TĐKT - Lựa chọn mô hình trồng cây ăn quả, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, ông Lê Văn Đông, ấp Long Trị (xã Bàng Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đang tạo được nguồn thu nhập cao, ổn định và từng bước vươn lên trở thành hộ giàu.
Gia đình ông Đông có 10.000 m2 đất, trước đây ông trồng các loại cây có múi. Nhưng theo ông Đông, do giá cả bấp bênh, thu nhập không cao, công lao động lại vất vả. Nhưng với bản chất chăm chỉ, cần cù, chịu thương, chịu khó, ông quyết tâm tìm ra hướng đi mới cho vườn cây của gia đình.
Năm 2003, sau khi tự tìm hiểu nhiều thông tin, ông Đông đã chuyển đổi sang trồng sầu riêng và cây sú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.
Thời gian đầu khi trồng, 2 loại cây này còn nhỏ nên ông trồng xen cây ngắn ngày để có thu nhập chờ cây chủ lực. Sau 4 năm trồng, vườn cây nhà ông bắt đầu cho trái ổn định, doanh thu khoảng 150 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên theo ông Đông, mặc dù có lợi nhuận nhưng chi phí chăm sóc, phân bón, thuốc phòng ngừa sâu bệnh khá cao khiến ông cũng gặp nhiều khó khăn.
Đến năm 2008, sau những buổi tham gia lớp tập huấn do Sở Khoa học và Công nghệ của tỉnh Tiền Giang phối hợp với địa phương tổ chức, ông Đông học tập được nhiều kiến thức, phương pháp áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật với quy trình sản xuất mới.
“Chúng tôi được hướng dẫn sản xuất cây ăn quả theo trình Globalgap. Tham gia lớp học, tôi được hướng dẫn các phương pháp tỉa cành, tạo tán, bón phân, xịt thuốc, đến bao trái, bảo vệ môi trường để tạo ra được những sản phẩm sạch và an toàn”.- Ông Đông chia sẻ.
Nhờ áp dụng những kiến thức được học, sản phẩm từ vườn cây của gia đình ông được tiêu thụ trong và ngoài nước, xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó thu nhập gia đình ông được cải thiện. Thu nhập từ 220 – 300 triệu đồng/năm.
Với những thành công bước đầu đó, năm 2013, ông Đông đã nắm bắt thị hiếu thị trường và quyết định thay đổi 2 loại cây chủ lực và chuyển sang trồng dừa và mít siêu sớm.
Đến nay, vườn cây ăn quả của ông Đông rất đa dạng. 2 loại cây mới đang phát triển tốt và cho thu hoạch. Do tìm tòi, học hỏi và nắm chắc kỹ thuật, quy trình chăm sóc nên cây ăn quả của gia đình ông ngày càng phát triển, ít bị sâu bệnh. Hiện tại thu nhập bình quân mỗi năm từ vườn cây ăn trái của ông đạt trên 300 triệu đồng.
Đặc biệt, trong đợt hạn mặn kỷ lục của đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, ông đã tìm phương án mới cho vườn cây của gia đình với việc đặt số lượng bưởi long núm, là một trong những loại cây chịu hạn, mặn tốt, trồng xen cùng những cây ảnh hưởng do hạn mặn.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình trồng cây ăn quả, ông Đông luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ về kỹ thuật, cây giống… để bà con trong thôn có điều kiện phát triển kinh tế.
Ông còn là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã, là một cán bộ luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới.
Trong những năm qua, ông Đông cùng gia đình đã xây dựng cây cầu Phước Lộc trị giá 110 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn phối hợp với chính quyền địa phương vận động xây dựng 3 căn nhà tình nghĩa, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng và hàng trăm phần quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, cũng như hỗ trợ về vốn và cây giống.
Với những đóng góp tích cực mình, ông Đông đã được các cấp khen thưởng. Riêng năm 2019, ông Lê Văn Đông vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Tùng Chi