TĐKT - Là người nặng lòng với công tác trẻ em, bà Lê Thị Phiến, Trưởng Phòng Trẻ em - Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp không chỉ thường xuyên nghiên cứu, tham mưu đề xuất những sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong công tác phối hợp triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Bà còn luôn đồng cảm, ân cần chia sẻ; sẵn sàng tìm mọi nguồn lực trong khả năng nhiệm vụ để kết nối cung cấp các dịch vụ cần thiết nhất đến gia đình trẻ em cần trợ giúp.
Là Trưởng Phòng Trẻ em - Bình đẳng giới, những năm qua, bà đã tham mưu thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em và bình đẳng giới.
Đặc biệt, bà chú trọng việc tham mưu trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức thù lao và giao nhiệm vụ cho nhân viên y tế khóm, ấp kiêm nhiệm quản lý, bảo vệ chăm sóc trẻ em, mỗi khóm ấp 2 người; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định kiện toàn Ban Điều hành Bảo vệ trẻ em cấp tỉnh và chỉ đạo đồng bộ cấp huyện, cấp xã kiện toàn, thành lập mới Ban Điều hành cấp huyện và Ban Bảo vệ trẻ em cấp xã; triển khai Luật trẻ em. Các chương trình, kế hoạch, mô hình, dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em lan tỏa rộng khắp, các dịch vụ cung cấp hỗ trợ cho trẻ em được xã hội hóa, thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng xã hội.
Bà đã phối hợp phát triển tốt dịch vụ bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp góp phần giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong tỉnh nhận được sự trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển đạt trên 93% theo kế hoạch.
Các vụ việc vi phạm quyền trẻ em được quan tâm, sớm phát hiện và kịp thời can thiệp xử lý. Các quyền cơ bản của trẻ em được tôn trọng và đáp ứng. Số trường hợp trẻ em bị xâm hại thân thể, nhân phẩm có chiều hướng giảm.
Bà đã tham mưu thực hiện chức năng, nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban Điều hành Bảo vệ trẻ em của tỉnh; phối hợp triển khai tăng cường công tác phòng ngừa, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ không an toàn cho trẻ em và giám sát hệ thống bảo vệ trẻ em các cấp hoạt động ngày càng hiệu quả. Tiếp tục duy trì phát huy hiệu quả dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em” và “Hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng” do Unicef hỗ trợ tại 33 xã, phường thuộc huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh; tiếp nhận dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững về phòng, chống đuối nước cho trẻ em” thực hiện tại 15 xã thuộc huyện Tam Nông, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành.
Bà Lê Thị Phiến đang chia sẻ tại Hội nghị tập huấn về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành giáo dục Đồng Tháp năm 2020
Thời gian qua, bà đã tham mưu tập trung nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác truyền thông về bảo vệ trẻ em tận khóm ấp với nhiều hình thức như thiết kế mẫu “Áp phích hình ảnh và thông điệp về bảo vệ trẻ em” phát rong truyền thông tư vấn nhóm cho gia đình và trẻ em ở cộng đồng, trường học, mang ý nghĩa giúp mọi thành viên trong gia đình nâng cao trách nhiệm bảo vệ trẻ em, luôn chú ý quan tâm đến trẻ em hơn.
Hàng năm, bà đều có những giải pháp tuyên truyền nâng cao trách nhiệm phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trong toàn tỉnh, điển hình như: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức “Hội nghị trực tuyến chuyên đề về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em” và phát thanh trực tiếp trên hệ thống loa đến khóm, ấp cộng đồng dân cư, tuyên truyền các giải pháp tác động trực tiếp đến các ngành, các cấp trong hệ thống bảo vệ trẻ em; tổ chức 126 lớp tập huấn về pháp luật bảo vệ trẻ em và kiến thức phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em cho cha mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ với trên 6.300 người tham gia; truyền thông tư vấn trực tiếp cho 17.987 hộ gia đình và tổ chức 198 buổi sinh hoạt chuyên đề; truyền thông dưới cờ cho trên 12.000 học sinh tại 48 trường tiểu học, trung học cơ sở và tổ chức Hội thi “Về kỹ năng an toàn trong môi trường nước” với hình thức trực tuyến, từ đường link có 16.773 học sinh tham gia.
Thông qua các hoạt động từ dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em”, bà đã tham mưu triển khai lồng ghép áp dụng trong phạm vi toàn tỉnh các hoạt động điển hình như: Xin chủ trương Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với các sở, ngành tổ chức Lễ phát động phòng, chống đuối nước trẻ em cấp tỉnh, huy động 1.100 đại biểu học sinh và công chức, viên chức ngành tỉnh, huyện tham dự. Chương trình nội dung buổi lễ được truyền thanh trực tiếp trên hệ thống loa đến khóm, ấp, tạo được sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cha mẹ và người chăm sóc trẻ em, của cộng đồng, của chính quyền, đoàn thể các cấp về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.
Tổ chức 123 lớp dạy bơi có 2.460 em biết bơi, 120 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho 6.000 học sinh các trường tiểu học và trung học cơ sở; 30 lớp tập huấn cho 978 gia đình, người chăm sóc trẻ em dưới 5 tuổi về biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em nhằm hạn chế các yếu tố nguy cơ gây đuối nước trẻ em tại gia đình, cộng đồng. Hiệu quả mang lại không còn tình trạng trẻ em sau giờ học rủ nhau đến chơi gần môi trường không an toàn, giúp người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc phòng ngừa đuối nước ở trẻ em dưới 6 tuổi, góp phần giảm số trẻ em dưới 6 tuổi bị đuối nước xuống 47%, góp phần giảm 24 trẻ em bị đuối nước qua các năm trong giai đoạn.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bà luôn luôn đồng cảm, ân cần chia sẻ, cảm thông với hoàn cảnh gia đình vấn đề của trẻ em; sẵn sàng tìm mọi nguồn lực trong khả năng nhiệm vụ để kết nối cung cấp các dịch vụ cần thiết nhất đến gia đình, trẻ em cần trợ giúp; thường xuyên nghiên cứu, tham mưu đề xuất những sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong công tác phối hợp triển khai, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ chăm sóc trẻ em hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch.
Ngoài tham mưu triển khai các nhiệm vụ chuyên môn, bà luôn học tập thông qua các lớp tập huấn kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, từ các tỉnh bạn để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; điều hành, phân công giao việc luôn công tâm, khách quan và sắp xếp công việc khoa học; luôn nêu gương, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống giản dị, thân thiện, gần gũi với mọi người.
Những sáng kiến, tham mưu đề xuất của bà về nhiều giải pháp áp dụng trong lĩnh vực phụ trách đã thu hút được sự phối hợp tích cực của các ngành, các cấp, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần hoàn thành nhiệm vụ đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm của đơn vị. Đồng thời, bà luôn kêu gọi, khuyến khích, động viên đồng nghiệp, cá nhân, tập thể tích cực đăng ký tham gia các phong trào thi đua của ngành phát động và luôn gắn với nhiệm vụ chuyên môn nhằm giúp cho công chức, viên chức trong phòng phát huy tính năng động, sáng tạo nhằm tạo khí thế sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực của ngành.
Bà là một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 – 2020 của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội.
Mai Thảo