TĐKT – Những năm qua, phát huy truyền thống thi đua yêu nước, người lính Cụ Hồ, nữ doanh nhân Hoàng Thị Nhâm không ngừng phấn đấu, sáng tạo, tiếp tục sản xuất, kinh doanh giỏi, làm thay da đổi thịt cho mảnh đất và con người Mường Tè (tỉnh Lai Châu) và giúp đỡ hàng trăm mảnh đời bất hạnh trên khắp mọi miền đất nước. Năm 2020, bà Hoàng Thị Nhâm vinh dự được bầu là đại biểu của tỉnh Lai Châu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X - nơi hội tụ những gương mặt điển hình tiêu biểu của toàn quốc trong các phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực giai đoạn 2015 - 2020.
Bà Hoàng Thị Nhâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Nhâm chia sẻ: Đó là niềm vinh dự, tự hào to lớn; đồng thời luôn là động lực, trách nhiệm để bà không ngừng thi đua, phấn đấu xứng đáng với niềm tin yêu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Từ vạch núi làm đường…
Ngắm nhìn những con đường làng nối làng, thôn nối thôn trải nhựa phẳng lì; những ngôi nhà dân xây san sát hai bên đường; những đứa trẻ đang tung tăng cười nói, cắp sách đến trường; cảnh bà con nhộn nhịp mua bán… nữ doanh nhân Hoàng Thị Nhâm không giấu nổi niềm hạnh phúc ánh lên trong đôi mắt: “Đó là niềm hạnh phúc, là thành quả tự hào lớn nhất trong cuộc đời của tôi” – Bà Nhâm chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Nhâm được tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2016
Nhớ lại thời điểm mới đặt chân đến mảnh đất Mường Tè năm 1983, bắt đầu với công việc của một cán bộ thương nghiệp, bà Hoàng Thị Nhâm cho biết, đã sớm được chứng kiến những nỗi vất vả của người dân vùng cao khi giao thông chưa phát triển, thiếu thông tin và vô cùng nghèo khó… “Quanh năm cuộc sống của họ không có thông tin, văn hóa, thậm chí không có cả đèn dầu thắp sáng mà phải đốt củi để lấy ánh sáng vào buổi tối. Muốn mua một viên thuốc cho con lúc ốm, bà con ở đây phải mất cả một ngày đường, vạch rừng, vạch núi để xuống trạm y tế. Có mớ rau ngon mang được đến chợ bán thì cũng đã héo mất rồi…”
Chưa kể, nơi đây thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, lũ lụt. Từ miền xuôi lên miền núi công tác, hơn ai hết, bà thấm thía những khó khăn, vất vả của đồng bào ở đây. “Năm 1990, khi làm ăn tích lũy được ít vốn thì một trận lũ đã cuốn trôi toàn bộ tài sản mà gia đình cùng gom góp được trong bảy năm. Bà tiếp tục làm lại kinh tế từ con số không. Nhưng vừa lấy lại được những gì đã mất, năm 1996, lại một trận lũ lịch sử xảy ra tại Lai Châu, một lần nữa cướp đi tất cả công sức của cả gia đình tôi.” – bà Nhâm xúc động nhớ lại.
Dù mảnh đất khó Mường Tè đã lấy đi không ít công sức và của cải, khiến bà bao đêm trăn trở nhưng người phụ nữ ấy luôn cảm ơn cuộc đời đã cho bà cơ hội được nếm trải cảnh “trắng tay” và tôi luyện thêm cho mình ý chí “rũ bùn đứng dậy” làm lại cuộc đời. Đặc biệt, đã cho người lính cụ Hồ ấy thêm cơ hội thấu hiểu, cảm thông với bà con nghèo, những mảnh đời sau cơn lũ thiên tai; từ đó có những bước đi mạnh dạn giúp Mường Tè bắt kịp với nhịp sống, hơi thở của cả nước.
Năm 2011, Chính phủ có quyết định đầu tư chương trình 500 xã đặc biệt khó khăn làm đường dân sinh, thủy lợi, xây dựng trường học. Với suy nghĩ, mở đường, phá ốc đảo, là cơ hội “chở” nhiều thứ ở thế giới bên ngoài về với bà con, bà Hoàng Thị Nhâm mạnh dạn đứng lên thành lập doanh nghiệp, nhận thi công những con đường. Với phương châm làm đến đâu, chất lượng, hiệu quả đến đó, nên dù một số công trình chưa kịp giải ngân, bà vẫn mạnh dạn vay vốn để công trình được thi công đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ…
Nhưng quả thật, làm rồi mới thấy cực thế nào. Thi công 1 km đường đất, đá lởm chởm, trên độ cao hàng nghìn mét thật không đơn giản. Nếu ở đồng bằng, máy móc có thể hỗ trợ được; thì ở đây đa số dựa vào sức người. Nếu không may, vừa đổ rải bê tông xong mà trời mưa thì lại bắt đầu lại từ con số không… Bản thân bà khi đi thị sát tại các công trình, có lúc gặp trận mưa lớn, bị ướt sũng, nhưng cũng chỉ trú tạm nhà người dân trong bản, xin lửa để hong khô quần áo rồi lại tiếp tục lăn xả với công việc.
