TĐKT - Sau khi hoàn thành vai trò của một người lính, một bác sĩ quân y tham gia hai cuộc kháng chiến và tham gia chiến trường biên giới Tây Nam, ông Đặng Tường Khâm (Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, xã Phú Hòa, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) bắt tay làm nông nghiệp. Bén duyên với vùng đất núi đá lửa của huyện Định Quán - Đồng Nai từ năm 2005, trong quá trình nghiên cứu, nhận thấy cây ca cao phù hợp và có nhiều lợi thế để phát triển, ông đã mạnh dạn đầu tư 80 tỷ đồng vào lĩnh vực này.
Ông Đặng Tường Khâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (bên trái) tiếp Trưởng đoàn cán bộ Bộ Nông nghiệp Thái Lan đến học tập kinh nghiệm trồng ca cao
Cây ca cao là cây có giá trị rất lớn, khi phát hiện cây ca cao người ta đặt tên là Theobroma tức là “Sản phẩm trời ban”. Cây ca cao có tác dụng làm ra thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm. Đặc biệt, cây ca cao được trồng xen canh dưới tán cây điều, là cây công nghiệp chủ lực trên vùng đất Đồng Nai.
Hiện tại tỉnh Đồng Nai có 44.000 ha trồng cây điều. Hạt điều là nguồn xuất khẩu lớn của tỉnh Đồng Nai nhưng người dân trồng điều thì vẫn nghèo trên chính mảnh đất của mình, vì 1 ha điều chỉ thu nhập dưới 30 triệu đồng/năm. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông Đặng Tường Khâm và công ty TNHH Ca cao Trọng Đức đã giúp cho bà con nông dân thoát nghèo bằng việc dám đầu tư hơn 80 tỷ đồng để trồng xen canh cây ca cao trong vườn điều và xây dựng nhà máy chế biến ca cao thành các sản phẩm có giá trị.
Để có tiền đầu tư, ông đã mạnh dạn cầm cố nhà. Suốt 15 năm qua ông không bỏ nông dân trồng cây ca cao một ngày nào, luôn đồng hành cùng nông dân, luôn nghĩ bằng mọi cách để người nông dân được tăng thu nhập từ mảnh vườn của mình. Chính bản thân ông đã từng xóa nợ hơn 3 tỷ đồng cho bà con nông dân trồng ca cao tại huyện Định Quán, Tân Phú… khi giá ca cao thế giới rớt giá, người trồng ca cao thu hoạch trái không đủ trang trải chi phí trồng. Tại thời điểm, đó không một doanh nghiệp nào dám mạo hiểm đầu tư số tiền lớn vào ngành trồng ca cao và chế biến ca cao tại Việt Nam.
Thực hiện phương châm “Lấy dân làm gốc, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức, doanh nghiệp là động lực, ngân hàng đồng hành hỗ trợ”, ông đã điều hành công ty Ca cao Trọng Đức mạnh dạn tạo chuỗi liên kết từ nông dân tới tổ hợp tác, hợp tác xã đến công ty, không có thương lái ở giữa, tạo được thế phát triển bền vững cho cây ca cao trên tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, không lệ thuộc vào giá của các tập đoàn ca cao thế giới. Qua đó, giúp cho công ty tạo được vùng nguyên liệu bền vững, tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ca cao với quy mô diện tích lớn, tạo ra sản lượng nhiều, chất lượng đồng đều, nâng cao năng lực cạnh tranh; giúp doanh nghiệp thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, không bị phá sản vì thiếu nguyên liệu.
Với quyết tâm và mục tiêu, chiến lược kinh doanh khả thi, ngày 13/4/2015, được sự tin tưởng của lãnh đạo tỉnh, công ty Ca cao Trọng Đức nhận Quyết định 865/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai về việc “Phê duyệt Dự án cánh đồng lớn hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ ca cao trên địa bàn các huyện Thống Nhất, Định Quán và Tân Phú, tỉnh Đồng Nai”.
