TĐKT - Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất", những năm qua, tập thể cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ Trường Đại học Chính trị (Sĩ quan Chính trị) - Bộ Quốc phòng đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua Quyết thắng; góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của nhà trường.
Thủ trưởng Trường Đại học Chính trị trao Cờ thưởng cho các đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua Quyết thắng giai đoạn 2009 - 2015
Để phong trào thi đua Quyết thắng đi vào chiều sâu và đạt được hiệu quả thiết thực, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Chính trị đã quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng gắn với lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới nội dung, hình thức, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và bền vững. Theo đó, các phòng, khoa, ban, đơn vị đã cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) và phong trào thi đua Quyết thắng sát với yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình cụ thể; xác định đây là đòn bẩy để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Ở các cấp luôn coi trọng tổ chức giáo dục, quán triệt cho mọi cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ nhận thức đầy đủ về vị trí, ý nghĩa của công tác TĐKT và phong trào thi đua Quyết thắng; xây dựng ý chí quyết tâm, động cơ trách nhiệm thi đua; tạo động lực, khí thế hăng hái thi đua lập thành tích trên các lĩnh vực công tác. Đến nay, sau hơn 6 năm tái thành lập, Trường Đại học Chính trị đã có 6 Phó Giáo sư, 3 Nhà giáo Ưu tú, 22 Giảng viên Giỏi cấp Bộ Quốc phòng, đội ngũ giảng viên có trình độ sau đại học đạt tỷ lệ 49,63%.
Với việc thực hiện tốt phương châm Đảng lãnh đạo, chỉ huy điều hành, cơ quan chính trị làm tham mưu, Hội đồng TĐKT là cơ quan thường trực, tổ chức duy trì hoạt động phong trào thi đua, cấp ủy các cấp ở Trường Đại học Chính trị đã thực sự phát huy vai trò lãnh đạo trong toàn bộ quá trình tổ chức, thực hiện phong trào thi đua Quyết thắng. Từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo xác định nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu thi đua đến việc tổ chức phát động phong trào thi đua, đăng ký giao ước thi đua cho đến tiến hành kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến... đều được thực hiện có chất lượng. Đồng thời, việc đánh giá, xếp loại được tổ chức chặt chẽ, công bằng, chính xác đã tạo động lực thi đua mạnh mẽ, tích cực, lành mạnh, từng bước khắc phục bệnh thành tích trong thi đua. Do vậy, trong các năm học gần đây, phong trào thi đua Quyết thắng của nhà trường đã dần đi vào nền nếp, chất lượng ngày càng tốt hơn.
Đặc biệt, phong trào thi đua Quyết thắng ở Trường Đại học Chính trị đã thường xuyên bám sát nhiệm vụ chính trị, tạo động lực đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều hình thức, nội dung thi đua phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị: "Thi đua tham mưu giỏi, bảo đảm phục vụ tốt, xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện" ở khối các cơ quan; thi đua thực hành "Bài giảng mẫu", "Hội thi xây dựng giáo trình điện tử và giảng viên trẻ ứng dụng công nghệ thông tin" ở khối các khoa; thi đua "Đổi mới, nâng cao chất lượng tự học và tổ chức các hoạt động ngoại khóa" ở khối các đơn vị quản lý học viên... Từ năm 2008 đến nay, toàn trường đã triển khai nghiên cứu 4 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, 30 đề tài cấp ngành; 36 đề tài và 11 sáng kiến cấp trường; 59 đề tài cấp phòng, khoa, ban, hệ, tiểu đoàn; 2.541 đề tài cá nhân; 1.579 đề tài, chuyên đề của học viên; lựa chọn 44 công trình tiêu biểu tham gia Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội, có 5 giải Nhất, 7 giải Nhì, 12 giải Ba, 12 giải Khuyến khích; tổng kết 15 năm hoạt động Giải thưởng tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội, Nhà trường được Tổng cục Chính trị tặng Cờ đơn vị xuất sắc. Ngoài ra, trường đã tổ chức tốt 5 hội thảo theo chỉ đạo của Tổng cục Chính trị; 11 hội thảo cấp Trường và nhiều hội thảo cấp cơ sở; biên soạn 32 giáo trình, 25 sách tham khảo, 73 tập bài giảng và 24 tài liệu dạy, học. Website Đại học Chính trị đưa vào hoạt động, phản ánh kịp thời phong phú các mặt công tác của nhà trường...
