TĐKT - Ngày 20/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn "Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online".
Toàn cảnh Diễn đàn
Diễn đàn tập trung làm rõ các tác động ảnh hưởng tới khuynh hướng tiêu dùng của thị trường Việt Nam những năm gần đây cũng như trong đại dịch Covid-19 và đưa ra các giải pháp phát triển bền vững ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam; chia sẻ những ý kiến từ phía các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến; thảo luận về tác động, thách thức và định hướng cho các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội phù hợp với thị trường công nghệ mới...
Tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhất là sau khi dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn. Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh với 80% đã từng mua hàng online. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất là thời trang, IT và mỹ phẩm.
Hiện nay, người tiêu dùng và đặc biệt là giới trẻ đã gắn chặt với các thiết bị di động, mạng xã hội và thích nghi với việc mua hàng trực tuyến (với hơn 50% dân số). Bên cạnh yếu tố tiết kiệm thời gian, người tiêu dùng Việt Nam muốn đầu tư cho một cuộc sống chất lượng cao nên ngày càng thích mua sắm trực tuyến vì độ tiện dụng. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.
Phương Linh