TĐKT - Từ một xã thuần nông, Tà Mít (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới hiệu quả, diện mạo Tà Mít ngày càng đổi mới, đời sống nhân dân nâng cao, quốc phòng - an ninh đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.
Xã Tà Mít là xã vùng sâu của huyện Tân Uyên, cách trung tâm huyện 60 km, tổng diện tích tự nhiên 10.500,06 ha. Hiện nay xã có 3 bản với 290 hộ, 1.527 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 90,3%, dân tộc Dao 9,7%.
Xã Tà Mít đang thay da đổi thịt từng ngày
Ông Phạm Đức Công, Chủ tịch UBND xã Tà Mít cho biết: Cuối năm 2011, Tà Mít đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thời điểm đó, xã vừa hoàn thành chương trình di dân tái định cư với nhiều khó khăn, qua rà soát xã chỉ đạt 3/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Xác định việc tăng cường phát triển kinh tế là một trong những giải pháp quan trọng góp phần xây dựng thành công nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung phát huy lợi thế vùng lòng hồ, diện tích đất đồi rộng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thâm canh tăng vụ, nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; tích cực thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng đàn gia súc. Đặc biệt, khuyến khích người dân chủ động, phát huy nội lực, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập.
Đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 39,3%, thu nhập bình quân người/năm là 11,2 triệu đồng. Xã đã chỉ đạo đồng bộ quy hoạch trong sản xuất lương thực, tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất, tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, duy trì và phát triển diện tích lúa, phát triển các mô hình kinh tế nâng cao thu nhập. Cụ thể: Thực hiện đề án quế, đến nay toàn xã trồng được 675 ha quế/176 hộ gia đình. Thực hiện có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thế mạnh tiềm lực của địa phương về nuôi cá lồng với 1.154,7 ha diện tích mặt nước, đến nay toàn xã đã phát triển được hơn 100 lồng cá có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá rô phi, cá tầm... với tổng sản lượng nuôi trồng đạt trên 100 tấn, giá trị đạt trên 5 tỷ đồng.
Cùng với đó, xã đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, chú trọng công tác chăn nuôi, tốc độ tăng đàn gia súc cả năm đạt trên 6%, đàn gia cầm tăng gấp 2 lần so với năm 2016. Đến cuối năm 2018, các chỉ tiêu phát triển kinh tế của xã đều đạt và vượt; thu nhập trung bình đạt 29 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,46%.
Bắt đầu triển khai từ năm 2018, xã Tà Mít được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Lai Châu với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Với nguồn vốn này, xã đã giải ngân cho 11 hộ gia đình tham gia nuôi cá lồng để làm 55 lồng cá và hỗ trợ toàn bộ cá giống, một phần thức ăn.
Mô hình nuôi cá lồng tại Tà Mít phát huy hiệu quả kinh tế
Mới đầu triển khai, xã gặp khó khăn do người dân chưa hưởng ứng, bà con chủ yếu lo sợ dịch bệnh và đầu ra sản phẩm không ổn định. Để người dân tham gia nhiệt tình, xã Tà Mít đã tăng cường cán bộ xuống với dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phân tích cho họ hiểu về nuôi cá lồng, sau đó tuyên truyền, vận động người dân. Mưa dầm thấm lâu, dần dần bà con cũng ủng hộ. Khi người dân tin tưởng, xã Tà Mít đã chủ động phối hợp với Công ty cổ phần Sông Thiên Đức ở tỉnh Bắc Ninh chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn các hộ dân lựa chọn giống, cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Cùng với đó, xã Tà Mít còn tổ chức cho bà con đi tham quan học tập kinh nghiệm nuôi cá lồng ở huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) và huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.
Sau hơn 2 năm triển khai, thấy hiệu quả của mô hình, bà con xã Tà Mít đã nhân rộng diện tích nuôi cũng như số lượng lồng cá. Năm 2019, người dân trong xã đã tự liên kết, hợp tác với nhau thành lập Hợp tác xã Phát triển.
Việc phát triển nuôi cá lồng, đánh bắt thủy sản khu vực lòng hồ thủy điện tại xã Tà Mít đã giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi, 100% người dân thuộc 277 hộ xã Tà Mít trong độ tuổi lao động có việc làm. Từ đó, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ đói nghèo, ổn định cuộc sống cho đồng bào tái định cư. Tính đến nay, xã đã giải quyết việc làm mới cho 24 hộ theo mô hình nuôi cá lồng, với thu nhập trung bình 200 triệu đồng/hộ/năm; 68 hộ nuôi lợn sạch, dê trên các khu rừng ven hồ, tận dụng thức ăn tự nhiên gắn với chủ động thức ăn trồng sắn, chuối, cỏ.
Mô hình chăn nuôi gia cầm của thanh niên xã Tà Mít
Nhờ sự đồng thuận, ý thức vươn lên thoát nghèo của nhân dân; sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của các cấp, các ngành, đến cuối năm 2018 xã Tà Mít được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là niềm vinh dự và niềm tự hào của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã, từ nay đời sống của nhân dân đã ổn định, kết cấu hạ tầng kinh tế được đầu tư xây dựng, nhân dân chú tâm phát triển kinh tế để xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn.
Xác định, xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ, người dân là chủ thể, thời gian tới, xã Tà Mít tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao toàn diện chất lượng các tiêu chí, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khang trang, đáp ứng nhu cầu của đời sống nhân dân.
Phương Thanh