TĐKT - Tối 17/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020, tuyên dương các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tới dự.
Triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11); nhằm cổ vũ, động viên và ghi nhận những cống hiến bền bỉ, không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ, từ năm 2015 đến nay, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long cùng các đơn vị tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.
Sau 5 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương 277 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu. Đó là các thầy cô “bám bản” dạy nơi vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; các thầy cô đang giảng dạy ở các huyện đảo, xã đảo xa xôi; các thầy giáo là những cán bộ, chiến sĩ biên phòng mang quân hàm xanh nâng bước em đến trường; các thầy, cô giáo dạy học sinh khuyết tật; thầy, cô giáo dạy học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên cho cô giáo dân tộc thiểu số tiêu biểu
Năm nay, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long, Ủy ban Dân tộc vẫn tiếp tục tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020, tuyên dương các giáo viên người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn... có thành tích trong công tác được phụ huynh, học sinh và nhân dân ghi nhận.
Điểm mới của chương trình năm nay là ngoài các gương thầy giáo, cô giáo theo giới thiệu, đề xuất từ Hội Liên hiệp Thanh niên các tỉnh, thành phố (sau khi hiệp thương với Sở Giáo dục và Đào tạo và Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố), Ban Tổ chức Chương trình còn đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương giới thiệu, sau đó lập Hội đồng để lựa chọn các tấm gương thầy giáo, cô giáo tiêu biểu xuất sắc để tuyên dương.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh trao Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và biểu trưng của chương trình cho các cô giáo
Sau 2 tháng kể từ khi phát động (13/8 - 13/10), Ban tổ chức đã nhận được 82 đề cử từ các tỉnh, thành phố và các tổ chức. Ngày 21/10, Hội đồng xét chọn gương giáo viên dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 đã họp và lựa chọn ra 63 gương giáo viên thuộc 26 dân tộc thiểu số tiêu biểu. Cụ thể, có 6 giáo viên thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người (dưới 10.000 người) gồm: Bố Y, Lô Lô, La Ha, Sách (Chứt) của các tỉnh (Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Quảng Bình); 57 giáo viên còn lại đến từ 22 dân tộc thiểu số. Giáo viên nhiều tuổi nhất là thầy Thạch Bình Thanh, dân tộc Khmer, sinh năm 1969, giáo viên trường tiểu học Thạch Thía, xã Loan Mỹ, Tam Bình, Vĩnh Long và cũng là người có thời gian công tác lâu năm nhất 33 năm 5 tháng. Người trẻ tuổi nhất là cô giáo PiNăng Thị Hải, dân tộc Raglai, sinh năm 1996, giáo viên trường mầm non Phước Bình, Phước Bình, Bác Ái, Ninh Thuận cũng đã có hơn 3 năm công tác.
Phát biểu tại Lễ tuyên dương, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, "Chặng đường đến với sự nghiệp trồng người của các thầy các cô, dài hơn thế rất nhiều. Đó là chặng đường của những nỗ lực, cố gắng hiện thực hóa ước mơ, vượt qua biết bao khó khăn, vất vả của đời sống vật chất và cả tinh thần, để lựa chọn và sau đó là đeo đuổi sự nghiệp trồng người vinh quang.
Chúng tôi ý thức rõ rằng, mỗi thầy cô ở đây ngày hôm nay, cảm nhận được chia sẻ, động viên, khích lệ, có thêm sức lực gắn bó với nghề, sẽ có hàng nghìn, hàng vạn em nhỏ ở những vùng khó khăn nhất của đất nước được dạy dỗ, yêu thương và có cơ hội thay đổi số phận của chính mình và của bản làng quê hương. Hơn thế nữa, rất nhiều các thầy cô giáo khác cũng vô cùng xứng đáng nhưng vì điều kiện hạn hẹp của chương trình không có mặt ở đây, cũng sẽ được lan tỏa niềm vui ấy, sẽ biết rằng xã hội trân trọng công lao của các thầy cô, sẽ biết rằng vẫn có bao nhiêu trái tim cùng hướng về và chia sẻ với những gian khổ hi sinh… Để các thầy cô có thêm nhiệt huyết trên con đường đã chọn.
Xin được chia sẻ cùng các thầy cô, những người mà mỗi ngày đi dạy có thể phải vượt qua những cung đường vài chục cây số gập ghềnh hiểm trở, một bên là vách cao, một bên là vực sâu. Xin được chia sẻ với các thầy cô, những người đã ở lại với những phòng học chỉ tranh tre nứa lá, trời mưa thì dột, trời rét thì lạnh thấu xương, nhường chỗ ở tốt nhất cho học trò để các em có thể yên tâm, an toàn học tập.
Xin được chia sẻ cùng các thầy cô, những người đã gửi lại con thơ của chính mình cho vợ, cho chồng, hay cho cha mẹ già chăm sóc để có thể giúp những em nhỏ khác có thêm kiến thức, có thêm sự nâng đỡ yêu thương, có thêm cơ hội để thay đổi cuộc đời.
Xin được chia sẻ với các thầy các cô, con cái đau ốm, bố mẹ yếu già, bản thân có thể mang trong mình bệnh nan y nhưng vẫn vượt lên tất cả, để không những tiếp tục dạy học mà còn hoàn thành xuất sắc việc dạy học của mình.
Xin được chia sẻ cùng các thầy cô, những người hoàn cảnh bản thân còn khó khăn hơn bao nhiêu người khác nhưng ngoài giờ lên lớp và soạn giáo án, vẫn tìm những công việc làm thêm vất vả để có thêm tiền hỗ trợ cho học sinh, quyển vở, cái bút, manh áo, để các em yên tâm đến lớp mỗi ngày.
Các thầy các cô không chỉ dạy học trò kiến thức, mà như người cha, người mẹ thứ hai ngày ngày lo cho các em có cái ăn, cái mặc; vận động quyên góp trang thiết bị cho trường, lớp, cho học sinh; vận động xây cầu, làm đường… vượt lên trên những khó khăn thường nhật, nén bao giọt nước mắt vào lòng, các thầy, các cô đã lặng thầm cống hiến hết tuổi thanh xuân, để mang đến những mầm xanh hi vọng cho những mảnh đất khô cằn nhất trên đất nước này. Nhiều thế hệ học sinh của các thầy cô ngày hôm nay đã trưởng thành, quay trở lại đóng góp cho bản làng quê hương, đất nước", Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn xúc động nói.
Tại Lễ tuyên dương, các thầy giáo, cô giáo đã chia sẻ về hoàn cảnh gia đình; quá trình vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống gắn bó với nghề giáo, những trăn trở đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước, sự phát triển của quê hương... 63 giáo viên dân tộc thiểu số tham dự chương trình cũng được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; biểu trưng của chương trình, sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cùng bằng khen, phần thưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc.
Trong khuôn khổ chương trình, năm nay, 8 người con của 3 cô giáo có hoàn cảnh khó khăn được nhận học bổng trị giá 10 triệu đồng. Tập đoàn Thiên Long hỗ trợ kinh phí 100 triệu đồng xây nhà công vụ cho giáo viên trường mầm non Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ban tổ chức chương trình đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các thầy cô giáo tại các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Bình Định, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ.
Hưng Vũ