Với sự từng trải và bản lĩnh can trường của người lính Cụ Hồ cùng tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm của nữ doanh nhân Hoàng Thị Nhâm; cộng với sự chung tay của bà con nhân dân, đặc biệt là sự quyết tâm, động viên của chính quyền địa phương, các con đường dài 2 km, rồi 15 km, 20 km lần lượt được hoàn thiện. 200 km đường nối tới bản, trụ sở trung tâm xã, đường liên xã; hơn 60 trường học được hoàn thiện gắn liền với cái tên của doanh nghiệp Hoàng Nhâm, chở theo cái chữ và sự văn minh đến với đồng bào, giúp cho đời sống của bà con Mường Tè ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Người phụ nữ Hoàng Thị Nhâm và doanh nghiệp mang tên bà cũng ngày càng gắn liền với nhiều phong trào thi đua khác của tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè. Trong tất cả các hoạt động từ thiện nhân đạo, các phong trào: Xóa nhà tranh tre; lập quỹ trẻ thơ, quỹ ủng hộ bão lũ; giúp đỡ các nạn nhân chất độc màu da cam, các gia đình chính sách, người có công, trẻ em mồ côi… doanh nghiệp Hoàng Nhâm đều tích cực tham gia với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Để ghi nhận những đóng góp của bà đối với sự phát triển của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu nói riêng, sự phát triển của đất nước nói chung, trong giai đoạn 2010 - 2015, nữ doanh nhân, người lính cụ Hồ Hoàng Thị Nhâm đã vinh dự được các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2014, bà vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Khát vọng phát triển du lịch, hỗ trợ cộng đồng
Với tinh thần thi đua yêu nước sục sôi ấy, bước sang giai đoạn mới (2015-2020), bà Hoàng Thị Nhâm không ngừng cố gắng, chèo lái con thuyền Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Nhâm phát triển ngày càng lớn mạnh, trở thành Công ty TNHH MTV Hoàng Nhâm với 13 kỹ sư, 15 cán bộ quản lý, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 400 lao động phổ thông tại các địa phương với mức thu nhập ổn định hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Năm 2018, doanh thu Công ty đạt 165 tỷ đồng, tăng 28,95% so năm 2004, thu nhập sau thuế năm 2018 là 3 tỷ đồng, thu nhập bình quân cán bộ công nhân 9 triệu đồng/người/năm; nộp ngân sách bình quân 14 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, từ thành công trong lĩnh vực xây dựng đã thôi thúc doanh nhân Hoàng Thị Nhâm tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực khác như: Thương mại, dịch vụ và du lịch. Năm 2019, sau bao nhiêu nỗ lực đầu tư, vun đắp và dựng xây, Khách sạn 5 sao Hoàng Nhâm Luxury, một trong những khách sạn hạng sang đầu tiên của tỉnh Lai Châu chính thức đưa vào khai thác sử dụng. Đến nay, khách sạn đã tiếp đón nhiều lượt khách trong và ngoài nước, góp phần thay đổi diện mạo thành phố; đồng thời tạo công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, trở thành niềm tự hào của Lai Châu. Với những nỗ lực đó, năm 2018, bà vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Bà Hoàng Thị Nhâm tặng mái ấm cho gia đình nghèo ở huyện Mường Tè
Không những điều hành hoạt động kinh doanh hiệu quả, doanh nhân Hoàng Thị Nhâm còn hết mình hỗ trợ cộng đồng, luôn đi đầu trong các phong trào do tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè phát động. Từ 2014 - 2018, bà tham gia giúp phụ nữ làm kinh tế gia đình, ủng hộ trẻ em khuyết tật chất độc màu da cam, các em hiếu học có hoàn cảnh khó khăn; các quỹ ủng hộ người nghèo, quỹ khuyến học, ủng hộ ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa; ủng hộ chương trình Mùa xuân cho em, chương trình tình nguyện mùa đông tổng trị giá trên 800 triệu đồng; ủng hộ các nơi có thiên tai lũ lụt, ủng hộ giúp đỡ các cựu chiến binh nghèo; ủng hộ thăm hỏi các gia đình thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam Anh hùng trị giá 350 triệu đồng.
Năm 2017, bà tham gia ủng hộ 50 triệu đồng cho phong trào xây dựng nông thôn mới. Năm 2016, bà ủng hộ 300 triệu đồng chương trình “Em không phải bỏ học” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ chương trình xúc tiến việc làm - an sinh xã hội là 200 triệu đồng.
Ngoài ra, từ 2016 - 2018, bà tặng 190 triệu đồng quà Tết nguyên đán cho các gia đình nghèo; nhận nuôi đỡ đầu cho 15 cháu học sinh từ 8 tuổi đến 18 tuổi mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các chương trình khác trên 300 triệu đồng. Năm 2018 ủng hộ bà con nhân dân tỉnh Lai Châu bị thiệt hại do mưa lũ trị giá 100 triệu đồng... Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 đang tàn phá nặng nề nền kinh tế, bà vẫn “vững tay chèo” để đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động của mình.
Trải qua biết bao nhiêu thử thách, lúc kiên cường, xông pha trên chiến trường bom đạn, chứng kiến sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, lúc lại gồng mình, lăn lộn với những thăng trầm trên thương trường khốc liệt, nhưng với nữ doanh nhân Hoàng Thị Nhâm: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên. Tinh thần yêu nước, yêu dân tộc chính là cội nguồn của sự thành công. Thành công sẽ đến với những người biết vượt qua khó khăn để tự đứng lên bằng đôi chân của mình và biết phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.
Mai Thảo