Bà Mai Thị Tuyết chăm chút từng lá thư
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bà Mai Thị Tuyết là xã đội trưởng xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, Nam Định, có nhiệm vụ động viên thanh niên huyện nhà vào Nam chiến đấu. Bà kể rằng những ngày tuyển quân vào chiến trường miền Nam ai cũng hăng hái lên đường. Có người thiếu cân nặng, phải lén bỏ đá vào túi áo để được tuyển. Thế mà khi hòa bình lập lại, những đồng đội do chính tay bà đưa qua vĩ tuyến 17 đã phần nhiều không trở lại. Day dứt, bà đã khắc vào tim lời hứa “Tớ sẽ đi tìm các cậu”.
Từ năm 2004, bà Tuyết bắt đầu đi tìm đồng đội của mình. Khắp các nghĩa trang liệt sĩ ở Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai… đều in dấu ấn của bà. Ở mỗi nơi, bà ghi chép lại từng cái tên và xin danh sách cụ thể từ ban quản trang để làm bằng cứ. Rồi bà đến các trung đoàn, sư đoàn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh để tìm nơi hy sinh của đồng đội mình. Sau đó, bà cẩn thận viết từng lá thư, nêu rõ tên, tuổi, quê quán, đơn vị và nơi hy sinh hoặc nơi an táng của liệt sĩ gửi về cho gia đình. Năm đầu tiên rong ruổi các nghĩa trang, gõ cửa các cơ quan, đơn vị cũng là năm bà phát hiện ra đứa con trai bị ung thư máu. Nỗi đau con trai sẽ không qua khỏi, nỗi đau liệt sĩ hy sinh. Nhưng bà tự an ủi chính mình rằng dù gì con trai bà cũng đã sống mấy mươi năm trong thời bình, thụ hưởng cuộc sống tự do, độc lập trên xương máu lớp người đi trước. Nghĩ thế, bà gắng gượng, bà vừa đi tìm vừa viết thư gửi về cho các gia đình liệt sĩ.
Thấm thoát mà đã 10 năm trôi qua, con số lá thư gửi từ miền Nam ra ngoài Bắc lên đến gần 14.000 thư. Chính tay bà tự soạn sẵn mẫu thư, chuẩn bị các giấy tờ liên quan hướng dẫn các gia đình đi tìm mộ liệt sĩ. Với đồng lương thương binh, bà không đủ tiền gửi thư đến các gia đình liệt sĩ và đi ra miền Bắc để hỗ trợ thân nhân gia đình liệt sĩ. Bà bán thêm trứng vịt lộn, có ngày tròn trăm, có ngày vài chục. Bà Tuyết bảo toàn bộ thu nhập từ quán trứng vịt lộn buổi chiều của bà, bà dành cả cho chi phí in giấy tờ, phong bì, bao thư. Cứ dăm ba ngày đạp xe ra phố gửi một lần.
Đối với bà, niềm vui, sự quyết tâm nhân lên gấp bội khi những bức thư có người hồi đáp. Mỗi ngày bà nhận nhiều cuộc điện thoại, tiếp nhiều gia đình liệt sĩ. Có người nửa đêm gọi điện thoại cho bà khi biết nơi cha mình hy sinh mà không thể nào đợi đến sáng: “Bà ơi, con là con của liệt sĩ đây”. Chỉ vỏn vẹn vài từ nghẹn ngào, bà đã cảm nhận một nỗi đau tưởng chừng đè nén đâu đó nay lại chực bùng lên. Lại một đêm khác: “Bà ơi, con biết con gọi điện thoại cho bà giờ này là con sai rồi nhưng con không chịu được… Con lớn lên con không có cha, con không biết mặt cha, con chỉ hình dung cha qua tấm ảnh. Nay nhờ có bà mà con có thể hình dung cha con ngã xuống trên mảnh đất Tây Ninh như vậy, con mừng lắm…”.
Bất ngờ và xúc động khi nhận được thư báo của bà Tuyết, ông Nguyễn Tuấn Hạnh, thân nhân của liệt sĩ Đặng Văn Lựa (Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, hy sinh năm 1972 ở Bình Long) kể: “Năm đó nhận được giấy báo tử, gia đình tôi biết là cháu hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn nhưng không tài nào tìm được dù bản thân tôi cũng từng chiến đấu ở đó”. Nhờ những bức thư của bà Tuyết mà gia đình đã tìm được hài cốt của liệt sĩ Đặng Văn Lựa ở Bình Long, Bình Phước. Ông Hạnh xúc động: “Gia đình tôi rất biết ơn bà Tuyết. Tuy rằng địa hình chiến trường miền Nam đã thay đổi rất nhiều sau hòa bình nhưng mà bà Tuyết vẫn nhọc công đi tìm đồng đội, điều mà tôi vẫn chưa thể làm cho tới cùng được”.
Những lá thư của bà Mai Thị Tuyết giúp các gia đình có người thân đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc phần nào vơi đi những nỗi đau, sự hy sinh mất mát, đồng thời là thông tin hữu ích để các đơn vị, gia đình sớm tìm lại được hài cốt đồng đội và người thân của mình.
Với những nghĩa cử cao đẹp ấy, tháng 3/2016 Bà Mai Thị Tuyết được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng giữa đời thường” và được Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh tặng Bằng khen.
Mỗi lần nhắc đến các liệt sĩ, bà Tuyết lại bồi hồi xúc động “Chẳng ai giao, cứ thế, tôi tự liên hệ, tự tìm đến cơ quan chức năng, thậm chí là tự đến nghĩa trang hay tìm đến tận nơi chôn cất các anh để lấy thông tin, rồi gửi thư báo về cho các gia đình. Hơn 10 năm đi tìm kiếm thông tin liệt sĩ, hơn 14 nghìn lá thư báo tin như thế đã gửi đi. Có thư phản hồi tréo ngoe, có lá gửi đi bặt vô âm tín. Có người bảo tôi… hâm. Kệ, tôi vẫn làm. Tôi tự nhủ mình làm việc này bằng tâm niệm với người đã ngã xuống vì đất nước này”.
Trang Lê