phát triển bền vững cho các bên trong chuỗi nông nghiệp, đặc biệt ở tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc.
Chuyên gia khác lại cho rằng chuyển đổi số nên là một mục tiêu quan trọng của tỉnh nhằm năng cao giá trị thặng dư và năng suất lao động. Khi chuyển đổi số, doanh nghiệp cần tiếp cận công nghệ, thông tin, chuyên môn, lời khuyên, cố vấn, các nguồn lực và hỗ trợ khá. Cần lưu ý về khả năng quản lý, hoạch định chiến lược, giúp chủ doanh nghiệp định hình cảm nhận được cơ hội, mức độ rủi ro...
Nội dung cơ bản của chương trình chuyển đổi số phải là xây dựng nền tảng dữ liệu du lịch và hệ thống công nghệ số để tự động hóa các quy trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch, quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh an toàn trong quá trình phục vụ khách du lịch, nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ, tăng năng suất lao động, mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp.
Trong đó, hệ thống dữ liệu lớn của doanh nghiệp được xây dựng, bao gồm cơ sở dữ liệu khách hàng và cơ sở dữ liệu sản phẩm, dịch vụ. Dựa trên nền tảng dữ liệu, doanh nghiệp lựa chọn ứng dụng các công nghệ số phù hợp để từng bước xây dựng các chương trình điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ số cần được đẩy mạnh áp dụng trong xây dựng hệ thống marketing số để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm trong đó có các sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài những phiên tọa đàm cùng các khách mời được xây dựng với nội dung chuyên sâu, phù hợp với đặc thù riêng của từng địa phương của Quảng Ninh, đã diễn ra kết hợp các buổi tham quan mô hình khởi nghiệp tại địa phương cùng với sự tham gia của các lãnh đạo địa phương với mục tiêu lắng nghe những khó khăn và giúp đỡ startup nông nghiệp còn non trẻ, giúp họ tập huấn nâng cao năng lực quản trị và làm kinh tế.
Năng lực tài chính là yếu tố sống còn với bất cứ doanh nghiệp nào. Ngày Hội tổ chức một không gian riêng dành cho các nhà đầu tư và startup có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu nhau, những màn pitching của founders, CEO của các dự án nông nghiệp gọi vốn trực tiếp với các “Shark” là những nhà đầu tư tiềm năng, sẵn sàng đồng hành cùng các dự án chất lượng cao. Thời gian qua, những màn gọi vốn từ các startup thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghệ chiếm đa số, cơ hội dành cho các startup nông nghiệp tiếp cận với các nhà đầu tư còn khá khiêm tốn. Đây là sân chơi cho các startup thực sự có tiềm năng để cọ xát và thử thách, chứng minh tiềm năng của startup.
Ngày hội khởi nghiệp ĐMST như một cú hích đối với hoạt động khởi nghiệp của Quảng Ninh mang lại giá trị cho các startup, đặc biệt trong đó phải kể đến việc các nhà khởi nghiệp trẻ được gặp gỡ, học hỏi, đào tạo và tham khảo góp ý từ các chuyên gia từ Hội nghị.
La Giang