TĐKT - Năm 2011, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh Đắk Lắk đã thuyết phục, kêu gọi các nữ doanh nhân cùng hợp tác đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái - văn hóa - cộng đồng Kotam tại xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột. Điều đáng nói, không chỉ chú trọng hoạt động sản xuất, kinh doanh, Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh và Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Kotam đã có nhiều hoạt động thiện nguyện, đóng góp cho công tác an sinh xã hội. Công ty và câu lạc bộ đã tạo việc làm ổn định cho 79 lao động địa phương, trong đó có 75% là người đồng bào dân tộc thiểu số và tạo việc làm thời vụ cho khoảng 100 người.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh
Mang một nét đẹp đậm chất núi rừng Tây Nguyên, cùng với sự kết hợp hài hòa của cả một hệ sinh thái đa dạng giữa cỏ cây hoa lá và những bến nước nhân tạo trong vắt, khu du lịch Kotam nay đã trở thành một điểm đến thú vị, thu hút rất nhiều khách du lịch khi đặt chân đến mảnh đất đầy nắng gió này.
Ít ai biết được, nhiều năm trước đây, khu vực này chỉ toàn là nương rẫy, triền đồi hoang vắng. Chủ rẫy là những hộ nông dân nghèo thuộc 3 buôn Kotam, Krông A, Krông B của đồng bào Ê Đê xã Ea Tu, đời sống còn nhiều khó khăn.
Dự án xây dựng Trung tâm du lịch sinh thái - văn hóa - cộng đồng Kotam ra đời từ tâm nguyện của Chủ tịch CLB Nữ doanh nghiệp Đắk Lắk Nguyễn Thị Ngọc Anh, với mong muốn tạo một mô hình kinh tế có thể giúp nhiều người xóa nghèo bền vững. Công ty cổ phần Du lịch cộng đồng Kotam được thành lập từ đó, do chính chị làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Từ chục tỷ đồng vốn góp đầu tiên, Hội đồng quản trị công ty tiến hành việc thỏa thuận mua lại một số nương rẫy của đồng bào với giá cao hơn giá chuyển nhượng đất trên thị trường. Nhận được chính sách ưu đãi đầu tư, cộng với hơn chục héc-ta đất tỉnh cho thuê dài hạn, Kotam nhanh chóng trở thành một quần thể du lịch cảnh quan tươi đẹp, có dịch vụ vui chơi, thể thao giải trí, quảng bá đặc sản.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh cho biết: “Định hướng chung của Kotam là xây dựng một khu du lịch sinh thái - văn hóa - cộng đồng với các mục tiêu cụ thể: Giữ gìn môi trường, góp phần bảo vệ dòng suối đầu nguồn Kotam; góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên; tạo việc làm cho người đồng bào thiểu số; nâng cao giá trị sản phẩm, đặc sản địa phương; nơi gắn kết giao lưu học hỏi giới nữ. Quá trình xây dựng, tổ chức hoạt động, du lịch Kotam luôn kiên định thực hiện 5 mục tiêu này, không vì lợi nhuận hay khó khăn trước mắt mà xem nhẹ mục tiêu nào. Bởi vậy, công ty luôn sử dụng lao động là người đồng bào dân tộc tại chỗ; kiến trúc, xây dựng của khu du lịch đều thân thiện phù hợp với môi trường, hài hòa với không gian sinh thái…”
Kiên định với các mục tiêu này, khu du lịch Kotam ngày càng phát triển bền vững, được nhiều cá nhân, doanh nghiệp đến học hỏi, làm theo. Đến với Kotam, du khách có thể tham gia vào rất nhiều hoạt động vui chơi hấp dẫn như: Chèo thuyền thúng ở hồ cảnh quan, đua voi, xem người Ê Đê, Bana tạc tượng, thả mình trong không gian mộc mạc đậm chất núi rừng Tây Nguyên. Du khách còn được khám phá và tìm hiểu những nét văn hóa của người Ê Đê qua tiếng cồng, tiếng chiêng và những điệu múa truyền thống. Khu vực dãy nhà sàn cũng chính là nơi trưng bày các hình ảnh văn hóa người Ê Đê và là nơi diễn ra nhiều lễ hội đặc trưng như lễ cúng voi, lễ cúng bến nước...
Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (chính giữa) và nhân viên của công ty tại khu du lịch Kotam
Giai đoạn từ năm 2015 - 2019, số khách tham quan du lịch tới Kotam là 1.355.000 lượt khách, riêng năm 2018 - 2019 là 675.000 lượt khách. Công ty đã nộp đầy đủ các loại thuế, không chậm trễ; trong quá trình xây dựng, Công ty không xin hoàn thuế. Tổng số thuế đã nộp trong 5 năm là hơn 4,4 tỷ đồng. Công ty tạo việc làm thường xuyên cho 79 người (trong đó 75% là con em đồng bào dân tộc thiểu số, 72% là nữ); lao động thời vụ từ 30 - 100 người tùy theo yêu cầu công việc.
Lương bình quân cho người lao động là 5,8 triệu đồng/tháng, 100% công nhân được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; một năm được trang bị 4 bộ quần áo bảo hộ lao động; 100% công nhân được khám bệnh định kỳ và đi du lịch ngoài tỉnh từ 1 đến 2 lần/năm.
Chị chia sẻ: “Mặc dù doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ (100% cổ đông là nữ), lao động nữ và người đồng bào thiểu số chiếm trên 70%, đối tượng được nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi, nhưng tôi muốn phát huy khả năng, nội lực, để khẳng định vai trò người phụ nữ mới, người đồng bào thiểu số, nên trong quá trình hoạt động không vay, xin, hay hỗ trợ từ bất cứ tổ chức nào.”
Trong 5 năm qua, chị không ngừng đổi mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động ở nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng dịch vụ. Môi trường xanh - sạch - sáng, cảnh quan đẹp, chất lượng sản phẩm dịch vụ đảm bảo là yếu tố quyết định sự phát triển của khu du lịch Kotam.
Kiến trúc của khu du lịch đều thân thiện phù hợp với môi trường, hài hòa với không gian sinh thái
Không chỉ giúp tạo công ăn việc làm, chị còn tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Trong những năm qua, chị đã ủng hộ xây mái ấm tình thương, giúp đỡ những gia đình chính sách tại địa phương xây sửa nhà, nuôi 1 cụ già không có nơi nương tựa suốt đời, với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. Tham gia các tổ chức hội, chị đều ủng hộ nhiệt tình về cả tinh thần và vật chất trị giá hàng tỷ đồng.
Đối với công nhân viên, chị xem người lao động như người nhà, giúp đỡ tận tình, từ việc dạy nghề cho đến việc gia đình, xã hội, đồng thời đã trích cổ phần của bản thân tặng cho cán bộ, nhân viên với giá trị trên 2 tỷ đồng.
Thời gian vừa qua, dù doanh thu của công ty giảm sút do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song chị Ngọc Anh vẫn tích cực đóng góp cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Chị không chỉ quyên góp hỗ trợ gạo cho người nghèo, tặng rau, trái cây sạch được trồng trong vườn của công ty cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch mà còn tích cực vận động các thành viên trong Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk cùng chung tay với công tác này.
Chia sẻ về phương hướng phát triển trong thời gian tới, chị cho biết sẽ tiếp tục xây dựng, đào tạo, củng cố để thực hiện 5 mục tiêu công ty đã đề ra không vì lợi nhuận. Xây dựng phát triển du lịch cộng đồng cho dân cư quanh vùng để phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Phương Thanh