Việc trồng xen cây ca cao trong vườn điều giúp tăng giá trị sản xuất, sử dụng tối ưu diện tích trồng điều. Thu nhập của nông dân trồng điều có xen canh ca cao được nâng lên hơn 100 triệu đồng/ha. Người nông dân không còn lo về việc được mùa mất giá, không sợ nghèo trên mảnh đất của mình. Ông đã góp phần phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai, phát triển ngành ca cao Việt Nam ngày một lớn mạnh, bền vững và xứng tầm thế giới.
Ông là người nghiên cứu ra cây giống ca cao đạt tiêu chuẩn TCVN nên người nông dân khi mua cây giống của công ty Ca cao Trọng Đức sẽ được công ty trực tiếp hướng dẫn và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ca cao hiệu quả, hỗ trợ tham gia sản xuất cây ca cao theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế để đạt được năng suất cao nhất, chất lượng tốt nhất và thu nhập tối đa.
Ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm là điều mà người nông dân rất cần nhưng không có mấy doanh nghiệp có thể thực hiện được, công ty Trọng Đức là doanh nghiệp đi đầu, tiên phong trong toàn tỉnh Đồng Nai. Ông đã chỉ đạo Công ty Trọng Đức ra quyết định chia sẻ lợi nhuận với bà con nông dân, cùng làm giàu trên mảnh đất quê hương mình và đã ký kết hợp đồng bao tiêu ca cao cho bà con với giá 6.200 đồng/kg trái tươi (tại các địa phương khác như Đắk Lắk và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá bao tiêu từ 4.500 đồng cho đến 5.500 đồng). Từ năm 2016 tới nay, ước tính mỗi năm, số tiền công ty phải chi trả tiền trợ giá ca cao cho nông dân lên tới hàng chục tỷ đồng.
Sau khi ổn định được vùng nguyên liệu sản xuất, công ty Trọng Đức đã áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và mạnh dạn đầu tư hơn 50 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, nhập máy móc, thiết bị hiện đại làm ra những sản phẩm tiêu biểu như bột ca cao, socola, rượu vang ca cao…, có hơn 30 sản phẩm các loại. Hiện tại, sản phẩm của công ty được tiêu thụ trên nhiều tỉnh trong nước như Đồng Nai, Lâm Đồng, Kiên Giang, Bến Tre, Bình Phước, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh... Ngoài ra, sản phẩm của công ty cũng được một số nước trên thế giới biết tới và tin dùng như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...
Không chỉ tìm kiếm thị trường bên ngoài, công ty Trọng Đức cũng định hướng phát triển thêm hướng đi mới, hiệu quả là “du lịch trải nghiệm về ca cao”. Du khách sẽ được trực tiếp tham gia trồng, chăm sóc ca cao, chế biến các sản phẩm, thưởng thức các sản phẩm ca cao. Ngoài ra, ông cũng chủ trương liên kết với trường Đại học Công nghệ Đồng Nai nghiên cứu sản phẩm mới nhằm gia tăng giá trị cây ca cao; tiếp cận, hỗ trợ các hoạt động thực tập, nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc tế (thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh.
Công ty Ca cao Trọng Đức đăng ký tham gia chương trình OCOP với sản phẩm tiêu biểu của Công ty và đạt tiêu chuẩn 4 sao. Ngoài ra, công ty tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý - sản xuất - phân phối sản phẩm như: Đầu tư công nghệ 4.0 vào hệ thống sản xuất cây giống và hệ thống sản xuất; đầu tư trang quản lý bán hàng online trên máy tính; mời các chuyên gia đứng đầu ngành từ thực phẩm, socola, mỹ phẩm của Việt Nam, kể cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ để phân tích, tìm hiểu thêm sản phẩm; áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000:2005/TCVN ISO 22000:2007 trong quản lý sản xuất.
Với những kết quả đạt đượcm năm 2018, ông Đặng Tường Khâm vinh dự được đón nhận Bằng khen của Thủ Tướng Chính phủ theo Quyết số 1634/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 đã có thành tích trong việc thực hiện nghị Quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Minh Phương