TĐKT – “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường” – đó chính là triết lý sống, kim chỉ nam dẫn lối cho chàng thanh niên khiếm thị Phạm Anh Tú (sinh năm 1990), nhân viên cơ sở dịch vụ tẩm quất tại Hội Người mù tỉnh Hải Dương, vượt qua tất cả những chông gai của cuộc đời, xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho bản thân. Anh Tú vinh dự được lựa chọn là một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của Hội Người mù Việt nam giai đoạn 2015 – 2020.
Tú sinh ra trong một gia đình có bố là người khiếm thị, vì vậy 3 chị em Tú sinh ra cũng bị di truyền khiếm thị từ bé. Tuổi thơ của Tú lớn lên nhờ con cua, con cá của dòng sông Luộc quê hương.
Những tưởng cuộc sống mãi cứ thế trôi đi, nhưng năm 2005, tròn 15 tuổi, cuộc đời Tú đã thay đổi kể từ khi được Hội Người mù huyện Tứ Kỳ giới thiệu chuyển đến sống và học tập tại Trung tâm phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề của Hội Người mù tỉnh Hải Dương.
Kình ngư Phạm Anh Tú dũng mãnh trên các đường đua xanh (Theo báo Hải Dương)
Ở môi trường mới, được sinh hoạt và học tập cùng các bạn đồng tật, Tú như con cá được trở về sông nước. Sống trong sự yêu thương, dạy dỗ, chỉ bảo của các thầy, các cô, sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ của bạn bè, Tú luôn tự nhủ mình phải nỗ lực, cố gắng trong học tập, rèn luyện để không phụ lòng thầy, cô và các bạn. Vượt qua những khó khăn ấy, sau 7 năm miệt mài học tập, đến năm 2012 Tú đã tốt nghiệp lớp 12.
Với mong muốn nâng cao sức khỏe của bản thân, ngay từ khi vào Trung tâm, Tú đã tích cực tham gia các hoạt động tập luyện thể thao do Hội tổ chức. Có lẽ vì tuổi thơ gắn liền với dòng sông Luộc quê hương mà Tú đã có niềm say mê với môn bơi lội. Tú được Hội cử đi tập bơi ở bể bơi Yết Kiêu thuộc Trung tâm Thể thao dưới nước của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Hải Dương. Tại đây, Tú được các huấn luyện viên của Trung tâm đặc biệt quan tâm bồi dưỡng. Với năng khiếu bẩm sinh cùng với sự cố gắng, kiên trì tập luyện, dưới sự chỉ bảo tận tình, trách nhiệm của các huấn luyện viên, Tú ngày càng tiến bộ và được lựa chọn tham gia thi đấu tại các giải thể thao dành cho người khuyết tật.
Với người lành lặn, luyện tập thể dục thể thao đã khó, với người khuyết đi đôi mắt như Tú khó khăn gấp bội phần. Tú tâm sự : ‘‘Không nhìn thấy đường bơi nên Tú tập bơi ở làn trong cùng của bể. Ngày đó cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa có phao phân làn, các huấn luyện viên phải dùng dây cước để phân làn bể bơi đã khiến tôi nhiều lần bị cọ vai, cánh tay và đụng đầu vào thành bể. Vết thương nhỏ nhưng rất xót, có khi chảy máu. Sau mỗi ngày tập luyện, tôi phải dán băng, chưa kịp lành thì hôm sau lại tập và thêm những vết thương mới. Có khi đến hết giải đấu những vết xước mới lành.’’
Vượt qua những thử thách ấy, liên tục từ năm 2007 đến nay, Tú luôn có mặt trong đội tuyển bơi của đoàn vận động viên người khuyết tật tỉnh Hải Dương tham dự các Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc.
Vào các năm 2013, 2015 và 2017 sau khi đạt thành tích cao ở giải quốc gia, Tú được lựa chọn vào đội tuyển bơi quốc gia tham gia thi đấu giải thể thao dành cho người khuyết tật khu vực Đông Nam Á (Paragames). Đặc biệt, năm 2015, tại Đại hội Thể thao dành cho người khuyết tật khu vực Đông Nam Á được tổ chức tại Singapore, Tú đã giành 3 Huy chương Vàng ở các cự ly 50m, 100m và 400m bơi tự do; 1 Huy chương Đồng cự li 100m bơi ếch.
Tính đến nay, Tú đã có 13 lần tham dự Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc; ba lần tham gia thi đấu giải thể thao dành cho người khuyết tật khu vực Đông Nam Á, giành được tổng cộng 26 Huy chương Vàng; 5 Huy chương Bạc và 4 Huy chương Đồng.
Năm 2017, Tú đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Tú phấn khởi chia sẻ: Với một người mù bẩm sinh trong một gia đình nghèo khó như tôi, đó là một phần thưởng đặc biệt ý nghĩa trong cuộc đời.
Ngoài thời gian tập luyện và tham gia các giải thể thao, Tú vẫn tích cực học tập nâng cao kỹ năng thực hành nghề tẩm quất cổ truyền, để phục vụ khách đến làm dịch vụ tẩm quất tại cơ sở ngày càng tốt hơn, được khách hàng tín nhiệm và đánh giá cao. Hiện Tú là một nhân viên uy tín tại cơ sở dịch vụ tẩm quất Hội Người mù tỉnh Hải Dương. Được biết, hiện nay, Tú đã có một người vợ đồng tật tảo tần, hết mực yêu thương và một cậu con trai kháu khỉnh, cuộc sống gia đình thật viên mãn.
Bản thân Tú luôn chấp hành tốt nội quy, quy chế của cơ quan; có trách nhiệm cao với nhiệm vụ được giao, có tinh thần giúp đỡ người đồng tật và có lối sống lành mạnh, đúng mực với mọi người, được mọi người tin yêu.
Đó là kết quả xứng đáng dành cho sự nỗ lực cố gắng không biết mệt mỏi, vươn lên trong mọi hoàn cảnh của chàng trai khiếm thị Phạm Anh Tú.
Hưng Vũ