Một điểm nhấn quan trọng góp phần làm nên kết quả phong trào thi đua Quyết thắng ở Trường Đại học Chính trị trong những năm qua đó là công tác TĐKT và phong trào thi đua Quyết thắng thường xuyên được thực hiện gắn liền với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Công tác xây dựng, nhân điển hình tiên tiến được đổi mới mạnh mẽ ở tất cả các khâu, các bước và phát triển sâu rộng, ngày càng thực chất. Với cách làm này, nhiều mô hình hoạt động, câu lạc bộ ra đời khẳng định tính sáng tạo và hiệu quả thực tế, tiêu biểu: “Đoàn viên đẹp”, “Chi đoàn viết báo”, “Tổ chức đoàn không có cán bộ, đoàn viên, thanh niên vi phạm kỷ luật”, “Tổ chức đoàn không có cán bộ, đoàn viên, thanh niên hút thuốc lá”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Đôi bạn 15 điểm”, “Sinh viên 5 tốt”, “Câu lạc bộ ca khúc”, “Câu lạc bộ những người yêu thích Dân ca Quan họ Bắc Ninh”, “Câu lạc bộ Phụ nữ 3 đẹp”, “Câu lạc bộ Tìm hiểu pháp luật”, “Câu lạc bộ Tiếng Anh”... Từ đây, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích quan trọng: giải Nhất năm 2009, giải Nhì năm 2012, giải Nhất năm 2015 Hội thi Ô-lym-píc các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh toàn quân. Tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng Lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên lần thứ VII năm 2009, lần thứ VIII năm 2015, Liên hoan tuyên truyền viên trẻ toàn quân năm 2015, Hội thi Báo cáo viên giỏi toàn quân năm 2015, nhà trường được tặng Cờ xuất sắc; thi thợ giỏi ngành in toàn quân năm 2015 được tặng Giấy khen. Cùng với đó, nhà trường thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác chính sách và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Làm tốt công tác dân vận kết hợp với thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, tăng cường đoàn kết quân dân. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Kết quả phân loại, đánh giá tổ chức Đảng và đảng viên năm sau cao hơn năm trước. Trung tướng Nguyễn Văn Đủ, Chính ủy Trường Đại học Chính trị cho biết: "Trên cơ sở tinh thần trách nhiệm, đoàn kết gắn với những nội dung, hình thức phong phú, phù hợp, phong trào thi đua Quyết thắng luôn là động lực cơ bản góp phần vào những kết quả chung của nhà trường, xứng đáng với truyền thống 40 năm xây dựng, trưởng thành của Trường Đại học Chính trị - Trung thành, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, dạy tốt, học tốt"
Có thể thấy, việc triển khai thực hiện phong trào thi đua Quyết thắng những năm qua ở Trường Đại học Chính trịđã tạo luồng sinh khí mới trong từng cơ quan, đơn vị. Thông qua phong trào, giá trị và phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" ngày càng được tôn vinh, tỏa sáng; khẳng định rõ nét bản lĩnh, nhân cách người quân nhân cách mạng, không quản ngại gian khổ, hy sinh, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Đồng thời, phong trào thi đua Quyết thắng cũng đã thực sự trở thành đòn bẩy quan trọng giúp nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2009 - 2014, Trường Đại học Chính trị đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng trao tặng nhiều phần thưởng: Chủ tịch nước tặng Huân Chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2010), Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua" (2013), Bộ Quốc phòng tặng Cờ "Đơn vị dẫn đầu Phong trào thi đua Quyết thắng" (2009, 2010, 2011)... Bên cạnh đó, phong trào còn góp phần làm chuyển biến những khâu yếu, điểm yếu trong từng phòng, khoa, ban, đơn vị; khích lệ cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ toàn trường tích cực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Từ thực tiễn tổ chức phong trào thi đua Quyết thắng ở Trường Đại học Chính trị những năm qua, có thể rút ra một số vấn đề có tính kinh nghiệm như sau:
Một là, thường xuyên xây dựng sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao trong cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp, phát huy vai trò tiền phong của đội ngũ cán bộ, coi đây là nhân tố quan trọng để đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác TĐKT và phong trào thi đua Quyết thắng.
Hai là, chú trọng công tác giáo dục xây dựng động cơ, quyết tâm thi đua đúng đắn cho các lực lượng, tạo điều kiện phát huy tiềm năng sáng tạo, sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ, qua đó thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển.
Ba là, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, bám sát thực tiễn, tích cực đổi mới nội dung, hình thức tổ chức phong trào thi đua; triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung khắc phục khâu yếu, mặt yếu.
Bốn là, quan tâm đẩy mạnh, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, thông qua "người thực, việc thực, thành tích thực" thúc đẩy phong trào thi đua ngày càng thực chất và phát triển sâu rộng".
Năm là, kết hợp chặt chẽ thi đua với khen thưởng; kịp thời sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng và đấu tranh phê bình, xử lý sai phạm để tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua không ngừng phát triển.
Nguyễn Mạnh Cường - Nguyễn Danh Nhân