TĐKT - Những năm gần đây, nhờ khai thác tiềm năng kinh tế của vườn và rừng, đời sống của người dân huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là các nông hộ dân tộc thiểu số ngày càng khấm khá lên, không còn phải lo miếng ăn từng bữa… Đó là thành quả từ chương trình hợp tác với Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp và Tư vấn Môi trường (DACE) do anh Trần Văn Hiếu làm giám đốc. Thông qua liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo sinh kế bền vững, anh Hiếu đã mang chuỗi cây gia vị Việt về hồi sinh “vùng đất khát” này.
Nhận thấy tiềm năng của Hà Quảng, anh Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty DACE quyết định đầu tư vào vùng đất này
Lục Khu là tên gọi chung của 12 xã đặc biệt khó khăn sát biên giới huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, là nơi sinh sống của các nhóm dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao… Nơi đây được mệnh danh là “vùng đất khát” do không có bất cứ con sông, dòng suối nào chảy qua. Bên cạnh đó, địa hình chia cắt bởi những dãy núi cao, nhiều hang động khiến cho phần lớn nước mưa bị trôi đi, không thể giữ lại phục vụ sinh hoạt và canh tác. Sản xuất nông nghiệp vì thế phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa tự nhiên và sương sớm. Ngoài ra, điều kiện khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, diễn biến bất thường quanh năm cũng khiến cho những loại cây hoa màu như ngô và lúa không thể phát triển được. Đời sống kinh tế của người dân vì thế rất bấp bênh.
Từ năm 2015 trở lại đây, cuộc sống của đồng bào ở Hà Quảng đã có nhiều chuyển biến tích cực khi trên vùng đất sỏi đá này, những nương ngô đã dần được thay thế bằng nương gừng hữu cơ xanh tốt. Với mô hình liên kết sản xuất – đồng hành hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm của nông hộ, DACE hiện đang được chính quyền địa phương và người dân Hà Quảng ngày càng tin tưởng.
Bà con tại Hà Quảng thử nghiệm trồng gừng
DACE là công ty chuyên sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các nông sản chất lượng cao định hướng hữu cơ tập trung vào các sản phẩm từ gừng, nghệ, ớt. DACE xây dựng giá trị cốt lõi xoay quanh chuỗi giá trị trong nông nghiệp bằng cách: Phát triển các vùng nguyên liệu theo hướng hữu cơ; đầu tư vào nhà máy và xưởng sản xuất, sơ chế, chế biến; xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm theo nhiều kênh…
Anh Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty DACE cho biết: Đất Hà Quảng có lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng cao 1.300m so với mặt nước biển nên gừng ở đây to và thơm ngon hơn các vùng khác. Sản phẩm gừng trồng ở khu vực này đã được gửi đến các chuyên gia của Pháp, họ đánh giá đây là khu vực rất phù hợp, củ gừng tạo nên gia vị và làm đồ uống rất ngon.
Nhận thấy tiềm năng phát triển tại Hà Quảng, anh quyết định đầu tư vào vùng đất này. Không chỉ hỗ trợ gừng giống, công ty của anh còn tập huấn cho nông dân phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ, từ làm đất, bổ luống, che phủ cây giống, ủ phân cung cấp dinh dưỡng cho cây đến cách xử lý cây bị sâu bệnh.
Gừng giống công ty cung cấp có chất lượng tốt, 1 tấn giống có thể thu hoạch được 5 - 6 tấn gừng. Giống gừng trâu không chỉ sinh trưởng tốt mà còn đem lại chất lượng cao: Sợi gừng mềm, vỏ khô và chắc, màu vàng và mùi thơm đặc trưng, đặc biệt là hàm lượng tinh dầu cao.
Một vụ gừng bội thu hứa hẹn mang lại đời sống ấm no cho bà con người dân tộc tại Hà Quảng
Sản phẩm làm ra được DACE bao tiêu với giá cao, trung bình 13.000 đồng/kg. Bình quân mỗi héc ta gừng thu được 400 – 450 triệu đồng, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho bà con. Anh Trương Văn Lần, thôn Ngườm Vài, xã Cải Viên, huyện Hà Quảng cho biết gia đình anh chuyển đổi từ trồng cây ngô sang gừng hữu cơ đã được ba năm, mỗi năm thu về từ 30 – 50 triệu đồng. Với khoản tiền này, anh có thể trang trải cho hai con nhỏ ăn học đầy đủ.
Sản phẩm từ gừng Hà Quảng được DACE chế biến và đưa đi xuất khẩu
Không chỉ tạo sinh kế bền vững cho nông hộ dân tộc thiểu số nghèo tham gia trong chuỗi giá trị cung ứng đầu vào cho doanh nghiệp, với sứ mệnh “mang gia vị Việt Nam chinh phục bàn ăn thế giới”, anh Hiếu đã đưa sản phẩm gừng Hà Quảng xuất khẩu tới các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.
Ngoài ra, nhận thấy điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Lục Khu cũng thích hợp để trồng nghệ cho năng suất và hàm lượng curcumin cao, anh đã hợp tác với bà con nông dân nơi đây phát triển vùng trồng nghệ hữu cơ với diện tích hơn 50 ha.
Sau hơn 5 năm hợp tác với nông dân, làm việc với các chuyên gia nông nghiệp và chính quyền địa phương, DACE hiện đã có vùng trồng 5 loại gia vị khác nhau trên địa bàn Cao Bằng: Gừng, nghệ, ớt, sả và tỏi với tổng diện tích canh tác 300 ha. Mục tiêu đến năm 2025, vùng nguyên liệu của công ty sẽ đạt tổng diện tích 500 ha. Để đạt được mục tiêu này, năm 2018, DACE đã ký kết Biên bản ghi nhớ với chính quyền huyện Hà Quảng để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu trồng gia vị hữu cơ. Thông qua đó, góp phần tăng cường khả năng tham gia và hưởng lợi công bằng từ chuỗi giá trị trong nông nghiệp của các hộ nông dân sản xuất nhỏ và các nhóm yếu thế.
Nguyệt Hà