TĐKT - Ngôi trường thân thiện, khang trang, sạch đẹp từ cổng trường cho đến phòng học và nói không với dạy thêm, học thêm, đấy là cảm nhận và ấn tượng đầu tiên khi đến với trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội).
Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã triển khai mô hình học hạnh phúc cũng đã khá lâu rồi, với mục tiêu an toàn, yêu thương, tôn trọng và trường học hạnh phúc là trường học thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền lợi cho học sinh. Theo đó, việc xây dựng, kiến tạo mô hình trường học hạnh phúc phải được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện mục tiêu, lý tưởng và là một điểm nhấn trong triết lý giáo dục hiện đại mà các nhà trường phải không ngừng nỗ lực thực hiện.
Đối với nhà trường, trường học hạnh phúc là trường học thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người học. Khi con người có hạnh phúc, cảm xúc được thăng hoa, sẽ tạo động lực tinh thần để người học không ngừng nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức nhân loại, để khẳng định mình và có những cống hiến lớn lao cho xã hội.
Hiệu trưởng trường Phan Đình Giót cô Nguyễn Thị Kim Ngọc phát quà cho các em học sinh tại lớp học
Để mô hình trường học hạnh phúc không dừng lại ở khẩu hiệu, phong trào nhất thời, người học cần có được niềm vui, niềm hân hoan, hạnh phúc mỗi khi đến trường, những người có trách nhiệm như cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo phải trao đi những yêu thương bằng những hành động cụ thể; biết quan tâm đến hoàn cảnh của mỗi em; nắm bắt được tâm lí, năng lực, sở trường của người học để có biện pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả nhất.
Trường học hạnh phúc là khi mỗi học sinh cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương tỏa ra từ thầy cô, bạn bè với niềm vui được nhân lên và nỗi buồn được san sẻ. Hạnh phúc với người học đôi khi rất giản dị, một lời hỏi thăm, nhắn nhủ, động viên; một lời phê, nhận xét chính xác, chân tình; một giờ giảng hay, hấp dẫn; một phong cách giản dị, trong sáng, mực thước với trí tuệ uyên bác của thầy cô đều để lại những ấn tượng, hình ảnh đẹp sẽ theo người học suốt cuộc đời. Hạnh phúc còn là khi nỗ lực, cố gắng của người học được đền đáp, ghi nhận qua những điểm số chính xác, bằng những phần thưởng nho nhỏ động viên; là sự chân thành, hồn nhiên, trong sáng của tình bạn; là những vấn vương, rung động đầu đời của tuổi mới lớn; là khung cảnh nên thơ, trữ tình của hàng cây, ghế đá,… Những hành động đẹp, lời nói đẹp, cảnh quan đẹp của thầy cô, bè bạn, mái trường đều góp phần dệt nên xúc cảm hạnh phúc, hân hoan trong trái tim, suy nghĩ tuổi học trò.
Khi con người cảm thấy được hạnh phúc, được quan tâm, yêu thương; thấy trường học thực sự là nơi hữu ích, sẽ tạo cho họ sự phấn chấn, mê say trong học tập, nghiên cứu khoa học để trở thành người hữu ích cho xã hội. Vì thế có thể nói trường học hạnh phúc là nền tảng, bệ đỡ tinh thần để những ý tưởng, mục tiêu giáo dục, đào tạo được thực thi một cách hiệu quả, ý nghĩa nhất. Trong ngôi trường hạnh phúc đó, tất cả mọi thành viên đều phải thấy hạnh phúc.
Hiệu trưởng là người khởi nguồn và tổ chức, kiến tạo; ngược lại, sự thành công và hạnh phúc của học sinh, của giáo viên lại là thành công và niềm vui của Hiệu trưởng. Bản thân cô Ngọc hiệu trưởng nhà trường tâm đắc với câu nói “Người giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”. Trong một khía cạnh nào đó, người giáo viên sẽ thấy mình hạnh phúc khi được trân trọng, khi mọi người thấy được thành quả mà mình gieo trồng, thấy được những giá trị của công việc mình đã làm. Mỗi thành công nho nhỏ mà hàng ngày người giáo viên có được từ những bài dạy, từ những hoạt động giáo dục là một niềm vui, niềm hạnh phúc thổi bùng lên ngọn lửa yêu nghề. Song niềm vui đó càng được nhân lên khi nó được mọi người biết đến và trân trọng.
Để đạt mục tiêu này, trường tiểu học Phan Đình Giót đã chú trọng việc phát hiện, tôn vinh và biểu dương khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong mọi hoạt động giáo dục.
Các em học sinh trường tiểu học Phan Đình Giót trong giờ học
Cô Ngọc cũng nhấn mạnh, để việc khen thưởng trở thành động lực, thành niềm vui, niềm tự hào của mỗi người giáo viên, việc phát hiện, tôn vinh, biểu dương khen thưởng được nhà trường đặc biệt chú ý trong từng tháng, từng hoạt động. Hàng tháng nhà trường luôn luôn chọn ra những cá nhân tiêu biểu để tuyên dương, khen thưởng kịp thời.
Cùng với đó, trong từng phong trào thi đua, nhà trường đều quy định các tiêu chí và mức khen thưởng, chính vì vậy các thành viên trong hội đồng sư phạm luôn tích cực hưởng ứng, tạo thành các đợt thi đua gối sóng liên tục trong năm. Không chỉ có giáo viên mà học sinh của các lớp cũng rất tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua. Trước mỗi một cuộc vận động, một phong trào, các em đều rất có ý thức tham gia và mong muốn được khen thưởng, chính vì vậy các em rất hào hứng. Đôi khi phần thưởng không lớn nhưng lại có giá trị tinh thần rất cao, các em hào hứng, tự tin, thích được khẳng định mình, thích được mọi người công nhận... Trong thời gian qua, nhà trường đã gặt hái được nhiều thành công trong các hoạt động và các phong trào thi đua.
Với những nỗ lực của ban lãnh đạo nhà trường, giáo viên, học sinh, đội ngũ nhà trường đều là những bông hoa đẹp trong vườn hoa việc tốt, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là những tấm gương có sức lan tỏa trong cộng đồng giáo viên, thúc đẩy phong trào thi đua hai tốt, đồng thời còn có sức lan tỏa đến xã hội, đến phụ huynh và đặc biệt là các em học sinh. Tất cả đều cảm nhận được niềm vui khi đến trường, cả giáo viên và học sinh đều hạnh phúc, vui vẻ, tạo hứng thú cho hoạt động dạy và học, phát huy tính sáng tạo từ đó góp phần nâng cao hiệu quả làm việc.
Hồng Thiết