TĐKT - Năm 2020 là một năm có nhiều hoạt động nổi bật và tích cực của ngành Dân số với 6 chương trình lớn thực hiện Nghị quyết 137/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã được phê duyệt và đưa vào triển khai thực hiện. Cùng với đó là những sự kiện và dấu mốc quan trọng của công tác dân số thời gian qua. Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trân trọng điểm lại các nội dung này.
Thứ nhất, Việt Nam đã đạt và liên tục duy trì bền vững mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) trong suốt 14 năm qua. Duy trì mức sinh thay thế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phát triển bền vững của đất nước. Đạt và duy trì bền vững mức sinh thay thế như hiện nay, dân số sẽ ổn định, sẽ góp phần làm giảm một phần mất cân bằng giới tính khi sinh, kéo dài giai đoạn dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số và cải thiện chất lượng dân số góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Việt Nam đã đạt và liên tục duy trì bền vững mức sinh thay thế
Thứ hai, 6 chương trình lớn thực hiện Nghị quyết 137/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã được phê duyệt và đưa vào triển khai thực hiện: Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030; Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030; Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030; Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030; Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030.
Thứ ba, hội thảo về Dân số và phát triển nhân Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm 2020 với chủ đề "Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững". Tại Hội thảo, các chuyên gia và đại biểu các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tổ chức chính trị, xã hội đã có báo cáo tham luận và trao đổi các nội dung trọng tâm về dân số và phát triển. Chủ trì Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn một lần nữa khẳng định: "Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới là dấu mốc quan trọng đánh dấu việc chuyển trọng tâm trong công tác dân số từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Các kết quả của công tác dân số đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của các địa phương và trên khắp cả nước".
Thứ tư, tổng kết 5 năm thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Ngày 27/4/2015, Chính phủ đã ban hành nghị định số 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Qua 5 năm thực hiện, chính sách này được thực hiện có hiệu quả, không những hỗ trợ động viên phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số mà còn giúp người dân thực hiện đúng chính sách dân số.
Thứ năm, ngày 18- 19/11/2020, tại Hà Nội, tổ chức Hội thảo quốc tế về Tăng cường hợp tác giữa các bên nhằm thúc đẩy già hoá năng động và sức khỏe tâm thần người cao tuổi trong ASEAN trong khuôn khổ năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Thứ sáu, ngày 18/12/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - KHHGĐ phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Người di cư với chủ đề "Tiếng nói của người di cư trong đại dịch COVID-19".
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến nhóm đối tượng người di cư. Trong đó, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã chỉ đạo quan tâm, đầu tư đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương trong đó có người di cư.
La Giang