TĐKT - Sáng 11/9, tại Hà Nội, Báo Văn hóa phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Hội thảo Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu. Hội thảo là một diễn đàn đa chiều về văn hóa doanh nghiệp gắn với phát triển thương hiệu, đưa ra các ý kiến đóng góp để từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội thảo
Nội dung chính của Hội thảo tập trung vào quan hệ tương tác giữa xây dựng văn hóa doanh nghiệp góp phần tích cực vào phát triển thương hiệu của doanh nghiệp, từ đó phát triển kinh doanh một cách bền vững.
PGS. TS Dương Thị Liễu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh nhấn mạnh: Văn hóa doanh nghiệp là một trong những công cụ quan trọng nhất của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc quản lý điều hành, là yếu tố căn bản trong công tác quản trị doanh nghiệp để dẫn dắt sự phát triển bền vững trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Văn hóa doanh nghiệp là bản sắc riêng, là tư tưởng và niềm tin phát triển của doanh nghiệp. Đó luôn là năng lực cạnh tranh và sức mạnh riêng có để các doanh nghiệp phát triển mạnh, bền vững, không chỉ trong hiện tại mà đặc biệt là trong kỷ nguyên 4.0.
Khi Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh, đang thúc đẩy cạnh tranh và làm mờ ranh giới giữa các ngành, văn hóa doanh nghiệp cũng phải thay đổi cho phù hợp với nhịp tiến vũ bão của cuộc cách mạng này. Việc chậm thay đổi văn hóa doanh nghiệp sẽ tương đồng với hiệu quả âm trong kinh tế.
PGS. TS Dương Thị Liễu đưa ra một số gợi ý cho việc xây dựng, thay đổi văn hóa doanh nghiệp để phù hợp, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: Cụ thể hóa việc đổi mới, nâng tầm văn hóa thời 4.0 bằng các chương trình hành động theo từng giai đoạn; chuyển đổi môi trường doanh nghiệp theo mô hình gắn liền với công nghệ và số hóa; phải luôn sáng tạo đổi mới dây chuyền công nghệ, mô hình quản lý và kinh doanh phù hợp, điều hành doanh nghiệp theo hướng tư duy cạnh tranh sáng tạo về trí tuệ, ứng dụng công nghệ mới tạo năng suất cao, hiệu quả; minh bạch hóa toàn bộ các hoạt động, cho phép nhân viên nắm giữ nhiều thông tin hơn để họ cảm thấy mình thực sự là một phần trong doanh nghiệp, từ đó nhân viên sẽ có động lực để làm việc hiệu quả hơn; xây dựng văn hóa công ty bằng ứng dụng công nghệ...
Theo Ths Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Elite PR School, Giám đốc điều hành đơn vị tư vấn chiến lược CSCI Indochina, văn hóa doanh nghiệp nên bao gồm những thành tố: Văn bản về nền tảng thương hiệu (tên, ý nghĩa, triết lý, tầm nhìn, nhiệm vụ cần hoàn thành, đặc tính, định vị, lời hứa, bộ nhận diện thương hiệu); văn bản về lịch sử thương hiệu (khởi nguồn, câu chuyện, giai thoại, những con người quan trọng, những cột mốc đáng chú ý, truyền thống, phong trào); các văn bản quy định, nội quy, quy chế, quy trình chuẩn; các giá trị cốt lõi; sổ tay văn hóa hành xử, ứng xử online và offline; tài liệu đào tạo định hướng; văn bản mô tả, hướng dẫn các quy trình chuẩn; hệ thống quản trị chất lượng. Tất cả đi kèm với một hệ thống truyền thông nội bộ rõ ràng về chiến lược KPI, minh bạch về thông tin, chính xác về nhiệm vụ. Trong các yếu tố trên, tầm nhìn hay mục đích cốt lõi của doanh nghiệp và nhiệm vụ cần hoàn thành được ví như trụ cột quan trọng nhất, xoay quanh nó là 6 giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
"Văn hóa doanh nghiệp tồn tại tự nhiên như khí trời. Nhiều doanh nghiệp vẫn tồn tại dù không thực sự chú ý tới vấn đề này. Nhưng nếu muốn hướng đến sự vĩ đại, sự trường tồn, chủ doanh nghiệp cần đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp một cách có chiến lược, chiến thuật trong cả 3 yếu tố: Con người - nguồn lực - phương pháp để có sức khỏe thương hiệu tốt nhất để đối mặt với các nguy cơ, khủng hoảng, xung đột và tạo ra sự sẵn sàng để nắm bắt mọi cơ hội kinh doanh, phát triển." - Ths Nguyễn Đình Thành nhận định.
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp cũng đã chia sẻ những câu chuyện về xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu.
Phương Thanh